“Huyền thoại thiết kế” Jony Ive từng lo sợ sa thải

(Dân trí) - Jony Ive, “huyền thoại” thiết kế của Apple, đã từng lo ngại sẽ bị Steve Jobs sa thải sau khi Jobs quay trở lại lãnh đạo Apple vào năm 1997. Rất may điều này không xảy ra và Jony Ive trở thành “huyền thoại” của Apple, có công thiết kế nên những “sản phẩm lịch sử”.

Thông tin trên được tiết lộ trong cuốn sách có tiêu đề “Becoming Steve Jobs”,  một cuốn tiểu sử do nhà báo Brent Schlender, một người thường xuyên phỏng vấn Steve Jobs trong suốt 25 năm qua, hợp tác với Biên tập viên Rick Tetzeli của tạp chí Fast Company thực hiện.

Trong cuốn tiểu sử này, Jony Ive, “huyền thoại thiết kế” của Apple đã chia sẻ lại cảm xúc của mình khi Steve Jobs lần đầu tiên đến thăm phòng làm việc của ông, sau khi Jobs được bổ nhiệm trở lại vị trí CEO của Apple vào năm 1997.

Trước đó, vào năm 1985, Steve Jobs rời khỏi Apple vì những bất đồng với John Sculley, CEO của Apple vào thời điểm đó. Đến năm 1985, Jobs thành lập công ty máy tính NeXT Computer và khá thành công trên thị trường máy tính cá nhân, cho đến năm 1997, khi Apple mua lại công ty này, như một cách để đưa Steve Jobs trở lại ban lãnh đạo của công ty.

Làm việc cùng Steve Jobs đã giúp Jony Ive phát huy hết tài năng của mình
Làm việc cùng Steve Jobs đã giúp Jony Ive phát huy hết tài năng của mình

Tại thời điểm Steve Jobs trở lại ngồi vào chiếc ghế CEO của Apple vào năm 1997, Apple như một “con tàu sắp đắm” với hàng loạt các khó khăn đang phải đối mặt. Nhiệm vụ của Jobs vào thời điểm đó là phải tái cấu trúc để giúp Apple tìm lại thời hoàng kim của hãng như trước đó, mà các biện pháp được áp dụng là “khai tử” các dòng sản phẩm cũ đồng thời cắt giảm nhân sự để giảm kinh phí hoạt động.

Và một trong những người từng nghĩ rằng mình sẽ nằm trong danh sách thôi việc của Steve Jobs đó là Jony Ive. Trong cuốn sách “Becoming Steve Jobs” sẽ được phát hành vào ngày 24/03 này, Ive cho biết trong lần đầu tiên Steve Jobs ghé thăm phòng thiết kế sản phẩm do Ive đứng đầu với cương vị CEO của Apple, Ive đã rất lo lắng và sợ hãi vì mình có thể bị sa thải.

“Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau, Steve Jobs đã nói về việc Apple nối lại hợp tác với Hartmut Esslinger. Khi đó tôi nghĩ rằng mình sẽ bị sa thải”, Jony Ive chia sẻ.

Hartmut Esslinger là nhà thiết kế người Đức, người đã thành lập hãng thiết kế công nghiệp Frog Design, chịu trách nhiệm thiết kế chiếc máy tính Mac đầu tiên trước khi Ive đến với Apple, và dĩ nhiên, trước tuyên bố của Steve Jobs, Jony Ive hoàn toàn có lý do để lo lắng cho công việc của mình.

Tuy nhiên, Jony Ive sau đó đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi biết được rằng Steve Jobs sẽ không sa thải mình, thay vào đó Jobs đã không ngần ngại chê bai các mẫu thiết kế của Ive là không tốt. Sau một thời gian làm việc cùng nhau, mối quan hệ giữa Steve Jobs và Jony Ive đã trở nên tốt đẹp hơn khi Jobs nhận ra rằng Ive cũng là một con người sống nội tâm giống như mình và có sở trường “giải thích rõ ràng những ý tưởng phức tạp”.

“Anh biết Jony, cậu ấy là một thiên thần”, Steve Jobs sau này đã chia sẻ với nhà báo Brent Schlender, tác giả của cuốn sách, trong một bài phỏng vấn sau này. “Tôi đã thích anh ấy ngay và có thể nói rằng sau buổi gặp mặt đầu tiên, Gil Amelio (CEO tiền nhiệm của Apple) đã lãng phí tài năng của cậu ấy”.

Làm việc cùng với Steve Jobs đã giúp Jony Ive phát huy hết tài năng của mình và trở thành “huyền thoại” tại Apple. Ông là người đã chịu trách nhiệm thiết kế những sản phẩm mang tính biểu tượng của Apple như iPad, iPhone, iMac, MacBook Pro... Hiện Jonathan Ivy được xem là một trong những nhà thiết kế công nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện nay.  Với những đóng góp của mình, năm 2012, Ivy đã được Hoàng gia Anh phong tặng tước Hiệp Sĩ.

T.Thủy