Mua LCD cũ theo kiểu hên xui

(Dân trí) - Mua một chiếc LCD để xài với giá rẻ ở TPHCM không phải là khó. Chỉ cần đi tới đường Nhật Tảo, Tôn Thất Tùng và Bùi Thị Xuân là có thể chọn thoải mái một chiếc LCD theo túi tiền của mình. LCD cũ giá rẻ tràn lan nhưng chất lượng vẫn còn là một dấu hỏi.

Đa dạng về kiểu dáng hãng sản xuất

 

Màn hình LCD được bày bán với rất nhiều kiểu dáng của các nhà sản xuất hàng đầu, như Dell, Mitsubishi, Eizo, IBM, Compaq, Nec, Data, Fujitsu,…. Có kiểu rất gọn nhẹ và thanh nhã, có kiểu thì đồ sộ, cũng có kiểu nhìn rất thô kệch, có kiểu cắm trực tiếp vào nguồn để sử dụng nhưng cũng có kiểu phải thông qua Adapter mới lên hình.…Những mặt hàng này đa số là của Mĩ hoặc Nhật. Các LCD được bày bán là loại 15” và 17”.

 

Tuy nhiên những LCD được bán ở đây lại không đồng bộ, nghĩa là mỗi hãng sản xuất chỉ có một vài cái chứ không có số lượng nhiều cho người mua. Nếu như mua số lượng nhiều thì người mua phải đặt trước để chủ cửa hàng kiểm tra có “hàng” về hay không.

 

Giá cả phong phú

 

Màn hình 15” có giá từ 70 USS đến 120 USD, 17” có giá từ 130 USD - 150 USD, loại nào cũng có. “Tuy nhiên chất lượng sẽ khác nhau theo mức giá, chẳng hạn như LCD 15” giá 70 USD thì bị “điểm”, “sọc”, màu sắc xuống cấp, chất lượng hình ảnh kém là điều tất nhiên. Còn hàng 120 USD bảo đảm là hàng tốt không bị lỗi gì” - Anh Tú, một chủ cửa hàng máy tính trên đường Tôn Thất Tùng cho biết.

 

Cũng trên đường Tôn Thất Tùng nhưng khi vào một cửa hàng máy tính khác thì chúng tôi mới lờ mờ hiểu vì sao lại có sự chênh lệnh giá bán của màn hìnhLCD trong khi chẳng có gì khác nhau. “Hàng của công ty em là hàng test nên không có giá dưới 95 USD, đa số là hàng có giá từ 100 USD - 120 USD”, cô nhân viên phụ trách bán hàng cho hay.

 

Khi được hỏi về sự khác nhau giữa hàng test và hàng không test, chị nói thêm: “Hàng test là công ty không mua nguyên container hàng nhập từ nước ngoài về mà cho người xuống test được cái nào mới lấy cái đó. Còn hàng có giá 70 USD là hàng không test, người ta mua nguyên container về sau đó sửa chữa cả những cái bị hư hỏng xong đem ra bán”.

 

Còn chị Huệ, chủ cửa hàng vi tính H.N. trên đường Bùi Thị Xuân thì nói thẳng luôn: “Hàng mua số lượng thì 115 USD, bớt cho mỗi cái 5 USD, nhưng phải hai đến ba ngày nữa mới có hàng. Nếu mua thì báo để công ty biết, bởi có thể mai mốt có hàng nhưng một tuần nữa lại không có, lúc đó giá cả cũng khác rồi”.

 

Mua LCD cũ theo kiểu hên xui - 1

 Bảng giá một số màn hình LCD.

 

Giá hàng cũ là như vậy, thế nhưng giá hàng mới ở một số cửa hàng giá cũng chẳng chênh lệch bao nhiêu, anh Khoa thuộc công ty tin học P.D. chuyên cung cấp hàng giá sĩ cho biết: “Ở đây chỉ bán hàng mới không có hàng cũ, LCD 15” có giá từ 140 USD – 170 USD, còn 17” thì 190 USD – 215 USD. Hàng bảo hành 1 đến 3 năm theo công ty và có thể 1 đổi 1 trong thời gian bảo hành”.

 

Giá LCD 15” mới ở một số công ty gần đó cũng chỉ giao động từ 150 USD -170 USD. Nếu với mức giá như vậy có thể nói là người dùng tốt nhất là nên chọn hàng mới. Thế nhưng khi đi mua LCD bằng mắt thường người mua thật khó mà phân biệt được đâu là hàng mới và đâu là hàng cũ bởi mẫu mã giống như nhau và nhìn đều mới như nhau. “Thế nhưng, phần lớn người mua đều không am hiểu về công nghệ, làm sao kiểm tra được. Người bán kêu hàng mới thì biết là nó mới thôi”, một khách hàng đang chọn mua LCD lên tiếng.

 

Tiền nào của nấy

 

Giá cả rẻ như vậy thật hấp dẫn với người tiêu dùng, bởi hiện nay ai cũng muốn thay cái monitor đồ sộ kia bằng một cái LCD nhỏ gọn trên bàn làm việc nhìn cho sang trọng hơn. Thế nhưng mua hàng về chỉ có một số người may mắn vì chọn được hàng tốt, còn lại đại đa số khách hàng khi mua xong đã phải dở mếu dở cười.

 

Anh Tiến, chủ một tiệm internet ở Thủ Đức, cho biết: “Mình mới mua gần 30 cái để về nâng cấp lại cho tiệm net thu hút khách hàng vào chơi. Nhưng mà mua được một tháng hết bảo hành có rất nhiều cái tự nhiên bị sao cứ chập chập thế là lại phải mang đi sửa đế kịp cho khách chơi”. Có khá nhiều tiệm net bị trường hợp như anh Tiến, hàng cứ hết bảo hành là gặp sự cố phải đi sửa liên tục cái này đến cái khác.

 

Anh Dũng, một kỹ thuật viên tin học và điện tử hiện đang làm việc cho một công ty tin học trong thành phố cho biết: “Những mặt hàng này đa số là hàng rác nhập khẩu từ nước ngoài về, xài một thời gian nó sẽ mắc rất nhiều bệnh như: màu bị bầm, sọc ngang giữa màn hình, nguồn không ổn định, có một số trường hợp cháy cả đèn hình... Những cái này khi hư thì thật khó mà sửa được vì không có đồ thay, hư thì tốt nhất nên đi sắm cái mới về xài”.

 

Trong, sinh viên Khoa Kinh Tế sau khi mua một chiếc LCD 15” giá có 1 triệu đồng về hớn hở lắm. Thế nhưng xài được có 3 tháng cái màn hình tự nhiên trắng bệch, mang đi sửa họ kêu tốn năm trăm ngàn mới xong. “Thế là đành vất luôn cái màn hình đó để mua trở lại cái monitor 15” thường về xài”, Trong xót xa nói.

 

“Thật khó mà kiểm định được chất lượng của các mặt hàng này, bởi lúc mua về sẽ rất tốt nhưng chạy một thời gian là có dấu hiệu hư hỏng liền. Cách tốt nhất là nên mua hàng hộp, hàng mới cho chắc ăn, còn chấp nhận mua hàng kia thì chịu hên xui thôi, nếu may mắn thì sẽ chọn được một cái tốt còn ngược lại thì đố ai mà biết được”, Anh Tấn chủ một cửa hàng tin học trên đường Nguyễn Văn Cừ đã nói với mọi người như vậy khi có ai hỏi anh về chất lượng mấy cái LCD cũ. “Mua hàng cũ giá rẻ thì nó vậy”.

 

Lê Mỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm