Lãnh đạo Keysight nói về tiềm năng phát triển công nghệ 5G ở Việt Nam
(Dân trí) - Ông Lawrence Liu, Tổng giám đốc phụ trách hoạt động kinh doanh khu vực Châu Á -Thái Bình Dương của Keysight cho hay, công nghệ mạng 5G được xem là chìa khóa đưa thế giới bước vào thời kỳ mới của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ máy học,...
Cuộc đua 5G đang diễn ra ráo riết
Theo ông Lawrence Liu, cách đây 1 năm, chỉ có 280 nhà khai thác mạng di động ở 94 quốc gia đã đầu tư và thử nghiệm mạng 5G. Có rất ít các nhà khai thác dịch vụ di động cung cấp dịch vụ 5G thương mại. Vào thời điểm đó, tham gia vào hệ sinh thái thiết bị 5G chỉ có 40 nhà cung cấp với khoảng 90 loại thiết bị. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng các nhà cung cấp thiết bị đã tăng lên gấp đôi, hiện có 86 nhà cung cấp thiết bị, với 317 loại thiết bị 5G được cung cấp, 348 nhà khai thác dịch vụ di động ở 119 quốc gia đã đầu tư vào 5G. Trong đó Việt Nam đã có những doanh nghiệp sản xuất được thiết bị 5G.
Theo dự báo của các chuyên gia, đến năm 2025, thiết bị 5G sẽ phát triển bùng nổ, rất nhiều loại thiết bị, ứng dụng khác nhau với kiểu dáng đa dạng có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào. Chẳng hạn như kết nối 5G trên máy tính xách tay, tại các cửa hàng bán lẻ… nghĩa là bất kỳ nơi đâu khi người ta cần các dịch vụ kết nối. Dự đoán của GSMA, tới năm 2025, 5G có thể chiếm tới 20% lượng kết nối trên toàn cầu.
Ông Lawrence Liu cho rằng, sở dĩ đang có cuộc chạy đua khốc liệt về mạng 5G là do những ưu điểm nổi trội như băng thông rộng, tốc độ cao, độ trễ thấp... giúp người sử dụng các dịch vụ 5G nhanh hơn.
Hơn nữa, tốc độ của 5G cũng sẽ tạo điều kiện cho những dịch vụ mà với tốc độ mạng của 4G không thể triển khai được, như các dịch vụ video, thực tế ảo (AR/VR), các dịch vụ y tế và giáo dục trực tuyến, ôtô không người lái, điều khiển tự động từ xa... Đặc biệt, với thời gian nhanh và số lượng kết nối đồng thời gấp nhiều lần 4G, cho phép hàng triệu thiết bị kết nối cùng lúc, 5G sẽ là công cụ để phát triển các dịch vụ và ứng dụng IIoT, ứng dụng trong tự động hóa, công nghệ robot...
Các chuyên gia cũng dự đoán, trong vòng 14 năm tới thì 5G có thể đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu với giá trị là 2.2 nghìn tỉ USD.
Keysight đang hợp tác giúp Việt Nam phát triển 5G
Bộ Thông tin và Truyền thông từng nhấn mạnh, trong tháng 10/2020, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị trong nước. Đây là một bước tiến quan trọng vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng.
Với việc vừa qua một số doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT… đã triển khai hạ tầng cũng như sản xuất thiết bị 5G cho thấy những bước đi trước “thần tốc” của Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ 5G.
“Tầm nhìn của Việt Nam đã đi trước rất nhiều so với các nước ASEAN. Việt Nam đã đầu tư, xây dựng được một số các hệ sinh thái 5G, và đã có một số các sản phẩm 5G được công bố công khai. Rõ ràng Việt Nam đã chủ động hoàn toàn trong cuộc đua này”, ông Lawrence Liu cho biết.
