Hoạt động của các nhóm trên Facebook có đang bị "thả nổi"?

(Dân trí) - Theo Luật sư Nguyễn Mai – Công ty Luật Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Báo chí (gián tiếp),...Có thể thấy rằng những trang thông tin này vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật.

Liên quan đến việc thành lập nhóm trên Facebook và các hoạt động của nhóm này được cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý như nào, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Mai – Công ty Luật Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Việc thành lập các nhóm, group trên mạng xã hội đang trở nên rất dễ dàng, một tài khoản Facebook có thể thành lập diễn đàn mời bạn bè tham gia. Tuy nhiên diễn đàn này hoạt động thế nào dường như đang bị thả nổi, luật sư đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Mai: Hiện nay hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Báo chí (gián tiếp), Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Theo đó, khoản 22, Điều 3, Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã quy định cụ thể “Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác” và quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng dịch vụ internet cũng như các trang mạng xã hội gồm:

“1. Lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích:

a) Chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo;

b) Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác do pháp luật quy định;

d) Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

đ) Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; truyền bá tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm bị cấm;

e) Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc quản lý dịch vụ internet và hoạt động các trang mạng xã hội không phải là đang bị thả nổi, những trang thông tin này vẫn hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và việc thành lập các diễn đàn, các nhóm trên mạng xã hội cũng tuân theo khuôn khổ này.

Việc quản lý dịch vụ internet và hoạt động các trang mạng xã hội không phải là đang bị thả nổi, những trang thông tin này vẫn hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và việc thành lập các diễn đàn, các nhóm trên mạng xã hội cũng tuân theo khuôn khổ này. (Ảnh minh họa trên internet).
Việc quản lý dịch vụ internet và hoạt động các trang mạng xã hội không phải là đang bị thả nổi, những trang thông tin này vẫn hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và việc thành lập các diễn đàn, các nhóm trên mạng xã hội cũng tuân theo khuôn khổ này. (Ảnh minh họa trên internet).

Vấn đề quan ngại diễn đàn mạng xã hội là kiểm soát comment, theo luật sư diễn đàn mạng xã hội lập ra không kiểm soát được comment bình luận, các status…ai phải chịu trách nhiệm?

Mỗi diễn đàn, mỗi group đều do một người/ nhóm người hoặc một tổ chức thành lập, quản lý. Những người này sẽ quản lý, kiểm soát comment, bình luận. Tuy nhiên họ chỉ phải chịu trách nhiệm nếu nội dung, hoạt động mà họ đưa ra vi phạm điều cấm của pháp luật, hoặc có nội dung kích động. Còn những bình luận, comment của các tổ chức, cá nhân khác tại các diễn đàn này sẽ do các tổ chức cá nhân đó tự chịu trách nhiệm.

Điều 26, khoản 4, Nghị định 72/2018 đã quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của chủ sử dụng mang xã hội: “Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.”

Như vậy, mặc dù là mạng xã hội, mang tính chất “ảo” khó kiểm soát nhưng nó cũng tương tự như đời sống thực, mỗi một chủ sử dụng sẽ phải chịu trách nhiệm với phát ngôn, hành vi của mình trên mạng xã hội.

Có ý kiến cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải có can thiệp vào mạng xã hội như Facebook yêu cầu kiểm soát diễn đàn trên mạng xã hội này, ví dụ muốn thành lập các nhóm, thành lập các group phải có điều kiện. Quan điểm của luật sư về vấn đề này thế nào?

Theo tôi thì việc đặt ra quy định về điều kiện thành lập các nhóm, các group trên mạng xã hội là không cần thiết và không mang tính khả thi. Bởi: như tôi đã nói ở trên, việc sử dụng các trang mạng xã hội, việc thành lập các nhóm, thành lập các group đã nằm trong khuôn khổ của pháp luật do đó việc quy định điều kiện này là không cần thiết. Hơn nữa, trang mạng xã hội là một trang thông tin mang nhiều tính chất “ảo”, hầu hết do các tổ chức nước ngoài thành lập như trang Facebook, Twitter, Instagram… Việc can thiệp vào hoạt động của các trang mạng này sẽ tương đối khó khăn, mặt khác, hiện nay để thành lập một group tại mạng xã hội sẽ chỉ cần một vài cú click chuột, do đó nếu muốn tạo ra quy định về điều kiện để thành lập các group này sẽ không mang tính khả thi.

Chính vì sự không cần thiết và thiếu tính khả thi nên với quan điểm của tôi thì không nên đưa ra điều kiện để thành lập các group.

Xin cảm ơn Luật sư!

Nguyễn Dương (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm