Mua điều hòa chống nóng trong ngày hè oi bức cần lưu ý gì?
(Dân trí) - Nắm bắt tâm lý của khách hàng "đổ xô" đi mua điều hòa chống nóng, không ít chủ cửa hàng đã tung chiêu khuyến mãi giảm giá "khủng", nhưng thực chất là muốn đẩy hàng tồn kho kém chất lượng, hoặc tung chiêu "thổi giá" của sản phẩm.
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trải qua đợt nóng kỷ lục, đi kèm nắng gắt và có nhiệt độ cao nhất từ đầu mùa tới nay, khiến nhu cầu sử dụng điều hòa, thiết bị làm mát của người dân tăng cao. Nắm bắt được xu thế này, rất nhiều cửa hàng, siêu thị điện máy đã đồng loạt giảm giá các mặt hàng như quạt hơi nước, điều hòa nhiệt độ, quạt phun sương,... kèm ưu đãi "khủng". Tuy nhiên cũng chính bởi lý do này đã khiến người dân băn khoăn lựa chọn.
"Tiền nào của nấy"?
Theo anh Cường, nhân viên bán hàng tại một cửa hàng đồ điện lạnh trên phố Tây Sơn thì lượng khách mua điều hòa dù tăng từ 2 đến 3 lần trong đợt nắng nóng so với thời điểm trước đó, nhưng lượng khách hàng theo anh, chủ yếu là những hộ gia đình lao động, có mức thu nhập thấp - vốn chưa chuẩn bị tinh thần cho đợt nắng nóng này, và phải đi tìm biện pháp "chữa cháy".
Nắm bắt tâm lý này, không ít chủ cửa hàng đã tung chiêu khuyến mãi giảm giá "khủng", nhưng thực chất là với lý do muốn đẩy hàng tồn kho và nhập lô hàng mới.
Trong khi những model được ưa chuộng trên thị trường thì hầu như đã bán hết hoặc có số lượng rất ít kể từ đầu mùa nóng, thì số còn lại dù được giảm giá, nhưng đều là những dòng không quá nổi, thiết bị đã qua sử dụng, hoặc có công suất thấp, hiệu năng kém ổn định.
Theo bác Hồng, một thợ sửa điện máy lâu năm tại Hà Nội, thì những dòng điều hòa này chỉ nên dùng tạm trong vài tuần, hoặc 1-2 tháng nắng nóng, chứ không nên sử dụng lâu dài vì dùng công nghệ cũ gây tốn điện, có tiếng ồn, và dễ gặp trục trặc.
"Về lâu về dài, chỗ tiền bỏ ra để sửa chữa, bảo trì những dòng điều hòa này, thì nên tích cóp để mua một sản phẩm có thương hiệu và đảm bảo chất lượng", bác Hồng nói.
Quả thực, rất nhiều hộ gia đình trong những ngày nắng nóng vừa qua đã "chao đảo" với giá bảo dưỡng điều hòa. Chi phí để vệ sinh điều hòa, bơm thêm gas thông thường chỉ từ 500 - 600 ngàn đồng, thì trong những này lên tới 1, thậm chí 2 triệu đồng là điều bình thường. Nhiều gia đình lâm vào cảnh "chớ trêu" khi dù sẵn lòng trả tiền, thậm chí là số tiền lớn hơn, nhưng không thể liên hệ được vì "thợ nào cũng bận".
Bên cạnh các dòng máy lạnh, thì quạt điều hòa cũng là thiết bị mà người tiêu dùng dễ gặp phải tình trạng "hiệu quả không đúng với mong đợi". Rất nhiều khách hàng cho hay: "Nếu muốn mua quạt điều hòa đáp ứng đầy đủ như điều hòa thì phải có giá từ 10 triệu trở lên".
Trong khi đó, những chiếc quạt điều hòa có từ giá 5 - 6 triệu thì hầu như không khác quạt thường là mấy, trong khi cách sử dụng thì phức tạp hơn do không thể điều khiển nhiệt độ, lại phải thay nước, thay đá liên tục, gây phiền hà, tốn kém.
Cảnh giác "chiêu" tăng giá rồi lại hạ giá
Đây là một "chiêu bài" dù đã được nhắc tới rất nhiều, nhưng vẫn mang tính hiệu quả cao do tâm lý chủ quan, không bắt nắm được mức giá của người tiêu dùng.
Để thực hiện điều này, các cửa hàng, siêu thị tự nâng giá niêm yết lên cao hơn so với trước đây, rồi ghi lại với mức giá được hạ thấp nhằm đánh vào tâm lý "ham rẻ" của người dùng. Hệ quả là cửa hàng vẫn bán được hàng với mức giá cao, mà lượng khách mua lại tăng hơn đáng kể so với kiểu bán thông thường.
Nhằm tránh gặp phải tình trạng này, người tiêu dùng nên xác định loại điều hòa phù hợp nhu cầu, tài chính, rồi tham khảo và so sánh giá tại các website, cửa hàng uy tín để nắm được thông tin. Sau đó mới so ngược lại với giá được niêm yết tại cửa hàng, xem liệu có phải được giảm giá thật hay không, tránh bị "sập bẫy" bởi chiêu nâng giá ảo.
Nguyễn Nguyễn