Hơn 5.000 thuê bao 2G bị chặn hòa mạng trong 3 ngày

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Các thiết bị di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G only) và không có chứng nhận hợp quy, đã không thể nhập mạng di động từ ngày 1/3.

Hơn 5.000 thuê bao 2G bị chặn hòa mạng trong 3 ngày - 1

Hơn 5 nghìn thuê bao 2G bị chặn hòa mạng trong 3 ngày (Ảnh: Getty).

Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), trong ba ngày từ 1/3 đến 3/3, đã có khoảng 5.400 thuê bao 2G bị các nhà mạng chặn hòa mạng mới. Đây là một trong những giai đoạn bước đệm, trước khi hướng tới việc tắt sóng 2G trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào tháng 9/2024.

Trước đó, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng chặn các máy điện thoại "cục gạch" 2G nhập lậu, không hợp quy, hòa mạng. Việc này được thực hiện từ ngày 1/3.

Cụ thể, doanh nghiệp di động sẽ không cho phép nhập mạng mới các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Bộ TT&TT công bố.

Hiện tại, danh sách này bao gồm hơn 4.000 thiết bị di động 2G. Trong đó, phần lớn các mẫu máy đều là thiết bị đời cũ, được sản xuất từ lâu. Trên thực tế, các mẫu điện thoại 2G only đã bị cấm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam từ tháng 7/2021.

Hơn 5.000 thuê bao 2G bị chặn hòa mạng trong 3 ngày - 2

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, quyết định này được đưa ra do các thuê bao hòa mạng mới (đối với mạng 2G) vẫn ở mức cao, với khoảng 300.000 điện thoại 2G mỗi tháng.

Trong khi đó, số lượng thuê bao 2G giảm chỉ khoảng 1%/tháng. Điều này đã làm ảnh hưởng đến lộ trình tắt sóng 2G, vì số lượng thuê bao chưa giảm nhanh như kỳ vọng.

2G là tên viết tắt của công nghệ mạng di động viễn thông thế hệ thứ hai. Mạng 2G được triển khai thương mại dựa trên chuẩn tiêu chuẩn GSM ở Phần Lan bởi nhà mạng Radiolinja (hiện là một phần của công ty viễn thông Elisa Oyj) vào năm 1991. Tại Việt Nam, mạng 2G chính thức được triển khai từ năm 1993.

Hiện tại, mạng 2G đã bị nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá là "lỗi thời" và chứa nhiều lỗ hổng. Tội phạm mạng có thể lợi dụng đặc điểm này để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn giả mạo đến thiết bị người dùng qua sóng 2G với các trạm BTS giả gây ra không ít thiệt hại đối với người dùng.

Ông Nhã cũng cho biết theo số liệu thống kê từ tháng 9/2023, Việt Nam hiện có khoảng 15 triệu thuê bao 2G đang hoạt động. Tuy vậy, các nhà mạng đã ráo riết vào cuộc, và đưa ra lộ trình cụ thể để hướng tới tắt sóng 2G.

Một số nhà mạng chuẩn bị các dòng điện thoại "cục gạch" 4G giá rẻ, khoảng vài trăm nghìn đồng, chỉ bao gồm dịch vụ thoại và nhắn tin. Các dòng điện thoại này nhằm phục vụ cho một tập khách hàng nhỏ, thường là người cao tuổi, người có thu nhập thấp, chưa có điều kiện tiếp cận với smartphone.

Ông Nhã cho biết trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tính đến phương án sử dụng nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích và nguồn vốn hỗ trợ từ các địa phương… để giúp người dân chuyển đổi sang smartphone.

Ông Đoàn Quang Hoan, Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử, cho rằng khi tắt sóng 2G, người dân sẽ bỏ sử dụng dịch vụ chất lượng thấp, tốc độ thấp và tiến đến sử dụng các dịch vụ có chất lượng, tốc độ cao.

Điều này giúp sớm đưa cả xã hội tiến lên môi trường số. Cùng với đó, doanh nghiệp viễn thông cũng có thể loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm