Nạn nhiễu sóng ở các mạng di động

Sau EVN Telecom và Hanoi Telecom, đến lượt VinaPhone và MobiFone bị nhiễu sóng của nhau. Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ BCVT cho biết đang xem xét hình thức xử phạt đơn vị sử dụng thiết bị lạ gây nhiễu sóng cho mạng khác.

Sự việc xảy ra vào giữa tháng 9 vừa qua khi nhiều thuê bao của VinaPhone tại phố Triệu Việt Vương, Ngọc Khánh, Trung Hòa... (Hà Nội) không thể thực hiện được cuộc gọi hoặc nhắn tin, các cuộc gọi thường xuyên bị ngắt quãng với những âm thanh lạ xuất hiện.

Hiện tượng này khác hẳn với những gì mà khách hàng gặp phải khi sự cố nghẽn mạng xảy ra. Khi nhận được phản ánh của khách hàng, các chuyên gia kỹ thuật của VinaPhone tiến hành kiểm tra và xác định, những thuê bao này đang nằm trong vùng phủ sóng và hệ thống tổng đài vẫn hoạt động bình thường.

Không xác định được nguồn gây nhiễu, VinaPhone phải nhờ các chuyên gia của Cục Tần số Vô tuyến điện vào cuộc. Kết quả là, hiện tượng nhiễu sóng ở mạng VinaPhone xảy ra do mạng MobiFone sử dụng thiết bị nâng cao chất lượng vùng phủ sóng (repeater) không đạt tiêu chuẩn. Bản thân mạng này cũng gặp trục trặc tương tự do lỗi thiết bị và ảnh hưởng lây sang mạng VinaPhone tại một số địa điểm.

Trước đó, nhiều thuê bao của VinaPhone ở khu vực Thái Hà, Tây Sơn, Thụy Khuê... cũng gặp cảnh tương tự. Thậm chí có thuê bao phải khởi động lại máy mới bắt được tín hiệu.

Nguyên nhân được Cục Tần số Vô tuyến điện xác định là do mạng di động 092 của Hanoi Telecom sử dụng một số thiết bị gần sát tần số gây nhiễu sóng cho mạng VinaPhone.

Mạng di động 096 của EVN Telecom còn bị nhiễu sóng do bức xạ phụ phát ra từ các thiết bị của Đài Truyền hình Hà Tây và một số tỉnh khác.

Theo một số chuyên gia kỹ thuật, 6 nhà cung cấp đều được phân đoạn băng tần riêng không trùng nhau nên giả thuyết phát trùng băng tần bị loại bỏ. Ba mạng di động sử dụng dải tần công nghệ GSM (900-1.800 MHz) là VinaPhone, MobiFone, Viettel, ba mạng còn lại sử dụng công nghệ CDMA tần số 450-800 MHz gồm S-Fone, EVN Telecom và Hanoi Telecom.

Mỗi đơn vị lại được phân một đoạn trong dải này đảm bảo không trùng nhau nhằm tránh hiện tượng can nhiễu, phá sóng giữa các mạng. Nhưng có thể là doanh nghiệp sử dụng các thiết bị gây cản sóng, hoặc cũng có thể vì lý do cạnh tranh họ cố tình phá sóng nhau.

Trao đổi với PV, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện (đơn vị được giao trực tiếp quản lý băng tần số di động) Đoàn Quang Hoan khẳng định: "Tình trạng can nhiễu giữa các mạng xảy ra thời gian qua theo kiểm tra của chúng tôi là do kỹ thuật, các thiết bị mà các mạng sử dụng lọc sóng và tín hiệu kém, hoàn toàn không có chuyện cố ý, chèn phá sóng lẫn nhau. Khi xảy ra sự cố, chúng tôi đều điều tra xác định nguyên nhân. Nếu đơn vị nào cố tình sử dụng thiết bị kém hòng triệt tiêu mạng khác, sẽ xử phạt theo đúng quy định".

Theo Hồng Anh
VnExpress