Microsoft tung loạt quảng cáo “đá xoáy” Apple, Google và Samsung

(Dân trí) - Microsoft đang thực hiện hàng loạt chiến dịch quảng cáo, không chỉ nhằm vào một đối thủ mà hàng loạt đối thủ, trong đó cả Apple, Google lẫn Samsung đều trở thành mục tiêu bị mang ra “đá xoáy” trong các quảng cáo của Google.

Microsoft tung quảng cáo “chê bai” iPad Air của Apple

Các sản phẩm của Apple luôn là mục tiêu được đem ra công kích hoặc so sánh của các hãng sản phẩm khác, đặc biệt Microsoft thường xuyên chọn các sản phẩm của Apple trong các nội dung quảng cáo của mình nhằm so sánh và nêu rõ ưu điểm sản phẩm của Microsoft. 

Chiếc máy tính bảng iPad Air thế hệ mới của Apple vừa trở thành chủ đề mới nhất trong loạt quảng cáo chiếc máy tính bảng Surface của Microsoft.

Trong nội dung quảng cáo đầu tiên, Microsoft đã “khoe” tính năng đa người dùng trên Surface, không chỉ cho phép một người có thể sử dụng và tùy biến chiếc máy tính bảng này mà cho phép nhiều người dùng thực hiện với nhiều tài khoản khác nhau, không làm ảnh hưởng đến thiết lập sẵn có của nhau. Dĩ nhiên, Microsoft nêu rõ rằng iPad Air của Apple không làm được điều này.



Trong đoạn quảng cáo thứ 2, Microsoft “khoe” tính năng sử dụng di chuyển của tay để điều khiển Surface mà không cần chạm vào màn hình, tính năng này hữu dụng trong trường hợp tay bị bẩn khi đang làm bếp và người dùng không muốn chạm tay vào màn hình. Ngoài ra, giá đỡ của Surface cũng giúp chiếc máy tính bảng này đứng trên bàn mà không bị bẩn.



Microsoft chê laptop chạy Chrome OS của Google giống… cục gạch

Không chỉ Apple, Microsoft đang thực hiện một chiếc dịch quảng cáo mạnh mẽ, trong đó chỉ trích các sản phẩm của Google thường xuyên thu thập thông tin người dùng. Mới đây, Microsoft tiếp tục tung ra một quảng cáo mới thuộc chiến dịch này, so sánh chiếc laptop chạy Chrome OS (chromebook) của Google sẽ trở thành cục gạch nếu không có Internet.

Nội dung đoạn quảng cáo nói về một phụ nữ trẻ đang muốn bán chiếc laptop chromebook của mình tại một cửa hiệu cầm đồ. Tuy nhiên chủ của hiệu cầm đồ đã cho cô gái biết rằng chiếc laptop của  cô không phải luôn sử dụng được và chỉ là “cục gạch” nếu không có kết nối Internet cũng như không thể sử dụng các phần mềm máy tính thông dụng như iTunes hay Office… Microsoft “chê bai” rằng Chromebook của Google không thực sự là một chiếc laptop. Dĩ nhiên, Microsoft cũng không quên chèn vào đoạn quảng cáo chi tiết Google theo dõi người dùng thông qua các dịch vụ và thiết bị của họ.

Microsoft hoàn toàn đúng trong nhận định của mình, khi Chromebook sử dụng nền tảng điện toán đám mây Chrome OS nên đang phần các ứng dụng đều là ứng dụng trực tuyến, yêu cầu người dùng cần phải có kết nối Internet để sử dụng, nhưng nhiều người cho rằng Microsoft đang dần lo lắng thị phần máy tính cá nhân của mình bị Chromebook đe dọa nên đã phải nhanh tay thực hiện clip quảng cáo “đá đểu” này.



Microsoft chê máy tính bảng Galaxy Note của Samsung

Không chỉ nhằm vào Google và Apple như trước mà giờ đây, Samsung đã trở thành mục tiêu để chế giễu mới của Microsoft thông qua clip quảng cáo của hãng. Trước đây Samsung vẫn được coi là một đồng minh của Microsoft khi sản xuất smartphone chạy Windows Phone và sản phẩm sử dụng Windows, tuy nhiên có vẻ như Samsung đang trở thành hãng sản xuất smartphone chạy Android lớn nhất thế giới khiến Microsoft “nóng mặt”.

Trong clip quảng cáo nhằm vào chiếc máy tính bảng Galaxy Note của Samsung, Microsoft đã nêu rõ ưu điểm hỗ trợ nhiều cổng kết nối, cho phép người dùng có thể kết nối hàng loạt các thiết bị khác nhau, thay vì chỉ có một cổng kết nối microUSB như trên Galaxy Note của Samsung.

Theo Microsoft, với Surface, người dùng có thể vừa cắm sạc chiếc máy tính bảng này, vừa có thể cắm USB để lấy dữ liệu… thay vì chỉ có thể làm được một việc như trên Galaxy Note. 



Việc công kích trực tiếp đối thủ trong các chiến dịch quảng cáo ngày nay đã trở nên rất quen thuộc và dĩ nhiên, Microsoft hoàn toàn hợp lý khi nêu lên những ưu điểm các sản phẩm của hãng so với các hãng khác. Tuy nhiên, nhiều người xem đã cho rằng Microsoft đi quá xa trong các chiến dịch quảng cáo của mình, khi chỉ chú ý đến các tiểu tiết nhỏ của các sản phẩm đối thủ, thay vì tập trung vào việc làm cho sản phẩm của mình trở nên hoàn thiện hơn.

Phạm Thế Quang Huy