1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Làm gì để tránh nguy cơ "dính cú lừa" từ các tin nhắn lừa đảo?

(Dân trí) - Các ứng dụng nhắn tin trên smartphone đã trở thành một trong những nguồn phát tán các nội dung lừa đảo, chủ yếu là các đường liên kết độc hại hoặc chứa mã độc.

Thông tin trên vừa được hãng nghiên cứu bảo mật Kaspersky công bố. Dữ liệu ẩn danh được ghi nhận từ ứng dụng bảo mật Kaspersky Internet Security trên nền tảng Android cho thấy các ứng dụng nhắn tin trên smartphone là một trong những nguồn phát tán nội dung lừa đảo phổ biến nhất.

Kaspersky cho biết phần lớn các liên kết độc hại được phát hiện từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2021 được gửi qua ứng dụng WhatsApp (89,6%), Telegram (5,6%), Viber (4,7%), Hangouts (chưa đến 1%) và tin nhắn SMS thông thường. Nghiên cứu của Kaspersky cũng cho thấy đã có 91.242 lượt nhấn vào các đường liên kết độc hại được chia sẻ trong các ứng dụng nhắn tin trên toàn cầu, trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2021, đồng nghĩa với việc nguy cơ bị nhiễm mã độc hoặc bị lừa đảo sau khi nhấn vào các đường link.

Làm gì để tránh nguy cơ dính cú lừa từ các tin nhắn lừa đảo? - 1

Tin tặc đang lợi dụng các ứng dụng nhắn tin để phát tán các nội dung lừa đảo và tin nhắn chứa đường link độc hại.

Các quốc gia ghi nhận số tin nhắn có chứa liên kết lừa đảo được phát tán nhiều nhất bao gồm Nga (42% lượng tin nhắn lừa đảo trên toàn cầu), Brazil (17%), Ấn Độ (7%)… Tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ là 0,001%. Trên toàn cầu, trung bình có 480 tin nhắn chứa liên kết lừa đảo được gửi đi mỗi ngày.

Cũng theo nghiên cứu của Kaspersky, các ứng dụng nhắn tin vượt xa hơn mạng xã hội khoảng 20% về mức độ phổ biến và mục đích sử dụng để giao tiếp. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy vào năm 2020, lượng người dùng toàn cầu của các ứng dụng nhắn tin lên tới 2,7 tỷ người và dự kiến sẽ tăng lên 3,1 tỷ vào năm 2023 - gần 40% dân số thế giới. Đó chính là lý do khiến các ứng dụng nhắn tin trở thành nguồn phát tán nội dung lừa đảo phổ biến.

"Số liệu cho thấy lừa đảo qua ứng dụng nhắn tin vẫn là một trong những phương thức phổ biến nhất. Điều này có thể vì độ phổ biến của các ứng dụng cũng như khả năng tích hợp công cụ tấn công từ tội phạm mạng. Việc xác định lừa đảo đôi khi gặp nhiều khó khăn chỉ vì một vài thay đổi hoặc lỗi nhỏ. Cảnh giác kết hợp với công nghệ chống lừa đảo là sẽ là giải pháp để chống lừa đảo trong các ứng dụng nhắn tin", Tatyana Shcherbakova, Nhà Phân tích cấp cao về Nội dung Web tại Kaspersky cho biết.

Để giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo và nhận biết các đường liên kết độc hại được gửi qua các ứng dụng nhắn tin, các chuyên gia bảo mật khuyến nghị người dùng nên:

- Cảnh giác và kiểm tra kỹ đường link liên kết được gửi qua các ứng dụng nhắn tin. Tìm các lỗi chính tả khác thường trong đường link trang web bởi lẽ những kẻ lừa đảo có thể gửi đường link giả mạo các trang web nổi tiếng hoặc các trang web về ngân hàng. Ngay cả khi tin nhắn và trang web trông giống như thật, các liên kết ẩn rất có thể sẽ có lỗi chính tả hoặc chúng có thể chuyển hướng bạn đến một trang khác

- Kế hoạch dây chuyền là một phương thức phổ biến, trong đó kẻ lừa đảo yêu cầu người dùng chia sẻ liên kết độc hại với bạn bè, sau đó lan truyền đến nhiều người dùng khác. Hãy lưu ý và không chia sẻ bất kỳ liên kết đáng ngờ nào với người khác.

- Những kẻ lừa đảo thường sử dụng WhatsApp và các ứng dụng nhắn tin khác để liên lạc với những người dùng được tìm thấy trên một nguồn tài nguyên hợp pháp (ví dụ như sàn mua bán và dịch vụ đặt chỗ ở…) và cũng sử dụng chúng như một phương thức liên lạc trong các tin nhắn độc hại.

- Ngay cả khi một tin nhắn hoặc email được gửi đến từ một trong những người bạn thân nhất của bạn, hãy nhớ rằng tài khoản của họ cũng có thể đã bị tấn công. Hãy thận trọng trong mọi tình huống. Ngay cả khi một tin nhắn có vẻ thân thiện, hãy cảnh giác với các liên kết và tệp đính kèm

- Cài đặt và sử dụng một phần mềm, ứng dụng bảo mật đáng tin cậy để giúp tăng cường bảo mật cho thiết bị của mình.