Một thế giới xoay quanh mạng Internet đang định hình

Chỉ sau một thời gian ngắn phát triển vô cùng mạnh mẽ, mạng Internet đã trở thành một nền tảng hết sức quan trọng đối với ngành CNTT và truyền thông nói riêng cũng như cuộc sống của tất cả chúng ta nói chung.

Không dừng lại ở đó, những xu hướng đang diễn ra gần đây cho thấy trong tương lai không xa, mạng Internet sẽ dần xoá nhoà những giới hạn vật lý, địa lý và sẵn sàng phục vụ con người ở bất cứ đâu.

Kết nối mọi lúc, mọi nơi

Với sự hội tụ ngày càng mạnh mẽ của các công nghệ truy cập băng rộng, đặc biệt là những công nghệ di động và không dây hiện đại như 3G, Wi-Fi, WiMax..., khả năng truy cập vào Internet ngày càng được mở rộng tới nhiều đối tượng hơn, ở nhiều vùng địa lý hơn. Hãng Intel dự báo WiMax sẽ là phương tiện ưu việt giúp đưa Internet tới tận những địa phương xa xôi hẻo lánh nhất ở các quốc gia đang phát triển, nhờ khả năng phủ sóng không dây trên diện rộng, không phải kéo dây cáp. Tại các đô thị, những lựa chọn về phương tiện truy cập Internet ngày càng nhiều, từ dial-up, ADSL, cáp, vệ tinh... cho tới các điểm truy cập Wi-Fi, WiMax, các mạng di động GSM, GPRS, CDMA, EDGE...

Motorola là một trong những tập đoàn đang ra sức thúc đẩy một sự kết nối thông suốt giữa các công nghệ nói trên. "Tính di động liên tục" (seamless mobility) là một trong những nội dung chính của chương trình Moto4You được Motorola tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 18 và 19/10. Theo David Knapp Jr. - Tổng Giám đốc Công ty viễn thông Motorola Việt Nam, khả năng này đạt được nhờ một hạ tầng cơ sở dựa trên giao thức Internet (IP), giúp con người giữ kết nối liên tục và không giới hạn ngay cả trong lúc chuyển đổi qua nhiều mạng kết nối và các loại thiết bị khác nhau.

Motorola đã trình diễn công nghệ tích hợp cho phép chuyển đổi các cuộc gọi (thoại) và cả các nội dung đa phương tiện (dữ liệu) từ máy điện thoại hoặc máy tính ở nhà sang điện thoại di động và màn hình trên xe hơi trong khi di chuyển, tới điện thoại hoặc máy tính ở văn phòng, mà các nội dung không bị gián đoạn. Khi đó, người sử dụng gần như được "bao bọc" trong một mạng lưới thông tin do các thiết bị thông minh xử lý, tự động chuyển đổi phương thức kết nối một cách thích hợp nhất tuỳ thuộc vào bất cứ vị trí nào của chủ nhân.

Phần mềm sẽ chạy hoàn toàn qua mạng?

Khi khả năng kết nối được nâng cao và mở rộng, dần phá vỡ những giới hạn về địa lý, thì mạng Internet càng tiến gần đến việc trở thành một cỗ máy khổng lồ và siêu mạnh, cho phép mỗi người từ bất cứ đâu có thể tận dụng sức mạnh đó. Nói theo cách của Scott McNealy - Giám đốc điều hành Sun Microsystems, thì "mạng chính là máy tính" (the network is the computer).

Bước phát triển tất yếu này mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới cho ngành phần mềm, bởi tất cả những gì chúng ta trực tiếp sử dụng và khai thác qua Internet sẽ thông qua các phần mềm chạy qua mạng chứ không phải dạng cài đặt trên từng máy tính cá nhân (PC) như đa số phần mềm chúng ta đang sử dụng hiện nay.

Mới đây, Bill Gates - người sáng lập hãng Microsoft, đã khẳng định vai trò của phần mềm trong một thế giới mà ông tiên đoán là đầy ắp những luồng thông tin được truyền qua Internet. Theo ông, những luồng thông tin này trong tương lai sẽ thay thế toàn bộ những phương tiện vật lý như phim, CD, DVD... Mọi người sẽ không còn lưu dữ liệu và ứng dụng trên các phương tiện này hoặc trên PC, mà sẽ truy xuất chúng từ mạng  bất cứ khi nào cần đến.

Tuy Bill Gates không nói ra, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng trên sẽ mang lại nhiều thử thách khó khăn cho chính các đại gia phần mềm như Microsoft, vốn từ nhiều năm nay làm giàu nhờ hệ thống các phần mềm dựa trên PC. Đồng thời, đây cũng là cơ hội rất lớn cho thế hệ doanh nghiệp phần mềm mới, điển hình là Google.

Một loạt những ứng dụng và dịch vụ có vẻ như riêng lẻ mà Google liên tiếp tung ra trong thời gian gần đây, được nhận định thực chất là những miếng ghép của một bức tranh toàn cảnh về tham vọng "đẩy" toàn bộ ngành CNTT từ các PC lên mạng Internet. Khi đó, Google sẽ trở thành một mạng máy tính nền tảng, cung cấp hàng loạt ứng dụng phong phú và đa dạng cho bất kỳ ai có kết nối Internet.

Trước mắt, theo dự báo của Hãng Gartner, tới cuối năm 2006 sẽ có ít nhất hai hãng (trong đó nhiều khả năng có Google) cung cấp các bộ ứng dụng văn phòng qua Internet, cạnh tranh trực tiếp với bộ Office của Microsoft. Đó mới chỉ là bước khởi đầu, ai có thể tiên đoán được thế giới phần mềm qua Internet sẽ còn dẫn chúng ta tới đâu và tạo ra những thay đổi lớn tới mức nào?

Theo Anh Huy
Lao Động