Hình ảnh mô phỏng sóng bức xạ điện thoại di động đẹp lung linh huyền ảo
(Dân trí) - Trước câu hỏi “thế giới sẽ trông như thế nào nếu sóng bức xạ điện thoại di động có thể nhìn thấy được”, hoạ sĩ Nickolay Lamm đã hợp tác với hai Giáo sư về kỹ thuật điện và khoa học máy tính để trả lời thông qua các tác phẩm nghệ thuật của mình.
Tiếp sau việc phát hành loạt hình ảnh mô phỏng về sóng WiFi vào tháng Bảy vừa rồi, thứ Tư vừa qua hoạ sĩ Lamm đã hoàn thành phần tiếp theo về loạt các hình ảnh mô tả các thành phố và địa danh nổi tiếng của Mỹ khi nhìn thấy được bức xạ điện thoại di động thông qua các hình học với nhiều lớp màu đẹp mắt và kỳ ảo.
Được biết hoạ sĩ Lamm đã làm việc với hai giáo sư về kỹ thuật điện và khoa học máy tính là GS Danilo Erricolo tại trường Đại học Illinois bang Chicago và GS Fran Harackiewicz tại Đại học Southern Illinois ở Carbondale để có được hình ảnh minh họa chính xác (các bạn có thể tham khảo thêm về giải thích kỹ thuật cho các hình ảnh này tại địa chỉ MyVoucherCodes.com).
Họa sĩ này đã giải thích các bức ảnh như sau.
Bên dưới là hình ảnh về một "lưới lục giác của các nhà trạm thuê bao di động" bao phủ toàn bộ thành phố Chicago. Các nhà trạm, thường được gọi là tháp điện thoại di động, được đặt tại các góc của mỗi hình lục giác trong mạng lưới nhà trạm khổng lồ của thành phố Chicago. Hình ảnh này cũng cho thấy "tín hiệu ăng-ten vượt ra ngoài các góc ban đầu" và bao phủ một phần của hồ Michigan.
Một bài viết trước đây trên trang tin The Atlantic Cities đã giải thích về việc các mạng điện thoại di động trên khắp đất nước được tạo thành từ nhiều vùng theo hình lục giác, mỗi khu vực như vậy được gọi là một tế bào. Mạng lưới hình lục giác hoạt động rất hiệu quả: mỗi tháp điện thoại di động nằm ở giao điểm của ba tế bào và mỗi ba anten được định hướng trên đỉnh mỗi tháp điện thoại di động sẽ có thể bao phủ mặt cắt khu vực lên đến 120 độ.
Với trụ sở chính của Bộ Thương mại tại Washington thì hoạ sĩ Lamm đã tập trung vào bản chất của bức xạ phát ra theo 3 hướng của một tháp điện thoại di động. Các màu sắc khác nhau đại diện cho tần số khác nhau của bức xạ, cho phép người dùng điện thoại di động thực hiện cuộc gọi một cách thoải mái.
Hình bên dưới minh họa đường chân trời của thành phố New York, cho thấy cách thức các trạm phát sóng di động trên nóc các tòa nhà bao phủ thành phố đông đúc này ra sao.
Còn đây là khoảng cách phục vụ của một trạm phát sóng di động tỏa trên đồi Hollywood Hills.
Hiện nay việc tìm được một nơi không có sóng điện thoại di động đang ngày càng khó khăn. Trong năm 2012, Ngân hàng Thế giới đã thông báo rằng sóng điện thoại di động đã bao phủ đến ba phần tư lượng người trên trái đất và con số này đang ngày càng tăng.
H.Nam
Theo HuffingtonPost