Kỹ năng CNTT: “Mật ngọt” để hút đầu tư
Brainbench - một trong những tổ chức hàng đầu trên thế giới chuyên đánh giá các kỹ năng chứng chỉ nghề nghiệp - vừa công bố Báo cáo Kỹ năng Toàn cầu 2005 (Global Skills Report 2005), trong đó cung cấp một cái nhìn tổng thể về những kỹ năng CNTT phổ biến nhất tại Mỹ và toàn cầu.
Báo cáo Kỹ năng Toàn cầu 2005 của Brainbench là báo cáo lần thứ 3 và là bản toàn diện nhất kể từ khi báo cáo đầu tiên được công bố năm 2001. Bản báo cáo này không chỉ xếp hạng về các kỹ năng chứng chỉ CNTT mà còn nhận định những xu hướng và dự báo về tương lai của thị trường những kỹ năng CNTT này.
Báo cáo 2005 của Brainbench được tổng hợp dựa trên những kết quả đánh giá của Brainbench với 303.651 cá nhân có chứng chỉ đến từ 179 quốc gia, từ tháng 5/2004 đến tháng 4/2005, với 6 kỹ năng chính trong lĩnh vực CNTT, bao gồm: Phát triển và quản trị CSDL; Lập trình và triển khai; Quản trị mạng và hệ thống; Hỗ trợ kỹ thuật; Viễn thông; Quản trị và phát triển Web.
Theo Báo cáo Kỹ năng Toàn cầu 2005, xếp về số lượng chứng chỉ kỹ năng CNTT nhận được, Mỹ, Ấn Độ và Nga hiện đang là 3 nước đứng đầu bảng xếp hạng và khẳng định vị trí tiềm năng nhất về nguồn nhân lực CNTT. Cũng trong bảng xếp hạng này, Việt Nam được xếp thứ 53/179 quốc gia với 278 chứng chỉ kỹ năng CNTT được nhận trong năm qua - một thứ bậc rất khả quan.
Theo xếp hạng, Mỹ chiếm số lượng chứng chỉ kỹ năng lớn nhất trong năm qua với con số 125.722. Tuy nhiên, số lượng chứng chỉ tại Ấn Độ đã tăng trên 300% trong 2 năm qua và Ấn Độ đã vượt Mỹ trong 6 kỹ năng chứng chỉ, trong đó có cả 3 kỹ năng lập trình Java.
Đông Âu, đặc biệt là LB Nga, có số lượng chứng chỉ CNTT rất đáng kể và đang gia tăng mạnh. Chứng chỉ CNTT tại Tây Âu và Đông Nam Châu Á cũng đang có chiều hướng gia tăng.
Ở khu vực Bắc Mỹ, Canada có số lượng lớn nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao và đang dẫn đầu về kỹ năng Hỗ trợ Kỹ thuật; trong khi Mỹ là quốc gia dẫn đầu về các chứng chỉ liên quan đến an ninh, bảo mật thông tin.
Về loại hình chứng chỉ, chứng chỉ kỹ năng phần mềm Microsoft chiếm đại đa số trong tất cả các chứng chỉ được trao trong năm qua. Tuy nhiên, các chứng chỉ về hệ điều hành mã nguồn mở (như Linux và UNIX) đã bắt đầu có dấu hiệu bắt kịp và vượt lên so với Windows.
Theo nhận định của Brainbench, chứng chỉ kỹ năng CNTT đang gia tăng trên toàn cầu và đang đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức tại các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Những kỹ năng CNTT trình độ cao là yếu tố rất quan trọng để tạo ra lợi nhuận và tiềm năng kinh tế cao hơn.
Giáo dục đang ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển, đang xây dựng một nền kinh tế mới dựa trên kỹ năng và tri thức. Ngược lại, yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế bền vững sẽ là phát triển lực lượng lao động có kỹ năng và có tính cạnh tranh cao, mà trong đó các kỹ năng CNTT có vị trí rất trọng yếu.
Nhìn về tương lai, Brainbench nhận xét: Đi cùng với nhu cầu và tiềm năng phát triển của CNTT và Truyền thông, mức độ chuẩn hoá các kỹ năng sẽ ngày càng rõ nét. Các quốc gia và cá nhân sẽ cạnh tranh lẫn nhau để chiếm lĩnh nguồn tài nguyên duy nhất trên thế giới có thể sinh sôi nảy nở, đó là Trí tuệ. Và vai trò của giáo dục, đào tạo sẽ ngày càng trở nên quan trọng cho các quốc gia đang phát triển và có tham vọng xây dựng nền kinh tế tri thức (trong đó có Việt
Nhận xét về Báo cáo (Global Skills Report 2005) của Brainbench, ông Đinh Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech (285 Đội Cấn, Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam chưa có một thống kê hay báo cáo tương tự thì đối với ngành CNTT và đặc biệt là ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam, báo cáo này khá hữu ích cho 2 nhóm đối tượng: Người học (hay người đi tìm việc) và các tổ chức đào tạo trong việc tổng hợp các chuẩn mực chung của ngành công nghiệp một cách toàn diện, khoa học và xác thực để cả 2 nhóm đối tượng này dễ định hướng trong các hoạt động nâng cao kỹ năng và cập nhật chương trình giảng dạy.
“Theo báo cáo này thì chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam đang tụt hậu khá xa so với Án Độ và các quốc gia Đông Nam Á khác, như Phillipines, Indonesia, Malaysia và Singapore”, ông Dũng nói, đồng thời ông cho rằng CNTT là ngành có mức độ chuẩn hoá rất cao trên toàn thế giới. Các chuẩn mực về kỹ năng CNTT không phân biệt biên giới hay các đặc thù kinh tế, văn hoá, chính trị của mỗi quốc gia. Đặc biệt, do đặc thù phần lớn các sản phẩm phần mềm ở Việt Nam đều được gia công hoặc xuất khẩu nên các nhóm kỹ năng thông dụng trong báo cáo của Brainbench là tham chiếu rất tốt cho người học hoặc tìm việc.
Để biết thêm thông tin, có thể tham khảo tại www.brainbench.com
Theo Lê Minh
VnPost