Cũng theo ông Lawrence Liu, ngay từ thời điểm Việt Nam triển khai thử nghiệm 5G, Keysight đã hợp tác và giúp các công ty viễn thông hàng đầu của Việt Nam thực hiện việc đo kiểm hiệu năng cũng như thực hiện các bài đo hiện trường để kiểm tra vùng phủ sóng của 5G nhằm đảm bảo khi triển khai 5G thương mại sẽ hoạt động được suôn sẻ. Trong lĩnh vực sản xuất, Keysight cũng hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị quốc tế hoạt động tại Việt Nam cũng như các nhà sản xuất hàng đầu ở Việt Nam để giúp họ sản xuất ra các thiết bị đầu cuối, cũng như các trạm gNodeB.
“Khác với 4G, việc đo kiểm 5G khá phức tạp. Như chúng ta đã biết, khi triển khai 5G, các thiết bị sử dụng bước sóng có tần số rất cao, như sóng mmWave hoặc các bước sóng khác, tần số của nó có thể lên tới 28 GHz. Với tần số cao như vậy thì cách duy nhất để đo kiểm là thông qua OTA. Bên cạnh đó, cũng phải đo các công nghệ ăngten mới (công nghệ Coexist/ PROPSIM MIMO). Đây cũng chính là khó khăn, thách thức khi triển khai công nghệ 5G”, ông Lawrence Liu chia sẻ.
Đại diện của Keysight khẳng định, Keysight đánh giá rất cao tầm quan trọng của thị trường Việt Nam nên sẽ tiếp tục đầu tư vào năng lực của Keysight tại Việt Nam. Keysight không chỉ đầu tư một lĩnh vực nào đó mà hướng đến toàn bộ hệ sinh thái, bao gồm các công ty địa phương cũng như các công ty quốc tế đến hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, công ty này còn hợp tác với các trường đại học hàng đầu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để phát triển nhân lực công nghệ 5G cũng như trang bị các phòng Lab, phòng thí nghiệm đo lường cơ bản để giúp sinh viên hiểu về cơ sở trong việc đo lường thiết bị cơ bản. Đồng thời Keysight cũng giúp các trường xây dựng giáo trình về IoT/IIoT.
Keysight Technologies là công ty công nghệ đo lường điện tử hàng đầu giúp các doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ và cơ quan chính phủ thúc đẩy sáng tạo để kết nối và bảo đảm an toàn thế giới. Các giải pháp của Keysight tối ưu hóa hệ thống mạng và giúp đưa các sản phẩm điện tử ra thị trường nhanh hơn, với mức chi phí thấp hơn qua các sản phẩm từ mô phỏng thiết kế, xác nhận nguyên mẫu prototype, thử nghiệm sản xuất, tới tối ưu hóa trong hệ thống mạng và môi trường đám mây.
Keysight có hoạt động trên rất nhiều quốc gia như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản... Ở Mỹ, Keysight đã tham gia vào giai đoạn triển khai rất sớm của công nghệ 5G. Công ty này hợp tác với các nhà cung cấp chipset lớn như Qualcomm để phát triển các công nghệ như 5G NR, C-V2X… Đồng thời cũng hợp tác với nhiều nhà khai thác di động ở Mỹ để xác nhận hơn 600 bài đo 5G cho họ.
Ở khu vực Châu Á, tại Hàn Quốc và Nhật Bản, Keysight cũng kết hợp chặt chẽ với các công ty nghiên cứu phát triển và các nhà cung cấp chipset như Samsung để hợp tác trong việc xây dựng cơ sở, phòng đo kiểm để thực hiện nghiên cứu phát triển. Keysight cũng là đơn vị tham gia vào các hoạt động với mạng 5G đầu tiên trên thế giới khi diễn ra đại hội Olympic mùa đông đồng thời tổ chức tại Hàn Quốc và Nhật Bản, và cuộc gọi 5G đầu tiên trên thế giới được thực hiện tại đại hội này cũng có sự tham gia và đóng góp rất lớn của Keysight.