Lượng khí thải carbon của Trung Quốc vượt qua EU
(Dân trí) - Một số liệu nghiên cứu mới đây cho thấy, lượng khí thải carbon – một trong những nhân tố gây hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên – tính trên bình quân mỗi đầu người của Trung Quốc đã vượt qua Liên minh châu Âu (EU).
Theo báo cáo từ dự án The Global Carbon Project vừa được đăng tải trên tạp chí Nature Geoscience, đã tập hợp và thống kê số liệu khách quan từ các viện nghiên cứu trên toàn cầu về quy mô lượng khí thải hàng năm. Kết quả này được công bố chỉ một ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc, trong đó kêu gọi mọi người, đặc biệt là giới chính trị chung tay bảo vệ môi trường bằng cách hành động thiết thực.
Theo số liệu báo cáo, trong năm 2013 vừa qua, Trung Quốc đã “vươn lên” dẫn đầu là 1 trong 10 quốc gia có lượng khí thải carbon lớn nhất thế giới, chiếm tới 29%, tiếp đó là Mỹ với 15%, châu Âu 10%, Ấn Độ 7,1%...
Tuy nhiên, tính trên bình quân đầu người, Trung Quốc đã vượt qua EU về lượng khí carbon dioxide nguy hiểm tới toàn nhân loại này. Hiện nước này đang “thải” ra hàng năm 7,2 tấn/người, dù chưa bằng Mỹ với 16,5 tấn/người nhưng lại cao hơn so với EU với 6,8 tấn/người và cao hơn nhiều so với mặt bằng chung 5 tấn/người trên toàn thế giới. Nên nhớ rằng, Trung Quốc đang là quốc gia đông dân nhất thế giới (hơn 1,4 tỉ người) và nếu nhân lên với con số trên, sẽ cho ra một con số khổng lồ khác.
“Bây giờ, chúng ta đã thấy lượng khí thải bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt qua EU. Dù không bằng với Mỹ nhưng nếu tính với dân số, ta sẽ ra một kết quả ngạc nhiên” – Tiến sĩ Robbie Andrew, một nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu và Môi trường Quốc tế có trụ sở tại Na Uy cho biết.
Giải thích nguyên nhân này, các nhà khoa học cho rằng chính việc phát triển công nghiệp hóa trong 20 năm qua đã khiến Trung Quốc có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng đội biến. Các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá là nhân tố chính gây ra lượng khí thải này. Và mặc dù quốc gia này từng cam kết sẽ hạn chế khí thải nhưng có vẻ mọi thứ đã vượt qua kiểm soát.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Corinne Le Quere từ Đại học East Anglia (một trong những người tham gia dự án The Global Carbon Project), lượng khí thải này cũng có phần nguyên nhân từ các nước Âu Mỹ bởi trên thực tế, hầu hết các nhà máy trên là để sản xuất và lắp ráp sản phẩm mà họ được thuê bởi các công ty phương Tây.
“Ở Trung Quốc, khoảng 20% lượng khí thải thải ra là để sản xuất quần áo, đồ nội thất, hay thậm chí cả tấm pin mặt trời... sau đó được vận chuyển đến châu Âu và Mỹ”, giáo sư Quere cho biết.
Hiện tại, báo cáo cũng cho thấy hiện đã có tới hơn 36 tỉ tấn carbon dioxide được thải vào không khí trong năm 2013 – kỉ lục từ trước đến nay. Theo dự đoán đến hết năm 2014 này, nhiều khả năng một con số kỉ lục khác cũng sẽ được thiết lập: 40 tỉ tấn, tăng 65% so với năm 1990.
Các nhà khoa học đã tính toán rằng trong vòng 30 năm tới, chúng ta phải duy trì ngưỡng tăng 2 độ C và không được vượt quá mức nhiệt độ này nếu muốn sự sống trên Trái đất bị diệt vong trong tương lai gần. Mức 2 độ C tương đương ngưỡng 3.200 tỉ tấn và hiện tại, con người trên Trái đất cũng đã thải ra tới 1.200 tỉ tấn. Với tốc độ tăng khí thải như vậy, các nhà khoa học đang lo ngại “hạn ngạch” trên sẽ sớm bị “cán đích” hơn so với dự kiến.
Ánh Hồng