Khan hiếm chip, nhiều công ty phải mua rác thải điện tử về tái chế

Thế Anh

(Dân trí) - Tình trạng khan hiếm chip đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo nhiều chuyên gia, vấn đề này sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2022.

Theo tiết lộ từ Peter Wennink - Giám đốc điều hành của ASML Holding, một tập đoàn công nghiệp lớn tại Trung Quốc đã phải mua máy giặt cũ và lấy chất bán dẫn bên trong để sử dụng cho các mô-đun chip của họ. Ông cũng dự đoán rằng tình trạng khan hiếm chip sẽ còn kéo dài trong tương lai gần, ít nhất là đối với một số lĩnh vực.

Khan hiếm chip, nhiều công ty phải mua rác thải điện tử về tái chế - 1

Một công nhân đang thu gom các thiết bị điện tử cũ để tái chế (Ảnh: SCMP).

"Nhu cầu đối với linh kiện bán dẫn hiện đến từ rất nhiều ngành. Chúng tôi đã đánh giá thấp tình trạng này trong thời gian qua. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ chưa thể được giải quyết trong thời gian ngắn", Wennink chia sẻ.

Ngay cả những nhà sản xuất chip bán dẫn lớn tại Mỹ như Lam Research cũng đang phải vật lộn để có đủ linh kiện đáp ứng các đơn đặt hàng. Sự khan hiếm về nguồn cung đang khiến cho các nhà sản xuất gặp khó trong việc gia tăng công suất.

"Nhu cầu của thị trường hiện rất lớn. Trong khi đó, sự hạn chế về nguồn cung có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất chip trong năm 2022", Tim Archer, Giám đốc điều hành của Lam Research cho biết.

Theo SCMP, trong hơn một năm qua, các nhà sản xuất xe hơi vẫn chưa thể vượt qua được cuộc khủng hoảng về sự thiếu hụt chất bán dẫn. Cách đây không lâu, Tesla cho biết rằng hoạt động sản xuất của công ty đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt các thành phần linh kiện bán dẫn quan trọng.

Volkswagen cũng cho biết rằng công ty có thể sẽ gặp phải những tác động tiêu cực từ việc hạn chế nguồn cung chip. Trong khi đó, Toyota Motor đã cắt giảm mục tiêu sản lượng khoảng 100.000 chiếc xe vào năm nay do nguồn cung bán dẫn không đủ.

Khan hiếm chip, nhiều công ty phải mua rác thải điện tử về tái chế - 2

Công nhân tháo dỡ rác thải điện tử tại một xưởng ở Trung Quốc (Ảnh: AFF).

Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) - đơn vị gia công chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, tuần trước đã đưa ra thông báo rằng công suất của họ vẫn còn hạn chế trong suốt năm 2022. Một nhà sản xuất chip lớn khác tại Trung Quốc còn đưa ra dự báo rằng tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023.

Trong một cuộc họp vào tuần trước, C.C. Wei - Giám đốc điều hành của TSMC, đã nhấn mạnh rằng thời gian giao hàng đến các đối tác có thể sẽ lâu hơn. Theo nghiên cứu từ Susquehanna Financial Group, thời gian chờ đợi giao hàng linh kiện bán dẫn đã tiếp tục tăng trong tháng 3, lên mức 26,6 tuần.

Theo www.scmp.com