“Mục sở thị” trại cai nghiện Internet ở Trung Quốc
(Dân trí) - Tiếng còi cất lên lúc 6 giờ sáng bắt đầu một ngày mới tại Trung tâm Phát triển tâm lý Thanh niên Bắc Kinh. Bệnh nhân nhanh chóng ra khỏi giường và mặc đồng phục quân đội, sẵn sàng trải qua một ngày cai nghiện Internet.
Khóa cửa cẩn thận để ngăn bệnh nhân bỏ trại.
Hầu hết những nam thanh niên trẻ tuổi ở trung tâm này đều có chung một vấn đề: nghiện Internet. Thông qua một chương trình chặt chẽ gồm luyện tập thân thể, thuốc thang và tư vấn, đây được coi là nơi mà họ hy vọng sẽ cai được chứng nghiện Internet.
Trong những tuần gần đây, người ta chú ý rất nhiều đến những trại như thế này vì trước đó, Trung Quốc đã có 2 cậu bé tuổi teen bị đánh ở 2 trại cai nghiện Internet khác nhau, một người đã chết và một người bị thương nặng.
“Nô lệ” của Internet
Tao Ran, giám đốc của trung tâm trên, phủ nhận nhân viên của trại sử dụng bạo lực đối với các bệnh nhân.
Ông nói: “Chúng tôi dùng tình thương và khoa học để chăm sóc và chữa trị cho các bệnh nhân, giúp họ học hành và sử dụng internet thật lành mạnh”.
Tuy nhiên, trung tâm này, ông Ran khẳng định, không phải là trại nghỉ dưỡng. Một bệnh viện thuộc quân đội Trung Quốc quản lý trại này và nó nằm trong một căn cứ quân sự. Khi những thanh niên thực hiện các hoạt động hàng ngày thì binh lính tại đây vệ sinh súng ống bên ngoài một ký túc xá ngay bên cạnh.
Những bệnh nhân, hầu hết là những thanh thiếu niên hoặc ở độ tuổi 20 trở xuống, được gửi tới đây vì bố mẹ họ tin rằng họ đã dành quá nhiều thời gian cho Internet. Ông Tao định nghĩa một người nghiện Internet là người sử dụng chúng ít nhất 6 tiếng mỗi ngày và ít quan tâm đến việc học hành.
Những khẩu hiệu được gắn trên tường của trung tâm nói rõ rằng dành quá nhiều thời gian cho internet là không lành mạnh, như “Những người làm chủ Internet là anh hùng” và “Những người bị Internet điều khiển là nô lệ”.
Những thanh thiếu niên nghiện Internet từ khắp cả nước đã đến trung tâm này và nhiều người trong số họ đã phải chịu đựng chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt ở đây trong vòng 3 tháng.
“Bố đã lừa cháu”
Chế độ sinh hoạt trên bắt đầu với những bài tập thể dục buổi sáng trên sân tập diễu binh của căn cứ quân sự. Sau đó những người nghiện internet được đưa trở về nơi ở, bị nhốt lại trong đó và phải dọn dẹp nhà cửa.
Bốn người ở trong một phòng, rất giống với ký túc xá của binh lính. Chăn gối được xếp ngay ngắn trên giường, khăn rửa mặt vắt lên thành chậu. 4 chiếc bàn chải đánh răng được cắm vào những chiếc cốc. Tất cả phải nghiêng về cùng một hướng.
Đồ dùng cá nhân ngắn nắp như trong quân đội.
Theo các bậc phụ huynh, rất ít thanh thiếu niên muốn đến trại để cai nghiện Internet và không khó để tìm ra lý do vì sao. Các bệnh nhân đều phải tuân theo lệnh. Một nhân viên ở trung trại đã xoay tròn một bệnh nhân vì cậu ta không chú ý trong lúc điểm danh.
“Bố cháu đã lừa cháu để đưa cháu vào đây. Ông ấy đã nói là cùng ra ngoài chơi nhưng sau đó đã mang cháu vào đây”, một bênh nhân nói. “Lúc đầu cháu thấy rất buồn, nhưng sau đó hiểu vì sao bố mẹ muốn cháu ở đây. Họ muốn cháu cai nghiện Internet”.
Nhưng tại những trung tâm cai nghiện Internet, không chỉ những bệnh nhân mới là người cần “chữa trị”. Một phần phương pháp của giám đốc Tao là thay đổi cách cư xử của các gia đình. Ông cho rằng không chỉ những người sử dụng Internet mới có vấn đề.
Nhiều bậc phụ huynh mang con đến trại với một mong muốn học được cách nuôi con tốt hơn. Và một vài người trong số họ thú nhận rằng có điều gì đó họ cần phải học hỏi.
“Khi chúng tôi đến và bắt đầu nghe tiến sĩ Tao, chúng tôi nhận ra rằng cách chúng tôi làm cha mẹ có vấn đề, đặc biệt là tôi”, một ông bố tên Chen Lin nói. “Chúng tôi đã coi con mình còn rất bé và cho rằng nó nên làm theo bất kỳ những gì chúng tôi nói”.
Hy vọng cuối cùng
Ông Chen nói rằng ông từng đánh đập, chế nhạo con trai để khuyến khích nó chăm chỉ hơn. Bây giờ, ông cho rằng điều này là sai trái
“Chúng tôi đã xúc phạm nó và khiến nó thiếu tự tin”, ông nói.
Chính phủ Trung Quốc ngày càng quan tâm hơn tới hoạt động của những trại như thế này và việc kiểm soát còn lỏng lẻo. Hiện tại không có trại nào đăng ký hoạt động, không có trại nào được các nhà chức trách phê chuẩn và thanh tra.
Vào tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế nước này đã đưa ra thông báo cấm sử dụng liệu pháp sốc điện để cai nghiện internet.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh trên khắp cả nước tiếp tục gửi con mình đến các trại vì lo lắng.
“Không còn lựa chọn nào khác.. đây là hy vọng cuối cùng của chúng tôi”, một ông bố tại Bắc Kinh nói.
Võ Hiền
Theo BBC
Theo BBC