Nếu làm Tổng thống, Donald Trump sẽ buộc Apple sản xuất thiết bị tại Mỹ
(Dân trí) - Ứng viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump một lần nữa lại gây xôn xao dư luận với tuyên bố gây sốc rằng ông sẽ ép buộc Apple "phải sản xuất những chiếc máy tính đáng nguyền rủa và những thứ khác của họ tại Mỹ".
Trong một bài phát biểu trước đám đông ủng hộ ông tại trường Đại học Liberty (bang Virginia), ứng cử viên chạy đua cho chức Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump đã có một tuyên bố gây nhiều tranh cãi khi khẳng định rằng sẽ buộc Apple phải sản xuất các thiết bị của mình tại Mỹ, thay vì tại Trung Quốc như hiện nay, nếu ông trúng cử chức Tổng thống.
Thậm chí, Trump không ngần ngại gọi sản phẩm của Apple là “những chiếc máy tính đáng nguyền rủa” trong bài phát biểu của mình.
Theo Donald Trump, việc Apple sản xuất các thiết bị của hãng tại Mỹ sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm cho người dân Mỹ, thay vì mang những công việc này cho công dân nước khác.
“Chúng ta có những con người tuyệt vời tại đất nước này: thông minh, sắc sảo, năng động, họ thật tuyệt vời”, Trump nói trong bài phát biểu của mình. “Tôi đã nói rằng sẽ giúp nước Mỹ trở nên vĩ đại một lần nữa và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể nói điều đó ngay bây giờ. Chúng ta sẽ buộc Apple phải bắt đầu sản xuất những chiếc máy tính đáng nguyền rủa và những thứ khác của họ tại quốc gia này, thay vì tại những quốc gia khác”.
Để hiện thực hóa điều này, Trump dự định nếu trở thành Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ tiếp theo, ông sẽ áp dụng một mức thuế lên đến 35% đối với những công ty Mỹ đặt nhà máy sản xuất ở nước ngoài.
Tuy nhiên, tuyên bố của Trump đã bị giới công nghệ đánh giá là “vô nghĩa” và mang tính chất “sáo rỗng” và chỉ nhằm gây chú ý cho cuộc vận động tranh cử của bản thân, bởi lẽ việc ép buộc một công ty lớn như Apple phải chuyển nhà máy sản xuất về Mỹ là một điều bất khả thi. Bên cạnh đó, bản thân Tổng thống Mỹ cũng không có đủ quyền hạn để ép buộc một công ty tại Mỹ phải đặt nhà máy tại đâu vì điều này vi phạm luật thương mại tự do.
Hiện tại, Apple chỉ có một nhà máy đặt tại bang Taxas từ năm 2013 để sản xuất dòng máy tính Mac Pro, trong khi đó toàn bộ các sản phẩm khác của hãng đều được lắp ráp và sản xuất tại Trung Quốc. Việc Apple chọn các đối tác Trung Quốc để lắp ráp và sản xuất các sản phẩm của hãng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận của công ty, khi mà Trung Quốc nổi tiếng với lực lượng lao động đông và giá rẻ, nếu so với giá nhân công tại các quốc gia khác, đặc biệt là tại Mỹ.
Trước đó, Motorola cũng đã mở các nhà máy tại Mỹ để gây dựng thương hiệu với những sản phẩm được sản xuất tại Mỹ và nhằm kích động “chủ nghĩa dân tộc” với đối tượng người dùng Mỹ. Tuy nhiên, chiến lược này của Motorola cũng đã thất bại hoàn toàn do giá nhân công tại Mỹ cao, điều này đã khiến Motorola càng gặp phải nhiều khó khăn và buộc phải “bán mình”.
Đây không phải là lần đầu tiên Donald Trump “đụng chạm” đến các hãng công nghệ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình.
Trước đó vào hồi tháng 12 năm ngoái, Donald Trump đã có cuộc “khẩu chiến” với Jeff Bezos, nhà sáng lập và CEO của hãng thương mại điện tử Amazon, khi cho rằng Amazon là “một công ty không có lợi nhuận”. Đáp trả lại chỉ trích của Donald Trump, Jeff Bezos đã gọi Donald Trump là “rác rưởi” và muốn tống khứ vị ứng viên Tổng thống này lên vũ trụ.
T.Thủy
(Tổng hợp)