Khủng hoảng trầm trọng, hãng smartphone Pantech buộc phải “bán mình”

(Dân trí) - Là hãng smartphone lớn thứ 3 tại Hàn Quốc sau Samsung và LG, tuy nhiên chừng đó là chưa đủ để hãng smartphone Pantech trụ vững trên thị trường. Sau khi nộp đơn xin phá sản, hiện Pantech đang phải tìm đối tác để “bán mình”.

Là hãng smartphone lớn thứ 3 tại Hàn Quốc, tuy nhiên không dễ dàng gì để Pantech có thể cạnh tranh với các “ông lớn” khác trên thị trường smartphone như Samsung hay LG ngay tại “sân nhà”, điều này khiến Pantech liên tục bị thua lỗ do thị phần bị giảm sút.

Hồi tháng 2 vừa qua, Pantech đã phải nộp đơn lên tòa án để xin tái cơ cấu lại các khoản nợ mà mình đang mắc phải. Đến tháng 7, Pantech đã nộp đơn xin phá sản với khoản nợ lên đến 475 triệu USD. Đến tháng 8 vừa qua, mặc dù thuyết phục được các chủ nợ gia hạn thời gian trả nợ cùng với 2 năm không trả lãi suất,  tuy nhiên đến bây giờ, Pantech đã phải chấp nhận “bán mình” vì không còn khả năng chi trả các khoản nợ.

Theo đó Pantech và các chú nợ đã xây dựng một kế hoạch bán toàn bộ công ty. Những người quan tâm đến việc mua lại hãng smartphone này sẽ phải chờ đến ngày 7/10 để nộp hồ sơ đăng ký đấu giá.

Khủng hoảng trầm trọng, hãng smartphone Pantech buộc phải “bán mình”
Cạnh tranh với các “ông lớn” như Samsung hay LG ngay tại “sân nhà” là điều không dễ dàng gì với Pantech

Quyết định bán toàn bộ công ty được đưa ra dựa trên sự khác biệt lớn giữa giá trị thanh lý công ty và giá trị hoạt động liên tục (khi mua lại toàn bộ công ty). Hiện tại, giá trị thanh lý của Pantech được đánh giá ở mức 189 tỷ Won (tương đương 182 triệu USD), trong khi đó giá trị hoạt động liên tục của Pantech được đánh giá ở mức 382 tỷ Won (tương đương 366 triệu USD).

Theo các nhà phân tích thị trường tại Hàn Quốc thì nhà mạng SK Telecom là người tiên phong và có nhiều khả năng sẽ thâu tóm Pantech. Các tập đoàn lớn khác tại Hàn Quốc như Samsung, LG và Hyundai Motor cũng được cho là những khách hàng tiềm năng quan tâm đến thương vụ này. Trước đó, vào năm 2013, Samsung cũng đã mua lại 10% cổ phần của Pantech với mức giá 47,6 triệu USD.

Ngoài ra nhiều khả năng các công ty của nước ngoài cũng sẽ nhảy vào thương vụ này để thâu tóm Pantech, như một cách nhanh chóng để tiếp cận thị trường Hàn Quốc, một trong những thị trường smartphone lớn và quan trọng tại châu Á.

Đầu tháng 4 vừa qua, một “đại gia” trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng của Ấn Độ là Micromax cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại một lượng lớn cổ phần của Pantech. Các hãng sản xuất thiết bị di động lớn của Trung Quốc như Huawei, Lenovo và Xiaomi cũng có thể quan tâm đến thương vụ mua lại Pantech, vì hiện tại các hãng smartphone Trung Quốc vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường Hàn Quốc.

Những khó khăn tài chính của Pantech bắt đầu từ năm 2013 khi hãng smartphone này chịu thua lỗ trong 6 quý liên tiếp do sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường smartphone trong và ngoài nước. Sự suy giảm về doanh số bán hàng đã dẫn đến việc sản phẩm của Pantech không được các nhà mạng chấp nhận phân phối vì số lượng hàng tồn kho cũ quá nhiều và không bán được.

Mặc dù Pantech chủ yếu phát triển tại thị trường Hàn Quốc và thị trường Mỹ, tuy nhiên người dùng tại Việt Nam cũng khá quen thuộc với hãng smartphone này thông qua các sản phẩm được phân phối trên thị trường “xách tay”. Các smartphone Pantech được người dùng tại Việt Nam yêu thích vì mức giá “mềm” với một cấu hình mạnh mẽ hơn so với nhiều sản phẩm chính hãng trên thị trường.

T.Thủy