Khách hàng tá hoả vì cước Internet khi dùng 4G thay thế cáp quang

Chỉ sau hơn hai tuần dùng tạm 4G để chờ lắp Internet cáp quang, chị Ngà đã phải tức tốc tìm ngay phương án khác.

Mới nhận nhà trong một khu chung cư ở quận Từ Liêm, khi đăng ký lắp đặt Internet cáp quang, chị Ngà nhận được câu trả lời là hiện khu vực này đã hết cổng, phải gần 1 tháng nữa mới có. Nhân viên của nhà mạng tư vấn chị có thể dùng tạm Internet di động trong lúc chờ đợi.

Sau khi tìm hiểu thêm thông tin trên mạng, chị Ngà đã đăng ký dùng thử gói cước 4G có dung lượng 20 GB, được sử dụng trong một tháng. Giá cước là 200.000 đ/tháng - tương đương với giá cước dịch vụ cáp quang chị sử dụng trước đây. Chị bỏ thêm gần 1 triệu để mua thiết bị phát sóng wifi, chỉ cần lắp SIM vào là cả nhà có thể truy cập Internet như dùng cáp quang. Chị thấy khá tiện lợi.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một tuần sau khi sử dụng, chị đã thấy không truy cập được nữa. Tưởng mạng có vấn đề, chị gọi điện lên tổng đài thì giật mình vì được thông báo đã sử dụng hết dung lượng của gói. Hỏi kỹ ra mới biết là phần lớn lưu lượng từ trang YouTube do hai đứa con chị thường xuyên xem mỗi tối. Thế là thay vì 200.000đ/tháng như cáp quang trước đây dùng thoải mái không cần lo nghĩ thì chị phải bỏ thêm tiền vì 200.000đ chỉ được 1 tuần.

Sau hơn hai tuần sử dụng 4G tạm để chờ lắp Internet cáp quang, chị Ngà cho biết mấy đã phải lân la sang hàng xóm để dùng nhờ chứ dùng Internet di động ở nhà thế này không ổn tí nào.

Khách hàng tá hoả vì cước Internet khi dùng 4G thay thế cáp quang - 1

Cũng giống như chị Ngà, khi chuyển sang chỗ thuê mới ở một khu chung cư cũ khu vực Nam Trung Yên, gia đình anh Thọ cũng quyết định dùng Internet di động phục vụ giải trí ở nhà vì khi hỏi lắp Internet băng rộng cố định thì được yêu cầu là phải ký hợp đồng cả năm. Nếu đóng tiền trước thì mới được giảm giá ưu đãi lớn. Ngại bỏ ra gần 2 triệu đồng, lại thấy tốc độ Internet di động gần đây khá ổn, đặc biệt là 4G được quảng cáo là tốc độ cao, xem video mượt mà giá gói tháng cũng chỉ tương đương sử dụng Internet cố định trước đây nên anh quyết định chuyển sang dùng thử.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng, anh Thọ cũng bắt đầu chán và cho biết đã gọi điện cho nhân viên VNPT tới ký hợp đồng lắp Internet cáp quang. Nguyên nhân là do anh hay xem lại các trận bóng đá trên mạng vì toàn đá buổi đêm anh không thức xem được. Trước đây ở nhà cũ dùng Internet cáp quang anh không bao giờ lo nghĩ gì về dung lượng với tiền vì đăng ký một gói thoải mái dùng. Giờ xem bằng Internet di động, vợ anh suốt ngày kêu tốn tiền, nhanh hết dung lượng, phải mua thêm và yêu cầu anh “thức xem tivi được thì xem, không thì nghỉ”.

Trong thời gian gần đây, việc sử dụng mobile Internet và các thiết bị phát sóng thay thế Internet cáp quang đã được một số khách hàng, chủ yếu là các hộ ở chung cư sử dụng. Tuy nhiên, giống như chị Ngà, anh Thọ, dù đã đăng ký gói cước có dung lượng khá lớn nhưng nhiều người đã nhận thấy Internet di động thực sự không phù hợp với nhu cầu giải trí ở nhà, cho hộ gia đình do Mobile Internet tính tiền theo dung lượng chứ không thoải mái như Internet cáp quang.

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet cả di động và cố định cáp đồng, cáp quang cho biết mỗi loại hình dịch vụ hướng tới một đối tượng khách hàng với nhu cầu sử dụng riêng. Internet di động, kể cả tốc độ cao như 4G chỉ phù hợp với nhu cầu sử dụng cá nhân do dung lượng dữ liệu sử dụng bị giới hạn trong khi nó các dữ liệu nội dung chất lượng cao hiện nay ngày càng ngốn dung lượng. Đối với các hộ gia đình, nhiều người cùng truy cập và chủ yếu là các hoạt động giải trí như xem phim, xem các nội dung video trực tuyến thì internet băng rộng cố định vẫn là lựa chọn nhất bởi vừa không giới hạn dung lượng dữ liệu sử dụng, tốc độ cao và ổn định. Trong trường hợp buộc phải dùng internet di động thay thế internet cố định, vị đại diện này cũng đưa ra lời khuyên để không sốc trước hoá đơn 4G bằng cách thường xuyên theo dõi dung lượng đang dùng để không lo hết giữa chừng và mua thêm dữ liệu.

PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm