Hiểu đúng các thông tin thời tiết, khí hậu

Khai thác các bản tin dự báo khí tượng thủy văn nhanh chóng, chính xác sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc phòng chống, giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.

Công tác dự báo bão còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh minh họa

Công tác dự báo bão còn gặp nhiều khó khăn - Ảnh minh họa

Tại Hội thảo “Nâng cao kỹ năng phân tích, sử dụng bản tin dự báo khí tượng thủy văn” do Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia tổ chức ngày 5/9, các chuyên gia đã thảo luận về tầm quan trọng của công tác dự báo và nâng cao kỹ năng diễn giải, phân tích, tiếp cận và khai thác các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, hải văn, đặc biệt là các bản tin bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), lũ cho phóng viên các cơ quan báo chí truyền thông.

Qua trao đổi, những người làm công tác thông tin có thể hiểu rõ và đưa tin kịp thời, phục vụ thiết thực cho công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia Lê Công Thành, một trong những biện pháp có thể thực hiện để góp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra là chuyển tải kịp thời những thông tin về tình hình khí tượng thủy văn đến với các cấp lãnh đạo và người dân. Đồng thời, tuyên truyền để nâng cao hiểu biết của cộng đồng về các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm và cách thức phòng, tránh.

Thực tế, thông tin về khí tượng thủy văn được người dân rất quan tâm, nhưng đây là một ngành thiên về kỹ thuật, nên ít có điều kiện và chưa chú trọng tuyên truyền để người dân sử dụng thông tin hợp lý nhất, mang lại lợi ích nhiều nhất. Vì vậy, dự báo là khâu rất quan trọng trong quá trình phòng, chống thiên tai.

Theo các chuyên gia, để đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng thông tin dự báo khí tượng thủy văn, cần phải phát triển đồng bộ, có mạng lưới quan trắc tốt, hệ thống truyền tin tốt, có mô hình dự báo tốt, dự báo viên giỏi và cuối cùng là tuyên truyền, phổ biến kiến thức về việc sử dụng thông tin sao cho hiệu quả.

Lưu ý về cách thức khi sử dụng các bản tin dự báo, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng ngắn hạn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương Vũ Anh Tuấn cho biết, bão, ATNĐ không phải là một điểm mà là một vùng gió xoáy có bán kính gió mạnh đến vài trăm km. Do vậy, khi nói đến vị trí tâm bão có nghĩa là cách nó hàng trăm km đã xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Tâm bão, ATNĐ cũng là một vùng rộng bán kính từ 10 tới vài chục km. Sai số xác định tâm bão cũng đã lên đến hàng chục km, thậm chí hàng trăm km đối với những cơn bão trung bình yếu và ATNĐ nên nếu hiểu vùng nguy hiểm do bão và ATNĐ gây ra chỉ là một điểm hoặc vùng hẹp là không đúng.

Bên cạnh đó, diễn biến của bão luôn có sự thay đổi, do vậy phải luôn cập nhật thông tin mới nhất về bão, ATNĐ (các bản tin được phát liên tục 3h một lần đối với bão và ATNĐ gần bờ, 6h một lần đối với ATNĐ còn xa bờ).

Đặc biệt, thời gian dự báo càng dài thì độ chính xác càng kém. Với công nghệ dự báo hiện nay, khoảng dự báo đến 24h có thể tin cậy, các dự báo từ 24-48h có tính chất cảnh báo, ngoài 48h chỉ có ý nghĩa tham khảo.

Ông Vũ Anh Tuấn khẳng định, khi nhận được thông tin dự báo bão, ATNĐ, mọi người dân trên đất liền hay trên biển đều cần có ý thức phòng chống như nhau, thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất mà các cơ quan dự báo cung cấp để biết được các tác động của các hiện tượng thời tiết nguy hiểm.

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm