Kinh doanh thua lỗ, Yahoo sắp phải “bán mình”

(Dân trí) - Từng là hãng Internet lớn nhất thế giới, tuy nhiên giờ đây Yahoo đang phải “ngụp lặn” trên thị trường Internet và thậm chí đã nghĩ đến tình huống xấu nhất, phải bán đi mảng dịch vụ Internet, bộ phận cốt lõi của Yahoo.

Tờ báo The Wall Street Journal dẫn lời một nguồn tin từ nội bộ Yahoo cho biết ban lãnh đạo của Yahoo sẽ họp mặt trong tuần tuần này để bàn luận về những khó khăn mà hãng đang gặp phải trên thị trường dịch vụ Internet. Nhiều khả năng, Yahoo sẽ phải bán đi bộ phận cốt lõi dịch vụ Internet của hãng, hoặc rút vốn đầu tư của Yahoo tại hãng thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc hoặc thậm chí phải thực hiện đồng thời cả hai phương án này.

Thông tin này hoàn toàn có căn cứ khi mà các lãnh đạo cao cấp của Yahoo đã hủy bỏ kế hoạch tham dự Hội nghị đầu tư do tập đoàn tài chính Credit Suisse (Thụy Sĩ) tổ chức hôm thứ 3 vừa qua, nhiều khả năng nhằm tập trung vào cuộc họp quyết định tương lai của Yahoo sắp tới.

Từng là hãng dịch vụ Internet lớn nhất thế giới, tuy nhiên giờ đây Yahoo đang phải “ngụp lặn” trên thị trường tạo nên tên tuổi của mình
Từng là hãng dịch vụ Internet lớn nhất thế giới, tuy nhiên giờ đây Yahoo đang phải “ngụp lặn” trên thị trường tạo nên tên tuổi của mình

Trước đó Starboard Value LP, một nhà đầu tư của Yahoo đã gửi một bức thư lên ban lãnh đạo của công ty kêu gọi Yahoo bán đi bộ phận kinh doanh Internet của hãng, thay vì rút vốn đầu tư khỏi tập đoàn Alibaba vì điều này sẽ buộc Yahoo mất đi một khoản thuế lớn.

Hiện tại giá trị thị trường của Yahoo ước tính đạt 34 tỷ USD, trong đó giá trị chủ yếu nằm ở số cổ phần mà Yahoo đang nắm giữ tại hai công ty châu Á là Alibaba và Yahoo Nhật Bản.

Với 15% cổ phần tại Alibaba, Yahoo đang nắm giữ số tài sản 20 tỷ USD, và 35% cổ phần tại Yahoo Nhật Bản cũng có giá trị 8,5 tỷ USD. Trong khi đó giá trị bộ phận kinh doanh cốt lõi của Yahoo có giá trị ước tính 3,8 tỷ USD. Hết quý III/2015, Yahoo số tiền mặt và những khoản tiền đầu tư ngắn hạn của Yahoo có giá trị 5,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, tìm kiếm một người mua mua lại một phần hoặc toàn bộ Yahoo cũng là điều không đơn giản, bởi lẽ không phải công ty nào cũng dám mạo hiểm mua lại một công ty đang gặp nhiều khó khăn và không có dấu hiệu cho thấy sẽ vực dậy như Yahoo.

Yahoo từng là hãng Internet lớn nhất thế giới, tuy nhiên sự chậm chạp trong việc thay đổi chính sách đã khiến những tên tuổi “trẻ hơn” vượt mặt như Google hay Facebook. Hiện tại hai dịch vụ trực tuyến của Yahoo là Yahoo Mail và Yahoo Tin tức (Yahoo News) vẫn là trang web có lượng truy cập lớn thứ 3 tại Mỹ, sau Google và Facebook.

Trước đó, Yahoo đã phải đóng cửa hàng loạt dịch vụ trực tuyến khác của hãng để thu hẹp phạm vi hoạt động do kinh doanh thua lỗ và không còn thu hút được người dùng.

Đây không phải là lần đầu tiên ban lãnh đạo Yahoo đi đến cân nhắc phải “bán mình”. Trước đó vào năm 2008, Microsoft cũng đã đưa ra đề nghị mua lại Yahoo tuy nhiên thương vụ này sau đó không đạt được thỏa thuận giữa hai bên. Năm ngoái, các nhà đầu tư của Yahoo cũng kêu gọi ban lãnh đạo “bán mình” cho AOL tuy nhiên thương vụ này cũng đã không thể thực hiện.

Cổ phiếu của Yahoo đã tăng thêm 7%, lên mức 33,71USD/cổ phiếu, sau khi xuất hiện tin đồn công ty phải “bán mình”.

“Chiến dịch giải cứu” Yahoo thất bại của Marissa Mayer

Năm 2012, Yahoo bổ nhiệm Marissa Mayer, cựu giám đốc Google và là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất giới công nghệ, vào vị trí CEO của Yahoo, trong bối cảnh Yahoo đang “ngụp lặn” trên thị trường Internet, với hy vọng tài năng và bản lĩnh của Mayer sẽ giúp Yahoo vượt qua khủng hoảng.

 

Những nỗ lực của Marissa Mayer không đủ để cứu giúp “con tàu đắm” Yahoo
Những nỗ lực của Marissa Mayer không đủ để cứu giúp “con tàu đắm” Yahoo

Trong 3 năm qua, Marissa Mayer đã thực hiện hàng loạt thương vụ thâu tóm các dịch vụ Internet đã có tên tuổi lẫn những công ty khởi nghiệp còn non trẻ, một động thái nhằm giúp trang bị thêm cho Yahoo sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường. Có thời điểm Yahoo mua sắm “điên cuồng” tới nỗi hầu như tháng nào cũng đã chi ra vào triệu USD để thâu tóm một công ty khác hoặc một công nghệ mới.

Tuy nhiên, không ít thương vụ của Yahoo bị đặt ra dấu chấm hỏi về tính hiệu quả, chẳng hạn thương vụ mua lại mạng xã hội Tumblr với giá 1,1 tỷ USD vào năm 2013, một động thái nhằm cạnh tranh với Facebook và Twitter trên thị trường mạng xã hội, tuy nhiên rõ ràng cho đến nay nỗ lực này đã không được như mong muốn.

Sau 3 năm với nhiều nỗ lực nhưng không đạt đáp ứng được sự kỳ vọng của các nhà đầu tư, theo nhiều nguồn tin ban lãnh đạo Yahoo đã cân nhắc đến khả năng sa thải Marissa Mayer. Điều duy nhất khiến quyết định này chưa được đưa ra đó là Mayer đang mang thai và sẽ sinh con trong tháng 12 này, Yahoo lo ngại hình ảnh của mình bị ảnh hưởng nếu sa thải Mayer vào thời điểm này.

Cho dù thông tin về việc Marissa Mayer bị sa thải là không chính xác, thì với việc Yahoo cân nhắc đến khả năng “bán mình” có thể cho thấy rằng Mayer đã hoàn toàn thất bại trong nỗ lực cứu vớt “con tàu đắm” Yahoo và thời gian dành cho nữ CEO xinh đẹp này dường như đã kết thúc.

T.Thủy

Kinh doanh thua lỗ, Yahoo sắp phải “bán mình” - 3