Loài kiến có thể giúp chống biến đổi khí hậu?

Dù kích thước cơ thể vô cùng nhỏ bé và chỉ sống chừng 3 tháng, nhưng loài kiến có thể là chìa khóa giúp con người đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hiện nay.

Kiến đã làm biến đổi hai khoáng chất 
Kiến đã làm biến đổi hai khoáng chất  olivine và plagioclase trong cát và quá trình này giúp nhốt giữ chất CO2 độc hại vào đá. Ảnh: ASU

Những con kiến thợ cần mẫn được phát hiện có khả năng làm biến đổi các hóa chất trong cát để sản sinh canxi cácbonat, hay còn gọi là đá vôi. Quá trình này nhốt giữ cácbon điôxit (CO2) trong đá và rốt cuộc loại bỏ chất độc hại này khỏi bầu khí quyển, giúp kìm giữ tình trạng biến đổi khí hậu Trái đất ngày càng nghiêm trọng hiện nay.

Giáo sư Ronald Dorn đến từ Đại học Tempe (Arizona, Mỹ) là người đã khám phá ra điều kỳ diệu trên. Ông đã chôn cát tại 6 địa điểm thuộc dãy núi Catalina ở bang Arizona và hẻm núi Palo Duro thuộc bang Texas cách đây 25 năm.

Cứ 5 năm, giáo sư Dorn lại tiến hành đo lượng khoáng chất olivine và plagioclase phân rã trong cát. Ông phát hiện, kiến đã giúp phân hủy các khoáng chất này nhanh gấp 300 lần so với tốc độ phân rã tự nhiên trong cát không chịu tác động của chúng.

Giáo sư Dorn hiện vẫn chưa biết chính xác cách thức loài kiến biến đổi hai khoáng chất olivine và plagioclase. Tuy nhiên, ông tin rằng, các con kiến đã thu thập canxi và magiê, rồi sử dụng những nguyên tố này để tạo thành đá vôi. Sự biến đổi có thể xảy ra khi các con kiến liếm các hạt cát nhằm kết dính chúng vào các bức tường của tổ kiến.

Hiện cũng có giả thuyết cho rằng, đá vôi có thể được tạo ra từ vi khuẩn ở đường ruột của kiến trước khi chúng được bài tiết ra ngoài.

Quá trình này tương tự sự cô lập CO2 trong tự nhiên, khi cây cối và các đại dương trên Trái đất giúp chuyển hóa hoặc bắt nhốt khí CO2 do động vật, cấy cối và con người phát thải ra.

Trên thế giới hiện cũng đang có các dự án cô lập CO2 nhân tạo, bao gồm cả việc cố tình nhốt giữ CO2 trong đất. Một phương pháp đề xuất là dồn CO2 xuống sâu trong đại dương, hình thành các hồ khí. Những khí này sẽ ở nguyên chỗ do áp suất và nhiệt độ của nước xung quanh và dần dần phân rã theo thời gian.

Một phương pháp khác là cô lập địa chất, trong đó CO2 được bơm xuống các phóng chứa dưới mặt đất hoặc vào những khu vực chứa đầy canxi và magiê. CO2 sẽ phản ứng với 2 chất này để hình thành đá vôi và magiê cácbonat. Đây cũng là phương pháp mà loài kiến đang tiến hành một cách tự nhiên, giáo sư Dorn nhận định.

Dẫu vậy, giáo sư Dorn tuyên bố hiện chưa rõ loài kiến loại bỏ được bao nhiêu cácbon trong bầu khí quyển. Ông đã cho đăng toàn bộ khám phá mới trên tạp chí Geology.

Hồi đầu tháng này, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học East Anglia (Anh) cũng phát hiện, các con kiến xén lá có thể cứu mạng người nhờ một loại kháng sinh tự nhiên mà chúng ta ra. Công trình nghiên cứu mang tính tiên phong này tập trung vào một loại nấm nhất định là thức ăn của kiến xén lá và cách chúng sản sinh kháng thể tự nhiên để bảo vệ nấm.

Theo VietNamNet/Daily Mail, Live Science

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm