Lịch sử thăng trầm của thương hiệu điện thoại hạng sang Vertu

(Dân trí) - Những chiếc điện thoại xa xỉ Vertu từng là biểu tượng của sự sang trọng và thành đạt, tuy nhiên dường như chính sự xa xỉ và đắt đỏ lại khiến cho những chiếc điện thoại Vertu trở nên kén người dùng và dẫn đến hệ quả tất yếu là sự sụp đổ của công ty này.

Biểu tượng của sự xa xỉ, thành đạt

Vertu là thương hiệu điện thoại hạng sang được Nokia thành lập vào năm 1998, thời điểm Nokia vẫn đang “thống trị” trên thị trường điện thoại di động khi nắm giữ vị trí số một trên thị trường về mặt doanh số trong nhiều năm liên tiếp.

Điện thoại Vertu nổi bật với những chất liệu cao cấp tạo nên nét riêng cho mình
Điện thoại Vertu nổi bật với những chất liệu cao cấp tạo nên nét riêng cho mình

Ý tưởng để thành lập thương hiệu Vertu bắt nguồn từ Frank Nuovo, Giám đốc thiết kế của Nokia, khi Nuovo muốn điện thoại di động cũng giống như một thứ đồ trang sức cho người dùng. Nếu người dùng có thể bỏ ra hàng chục ngàn USD để mua một chiếc đồng hồ hay một thứ trang sức nào đó, tại sao không thể bỏ ra số tiền tương tự để mua một chiếc điện thoại di động? Do vậy Vertu được ra đời để nhắm đến đối tượng khách hàng là những doanh nhân thành đạt muốn thể hiện đẳng cấp.

Được Nokia thành lập, tuy nhiên trụ sở và nhà máy của Vertu lại được đặt tại Hampshire (Anh). Những chiếc điện thoại của Vertu đều được lắp ráp hoàn toàn thủ công bởi các kỹ sư tay nghề cao từ các chất liệu cao cấp, do vậy điện thoại của Vertu được nhấn mạnh vào chất liệu sản phẩm, khả năng chế tác và các dịch vụ tặng kèm cho khách hàng, hơn là những tính năng, thiết kế hay cấu hình của sản phẩm.

Giai đoạn lận đận “hậu Nokia”

Được thành lập từ năm 1998, tuy nhiên đến tháng 1/2002, Vertu mới ra mắt sản phẩm đầu tiên của mình. Vertu được xem là hãng tiên phong trên thị trường điện thoại xa xỉ. Được sự hậu thuẫn của Nokia, “tượng đài” của thị trường điện thoại di động vào thời điểm đó đã giúp Vertu nhanh chóng tiếp cận được người dùng và xâm nhập thị trường.

Những chiếc điện thoại Vertu được lắp ráp thủ công cũng góp phần tạo nên sự xa xỉ cho sản phẩm
Những chiếc điện thoại Vertu được lắp ráp thủ công cũng góp phần tạo nên sự xa xỉ cho sản phẩm

Cái tên Vertu nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên toàn cầu như là biểu tượng cho sự sang trọng và thành đạt của chủ nhân. Người mua Vertu không chỉ sở hữu một chiếc điện thoại xa xỉ được lắp ráp thủ công, với các chất liệu cao cấp mà còn được sở hữu những dịch vụ tặng kèm của Vertu dành cho khách hàng như các dịch vụ lữ hành, giải trí...

Những mẫu điện thoại của Vertu có giá từ vài ngàn lên đến hàng chục ngàn USD, tuy nhiên những sản phẩm này lại không được giới công nghệ đánh giá cao. Các trang công nghệ lớn như Wired hay The Verge... thậm chí gọi những mẫu điện thoại Vertu là “sản phẩm vô vị” và “hạn chế về công nghệ”...

Dù vậy Vertu vẫn rất được yêu thích và có lượng người dùng đủ lớn để hãng tiếp tục tồn tại trên phân khúc thị trường rất kén người dùng.

Tuy nhiên, sự ra đời của iPhone vào năm 2007 làm thay đổi cả thị trường smartphone, làm cho Nokia lâm vào hoàn cảnh lận đận do đã quá chủ quan và chậm chân trong việc thay đổi chiến lược của công ty. Điều này cũng đã kéo theo Vertu lâm vào tình trạng khủng hoảng.

Không còn sự hậu thuẫn từ Nokia khi bản thân hãng điện thoại Phần Lan cũng rất chật vật để tìm chỗ đứng trên thị trường, trong khi đó người dùng quan tâm nhiều hơn đến các tính năng trên sản phẩm thay vì những chiếc điện thoại xa xỉ nhưng tính năng khiêm tốn, trong khi mức giá lại đắt hơn gấp nhiều lần. Đây là lý do khiến Vertu mất dần đi những khách hàng quen thuộc.

Kể từ thời điểm Nokia lâm vào khủng hoảng trên thị trường di động cũng là giai đoạn “số phận lận đận” của Vertu bắt đầu. Đầu tiên năm 2012, Nokia đã bất ngờ bán đi Vertu nhằm có thêm tiền cho quá trình tái cơ cấu công ty trong giai đoạn khủng hoảng. Quỹ đầu tư EQT VI của Thụy Điển đã phải bỏ ra số tiền khoảng 334 triệu USD để mua lại thương hiệu điện thoại hạng sang này của Nokia.

Chỉ 3 năm sau đó, Vertu lại một lần nữa phải đổi chủ khi EQT VI đã bán Vertu cho quỹ đầu tư Godin Holdings của Hồng Kông với mức giá không được tiết lộ. Đến tháng 3/2017, Vertu tiếp tục được bán lại cho doanh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ sống lưu vong tại Paris là Murat Hakan Uzan với giá 61 triệu USD.

Tuy nhiên việc liên tục đổi chủ dường như không đủ để giúp Vertu trụ vững trên thị trường điện thoại di động đầy cạnh tranh. Ngày 13/7/2017, Vertu chính thức “sụp đổ” và ngừng hoạt động khi không trả được số tiền nợ khổng lồ lên đến 165,4 triệu USD.

Sự sụp đổ của Vertu được xem là điều tất yếu và không thể tránh khỏi bởi thị trường smartphone xa xỉ đã trở nên yếu trước sự uy hiếp của thị trường smartphone cao cấp, khi mà người dùng giàu có cũng dần quan tâm nhiều hơn đến các tính năng trên sản phẩm của mình thay vì chỉ mua những chiếc điện thoại được làm bằng chất liệu đắt tiền.

Câu hỏi đặt ra là liệu có một “mạnh thường quân” nào đủ mạnh chi ra số tiền lớn để cứu thương hiệu Vertu trước khi nó biến mất hoàn toàn khỏi thị trường, hay sự sụp đổ của Vertu là một hệ quả tất yếu tương tự như Nokia trước đây do không kịp thay đổi để nắm bắt với xu thế của thị trường?

Dĩ nhiên, đây vẫn là điều đáng tiếc của không ít người đã từng yêu thích thương hiệu điện thoại xa xỉ này.

T.Thủy