Khi sinh viên viết game
Các game phổ biến trên thị trường hiện nay tất cả đều là "hàng" ngoại. Trò chơi nội vẫn bặt tăm trong khi ở các trường đại học, cao đẳng, không ít sinh viên đang cặm cụi viết game.
Hiện nay số lượng sinh viên học lập trình, công nghệ phần mềm ở các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) và trung tâm tin học ngày càng đông. Trong đó sinh viên chọn đề tài viết chương trình game cho những đồ án môn học không phải là hiếm. Nếu chơi game chỉ là click chuột hoặc nhấn một số phím quy định thì viết game phải đáp ứng bằng được những đòi hỏi rất cao của người chơi game về tính mỹ thuật, nội dung, cấp độ chơi…
Võ Hữu Bình, sinh viên năm thứ 3 khoa Công nghệ thông tin (CNTT) ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM, nhận xét: “Game thường yêu cầu cao về đồ hoạ và tính thẩm mỹ, các giải thuật cũng rất phức tạp. Với khoảng thời gian giới hạn khi làm đề tài thì game của sinh viên chỉ đáp ứng được ở khía cạnh ứng dụng ngôn ngữ lập trình”.
Một số game cấp 1, tương đối dễ mà sinh viên thường chọn viết là dò mìn, caro, xếp gạch, ô làng, cờ tướng, cờ vua, cờ cá ngựa... Game cấp 2, mức độ khó hơn cấp 1 là loại Mario. Game 3D thì có Tetris viết bằng các thư viện đồ hoạ như OpenGl, DirectX. Viết game rất đa dạng và phức tạp, người chơi với người thì có loại 1 người chơi, 2 người chơi, có loại 4 người chơi như cờ cá ngựa. Loại game người chơi với máy viết khó hơn nhiều vì phải lập trình cho máy tư duy theo kiểu con người, yêu cầu về trí tuệ nhân tạo rất cao. Các loại game như cờ tướng, cờ vua thường chỉ đáp ứng được ở mức người chơi với người.
Game "Trúc xanh" do sinh viên viết lại dựa theo chương trình gameshow cùng tên của Đài truyền hình HTV. |
“Đa số sinh viên viết lại game có sẵn bằng một số ngôn ngữ thông dụng như VB, VC, C, C++,… Trong một game yêu cầu phải có nhiều level và mức độ khó ở mỗi level phải tăng lên để tạo ra thách thức, hấp dẫn người chơi. Điều này đòi hỏi các giải thuật phải khác nhau và hầu hết game viết lại đều không bằng game mẫu”, thầy Nguyễn Gia Tuấn Anh, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, CĐ Công nghệ thông tin TP HCM, cho biết. Đây là một lý do khiến game sinh viên vẫn chỉ là của sinh viên mà thôi, không đưa ra thị trường được.
Khả năng kinh doanh game Việt Nam rất khó thành công. Đầu tư để viết một game với quy mô vừa phải thì mức chi phí cũng khá cao, từ kịch bản, lập trình, thiết kế đồ hoạ… cho đến quảng bá game. Vậy thì đầu ra cho game sinh viên sẽ như thế nào, trong khi người chơi tự nguyện bỏ tiền ra mua game có bản quyền là điều hiếm hoi.
Theo nhiều chuyên gia lập trình thì viết game “made in Vietnam” chỉ có thể là… nộp cho nhà trường, phục vụ sở thích chơi game của cá nhân hoặc tặng bạn bè làm kỷ niệm. Thực tế, ngay cả những phần mềm đoạt giải từ các công trình nghiên cứu khoa học hoặc những phần mềm ứng dụng rất hay của các công ty phần mềm vẫn phải đầu hàng trước nạn băng đĩa lậu tràn lan. Chính vì lẽ đó mà hiện nay, đề tài viết game cho đồ án môn học không được các giáo viên hướng dẫn khuyến khích.
Rõ ràng chơi game là một thú vui giải trí của nhiều sinh viên và sở thích này giúp sinh viên dễ dàng hơn trong việc viết game. Một số sinh viên cho biết viết game xong thì sửa, sửa rồi lại... sửa để game hay hơn, khó hơn, đấy là một thách thức khá thú vị. Tuy nhiên, hầu hết game của sinh viên chỉ là viết lại, không có những điểm mới nổi bật so với game mẫu. Mặt khác game chỉ là một phần nhỏ trong lĩnh vực công nghệ thông tin rộng lớn, nên hiếm có sinh viên chọn đi đến cùng với game. Chính vì thế, sinh viên viết game chỉ dừng lại ở việc sử dụng ngôn ngữ lập trình và làm đồ án môn học.
Theo VnExpress