Máy bay phải hạ cánh khẩn cấp chỉ vì một chiếc laptop
(Dân trí) - Chuyến bay của hãng hàng không United Airlines từ Thụy Sĩ đến Mỹ đã phải hạ cánh khẩn cấp chỉ vì một chiếc laptop. Vì sao cơ trưởng phải đưa ra quyết định này?
Sự việc xảy ra trên chuyến bay của hãng hàng không United Airlines vào hôm chủ nhật vừa qua, trên hành trình từ Zurich (Thụy Sĩ) đến Chicago (Mỹ).
Chuyến bay được khai thác bằng máy bay Boeing 767, chở theo 157 hành khách, đã phải quay đầu và hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay tại Ireland, trước khi bắt đầu hành trình xuyên qua Đại Tây Dương.
Lý do khiến cơ trưởng quyết định hạ cánh khẩn cấp là vì một chiếc laptop của hành khách ở hạng thương gia bị kẹt cứng ở trong ghế ngồi.
Ngay sau khi máy bay hạ cánh, các kỹ sư mặt đất đã có mặt trên máy bay để gỡ chiếc laptop ra khỏi ghế ngồi.
Đại diện của hãng hàng không United Airlines cho biết chuyến bay đã phải chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp để "xử lý nguy cơ an toàn tiềm ẩn do một chiếc laptop bị mắc kẹt ở vị trí không thể tiếp cận".
Sau khi hạ cánh và tháo bỏ chiếc laptop thành công, tổ bay cũng đã đạt đến thời gian làm việc tối đa theo quy định của hãng hàng không nên không thể tiếp tục thực hiện hành trình.
Hãng hàng không United Airlines đã cung cấp khách sạn cho hành khách nghỉ lại tại Ireland trước khi tiếp tục hành trình vào ngày tiếp theo.
Việc smartphone, máy tính bảng hay laptop bị mắc kẹt vào ghế ngồi trên máy bay không phải là trường hợp hiếm gặp. Nhiều người cho rằng đây là một điều bình thường, nhưng trên thực tế đây là một tình huống có thể uy hiếp đến an toàn bay vì pin lithium-ion trên các thiết bị này có thể bị bốc cháy, phát nổ do áp lực khi mắc kẹt ở ghế máy bay.
Đây cũng chính là lý do các hãng hàng không yêu cầu hành khách phải đặt các thiết bị có pin lithium-ion trong hành lý xách tay, tránh trường hợp pin lithium-ion bị chèn ép trong khoang hành lý ký gửi có thể dẫn đến cháy, nổ.
Việc tiếp tục bay xuyên Đại Tây Dương với một chiếc laptop bị mắc kẹt trong ghế hành khách có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn mà không có điểm hạ cánh, đó là lý do cơ trưởng của chuyến bay đã quyết định chuyển hướng và hạ cánh khẩn cấp, thay vì tiếp tục hành trình với rủi ro quá lớn.
Năm 2016, một chiếc máy bay của hãng hàng không Delta, khi đang thực hiện hành trình từ Mỹ đến Hà Lan cũng đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Manchester, Anh, vì sự cố tương tự.
Theo đó, các hành khách trên chuyến bay này đã phát hiện thấy mùi lạ và khói bốc lên bên trong khoang. Một chiếc máy tính bảng Samsung Galaxy Tab S2 của hành khách là thủ phạm gây nên sự việc.
Đại diện của hãng hàng không Delta cho biết chiếc máy tính bảng này đã bị mắc kẹt vào phía sau ghế ngồi của một hành khách khi người này điều chỉnh tựa lưng ghế. Dưới áp lực của ghế, chiếc máy tính bảng đã bắt đầu bốc khói và phát ra mùi lạ gây ảnh hưởng đến hành khách trong khoang.
Sự việc này không gây ra thiệt hại về người, nhưng khiến chuyến bay bị trễ nhiều giờ.
Việc các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng, laptop hay pin sạc dự phòng… phát nổ trên máy bay cũng không phải là điều hiếm gặp.
Chẳng hạn vào tháng 2 vừa qua, chuyến bay của hãng hàng không Royal Air Charter Service (Philippines) đang trên đường bay từ đảo Boracay (Philippines) đến Thượng Hải (Trung Quốc) đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Hồng Kông (Trung Quốc) vì một viên pin sạc dự phòng của hành khách phát nổ trong cabin.
Sau khoảng 1 giờ kiểm tra và không phát hiện sự cố bất thường nào, chiếc máy bay đã tiếp tục hành trình đến Thượng Hải và hạ cánh muộn hơn 3 tiếng so với dự kiến. Sự việc may mắn không gây ra thương vong.