Lenovo định “thâu tóm” Palm?
(Dân trí) - Hãng sản xuất điện thoại smartphone của Mỹ Palm đã tự rao bán công ty và có không ít hãng công nghệ đang nhăm nhe nhảy vào cuộc đua thâu tóm hứa hẹn nhiều kịch tính này, ba nhân vật thân cận với thương vụ đã tiết lộ với hãng tin kinh tế Bloomberg.
Palm được ghi nhận là hãng công nghệ có công mở ra thị trường dành cho các thiết bị cá nhân kỹ thuật số. Hãng đã ra mắt các sản phẩm chạy trên hệ điều hành đa nhiệm WebOS vốn hiện đang cạnh tranh với các hệ điều hành di động của Apple và Google.
“Palm vẫn là một thương hiệu khá có danh tiếng trên thị trường Mỹ và sở hữu một số công nghệ mạnh, vì vậy, bạn có thể làm được một vài điều với công ty này”, Frank He, nhà phân tích công nghệ tại BOC International Holdings (Hong Kong), nói. “Giá cổ phiếu của Palm đã giảm xuống rất nhiều và công ty này có thể trở nên hấp dẫn với bất cứ nhà đầu tư nào muốn chơi quay vòng”.
Thực tế, Palm đang gặp khủng hoảng thực sự khi doanh số tiêu thụ của hãng thấp hơn dự kiến và thu nhập trong quý cũng đã ở mức thấp kỉ lục.
Hồi tuần trước, giá cổ phiếu của Palm đã tăng tới 30% sau khi xuất hiện hàng loạt tin đồn trong giới các nhà đầu tư mạo hiểm cho rằng Lenovo sắp ra tay cứu vớt Palm nhằm cụ thể hóa tham vọng gia nhập thị trường điện thoại di động của họ. Tuy nhiên, trước đó, giá cổ phiếu của hãng đã giảm tới 60% do thị trường thất vọng bởi doanh số bán ra kém cỏi của các mẫu điện thoại Pre và Pixi.
Tháng trước, Doug Jeffries, Giám đốc tài chính của Palm dự đoán doanh số bán hàng trong quý này sẽ kém hơn 150 triệu USD, so với con số ước tính trung bình 300 triệu USD mà các nhà phân tích đưa ra vào thời điểm đó.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Gartner Inc, Palm hiện có giá trị thị trường vào khoảng 870,8 triệu USD, xếp thứ 6 tại thị trường smartphone Bắc Mỹ với 4,3% thị phần. RIM, nhà sản xuất chiếc điện thoại đình đám BlackBerry đang dẫn dầu với 44% thị phần còn Apple tạm đứng thứ hai với 24% thị phần, công ty nghiên cứu Stamford cho biết.
Ngoài ra, Palm còn đang sở hữu rất nhiều bản quyền công nghệ trong lĩnh vực di dộng như phần cứng, phần mềm và các công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Thương vụ vẫn trong vòng bí mật
Lynn Fox, người phát ngôn của Palm đã từ chối đưa ra lời bình luận về thông tin vụ mua bán trên. Sally Palmer của Qatalyst và Andrea Rachman của Goldman cũng chưa có phản ứng gì. Trong khi đó, Chen Hui-Ming, Giám đốc tài chính của HTC lại không khẳng định nhưng cũng không phủ nhận mối quan tâm của hãng đối với Palm.
Wong Wai Ming, Giám đốc tài chính của Lenovo cũng từ chối bình luận về các kế hoạch thâu tóm mà Lenovo đang toan tính. Vào tháng 1/2010, Lenovo đã chi ra 200 triệu USD để mua lại công ty công nghệ viễn thông di động Lenovo nhằm tạo bước đệm để nhảy vào thị trường các thiết bị cầm tay. Năm 2008 Lenovo đã bán bộ phận điện thoại di động này để tập trung vào phát triển các sản phẩm máy tính cá nhân.
Được biết, Dell từng có ý nhăm nhe thâu tóm Palm nhưng đã quyết định không tham gia vào thương vụ này. Jess Blackburn, phát ngôn viên của Dell từ chối đưa ra lời bình luận về thông tin trên.
Bên cạnh đó, hai hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE cũng có nhiều khả năng nhảy vào cuộc chạy đua mua lại Palm với HTC và Lenovo, Lu Chia-lin, một nhà phân tích tại Macquarie ở Đài Bắc cho biết.
Ông Lu Chia-lin khẳng định các công ty Trung Quốc “đã rất sốt sắng mở rộng thị trường quốc tế của họ”.
Ross Gan, phát ngôn viên của Huawei cho biết công ty này luôn luôn để ngỏ các cơ hội đối với Palm. Tuy vậy, Ross Gan vẫn từ chối đưa ra lời bình luận trước những phỏng đoán về các vụ sáp nhập và thâu tóm mà Huawei đang ấp ủ.
Lịch sử của “người mở đường”
Được thành lập vào năm 1992, Palm đã có công mở ra thị trường cho các nhà sản xuất thiết bị cầm tay với PalmPilot, mẫu thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số (PDA) đầu tiên. Công ty đã được U.S. Robotics mua lại rồi tiếp tục bị 3Com Corp thâu tóm. 3Com đã tách khỏi Palm vào năm 2000.
Rubinstein, Giám đốc điều hành hiện tại của Palm đã về đầu quân cho công ty này sau khi lãnh đạo dự án phát triển máy nghe nhạc iPod thành công vang dội cho Apple. Chính Fred Anderson, cựu giám đốc tài chính của Apple và là nhà đồng sáng lập hãng đầu tư Elevation Partners là người có công đưa Rubinstein về cho Palm.
Palm Pre là chiếc điện thoại đầu tiên của Palm chạy trên nền hệ điều hành WebOS. Pre chính thức có mặt trên thị trường vào tháng 6/2009 và sau đó là mẫu máy Pixi có thiết kế nhỏ gọn hơn, giá rẻ hơn vào tháng 11. Những mẫu điện thoại này cho phép người dùng gửi email, lướt web, xem video và chạy nhiều ứng dụng cùng một lúc.
Cả Palm Pre và Pixi đều được nhà mạng Sprint Nextel bán độc quyền tại Mỹ cho đến khi nhà mạng Verizon Wireless bắt đầu bán ra các phiên bản nâng cấp vào tháng 1 mới đây.
Võ Hiền
Theo Bloomberg