Lần đầu tiên bụi sao chổi được tìm thấy ở Nam Cực

(Dân trí) - Các nhà khoa học vừa phát hiện ra khá nhiều bụi sao chổi được “bảo quản” khá cẩn thận trong lớp băng tuyết vùng Nam Cực.

Đây cũng là lần đầu tiên bụi sao chổi được tìm thấy trên bề mặt Trái đất, hứa hẹn sẽ cung cấp nhiều “manh mối” về hệ Mặt trời, đặc biệt là sự hình thành của nó.

Lần đầu tiên bụi sao chổi được tìm thấy ở Nam Cực

Các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu Hawaii và các nhà hành tinh học của Đại học Hawaii, đã phát hiện được mẫu vật mà họ gọi là “hạt xốp chondritic”(chondritic porous) và các hạt bụi sao chổi (vốn chỉ được tìm thấy trước đó ở tầng bình lưu) dưới lớp băng Nam Cực.

“Hầu hết bụi sao chổi đi vào Trái đất và sẽ bị khí quyển đốt cháy, chỉ một phần các hạt nhỏ được giữ lại ở tầng bình lưu, chưa có trường hợp nào bụi sao chổi có mặt trên bề mặt Trái đât và đây là lần đầu tiên”, đồng tác giả nghiên cứu John Bradley cho biết.

Ngay sau đó, các nhà khoa học đã tiến hành thi thập các mẫu vật trên bằng những tấm mặt phẳng được phủ dầu silicon tương tự như các tấm keo bẫy ruồi. Các mẫu vật được các nhà khoa học nhận định là còn nguyên sơ nhưng do kích thước nhỏ nên khả năng thu thập khá khó khăn, đặc biệt là việc sử dụng giấy thấm dầu khiến các hạt có thể bị “ô nhiễm”, đó là chưa kể khi kiểm tra và phân tích sẽ bị hạn chế lại. Tuy nhiên, đó là cách duy nhất.

Theo Larry Nittler - nhà khoa học hành tinh từ Terrestrial Magnetism thuộc Viện nghiên cứu khoa học Carnegie (Carnegie Institution for Science) có trụ sở tại Washington DC (người không tham gia nghiên cứu) - nhận định rằng việc so sánh các hạt được tìm thấy tại Nam cực với các hạt trên tầng bình lưu sẽ giúp các nhà khoa học có thể tìm hiểu được các thành phần bụi trên đó là do ngoài vũ trụ đưa vào hay được tạo ra do Trái đất bị ô nhiễm.

Để có được kết quả này, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu công việc của mình tại Nam Cực từ năm 2000. Họ đã tiến hành khai quật ở 2 địa điểm khác nhau, thu thập các loại mẫu vật bằng cách làm tan băng và lọc nước để lấy vật chất trong đó. Họ đã thu được hơn 3000  micrometeorites - các hạt nhỏ li ti từ không gian có đường kính khoảng 10 microns. Sau đó, họ phân tích từng micrometeorites trong vòng 5 năm và thu được 40 các hạt có đặc điểm của bụi sao chổi giống như trên tầng bình lưu.

Sắp tới, các nhà khoa học dự kiến sẽ nghiên cứu kĩ hơn vvefebuij sao chổi trên nhằm giải thích sự hình thành của Vũ trụ cũng như Trái đất.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí khoa học Earth and Planetary Science Letters .

Lâm Anh