HD DVD vs. Blu-ray: Một chặng đường dài

(Dân trí) - Giới truyền thông đồng loạt đưa tin Toshiba sẽ giương cờ trắng trong nay mai, kết thúc một chặng đường dài đối đầu giữa hai định dạng HD DVD và Blu-ray. Ngược dòng lịch sử trở về những ngày đầu khi hai phe đối lập “bắn những phát súng” đầu tiên.

Blu-ray và HD-DVD là hai công nghệ DVD có công suất lưu trữ lớn khi ghi nội dung độ phân giải cao, gấp 6 lần so với chuẩn DVD trước đó. Loại DVD này có 25 GB bộ nhớ ghi trên một mặt của một đĩa đơn 12 cm, cho phép thu hình tới 13 giờ so với đĩa 4,7 GB trước đó chỉ thu được 2 giờ.

 

Khởi nguồn từ năm 2000, các công trình nghiên cứu về hai định dạng DVD tia laser xanh bắt đầu “đụng độ” nhau, chia thành hai phe hậu thuẫn với những hãng sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất trên thế giới và cả những xưởng phim lớn. Người tiêu dùng đứng giữa với vai trò trung gian.

 

Cùng điểm qua những cột mốc quan trọng trong chặng đường cạnh tranh giữa HD DVD và Blu-ray:

 

Năm 2000:

 

Ngày 5/10: Sony và Pioneer giới thiệu một đĩa quang nguyên mẫu DVR Blue tại Triển lãm Ceatec ở Nhật Bản. Định dạng này đang trong giai đoạn sơ khai để tạo nên đĩa quang Blu-ray Disc BD-RE.

 

Ngày 1/11: Sony tuyên bố phát triển đĩa quang siêu mật độ UDO (Ultra Density Optical) - một định dạng đĩa quang sử dụng tai laser xanh để ghi nội dung để thay thế đĩa quang từ tính.

 

Năm 2002:

 

Ngày 19/2: Sony dẫn đầu trong 9 hãng sản xuất điện tử lớn nhất thế giới công bố kế hoạch phát triển đĩa Blu-ray Disc.

 

Ngày 29/8: Toshiba và NEC thành lập diễn đàn DVD Forum để xây dựng địn dạng đĩa quang thế hệ mới là HD DVD.

 

Ngày 1/10: Sản phẩm mẫu của cả hai định dạng được trưng bày tại Triển lãm Ceatec (Nhật Bản). Sony, Panasonic, Sharp, Pioneer và JVC giới thiệu đầu ghi đĩa Blu-ray còn Toshiba trưng bày thiết bị có tên AOD (Advanced Optical Disc).

 

Năm 2003:

 

Ngày 13/2: Phe hậu thuẫn Blu-ray đăng ký bằng sáng chế Blu-ray với giá 20.000 USD. Bản quyền hệ thống bảo vệ nội dung với phí 120.000 USD/năm và 0,1 USD/mỗi máy.

 

Ngày 7/4: Sony ra mắt định dạng đĩa chuyên nghiệp được phát triển dựa trên Blu-ray.

 

Ngày 10/4: Sony bắt đầu thương mại hóa đầu ghi Blu-ray đầu tiên tại Nhật Bản - BDZ-S77, với giá 3.815 USD.

 

Ngày 28/5: Mitsubishi Electric gia nhập tổ chức Blu-ray Disc.

 

Năm 2004:

 

Ngày 7/1: Toshiba vén bàn đầu đĩa HD DVD đầu tiên tại CES.

 

Ngày 12/1: Hewlett-Packard và Dell lên tiếng ủng hộ Blu-ray.

 

Ngày 10/6: Ổ đĩa HD DVD-ROM đầu tiên được thương mại hóa.

 

Ngày 21/9: Sony tuyên bố đầu game PlayStation 3 sẽ được tích hợp đầu Blu-ray.

 

Ngày 29/11: Các hãng phim lớn: Paramount Pictures, Universal Pictures, Warner Bros. Pictures, HBO và New Line Cinema hậu thuẫn cho HD DVD.

 

Ngày 9/12: Hãng sản xuất phim hoạt hình Disney lên tiếng về phe Blu-ray.

 

Năm 2005:

 

Ngày 7/1: Cả hai phe hứa sẽ trình làng đầu và đĩa phim tại Bắc Mỹ vào cuối năm, nhưng kế hoạch không thành.

 

Ngày 24/3: Chủ tịch Sony lúc đó là Ryoji Chubachi, nói về những định dạng mới: “Người dùng đang tỏ ra thất vọng với hai định dạng mới. Chúng tôi sẽ không loại trừ khả năng sẽ tích hợp hoặc thậm chí là thỏa hiệp với nhau”.

 

Ngày 21/4: Sony và  Toshiba bắt đầu bàn luận về khả năng tích hợp HD DVD và Blu-ray thành một định dạng nhưng cả hai bên không thống nhất quan điểm.

 

Ngày 18/8: Hãng giải trí Lions Gate Home Entertainment và Universal Music Group quyết định ủng hộ Blu-ray.

 

Ngày 27/9: Microsoft và  Intel cân nhắc về phe HD DVD.

 

Ngày 3/10: Paramount Home Entertainment cho biết sẽ sản xuất phim trên cả hai định dạng.

 

Ngày 16/12: Hewlett-Packard từ bỏ kế hoạch về phe Blu-ray để ủng hộ cả hai công nghệ.

 

Năm 2006:

 

Ngày 4/1: Tại Triển lãm CES, Bill Gates cho biết sẽ tích hợp đầu đĩa HD DVD cho đầu game Xbox 360.

 

Ngayf 10/3: Hãng ủng hộ Blu-ray - LG khiến thế giới ngạc nhiên với thông tin sẽ phát triển đầu HD DVD.

 

Ngày 31/3: Toshiba tung ra thị trường Nhật Bản đầu HD DVD đầu tiên: HD-XA1 với giá 936 USD.

 

Ngày 11/11: PlayStation 3 tích hợp đầu Blu-ray ra đời tại Nhật.

 

Ngày 29/12: Giới tin tặc tuyên bố đã đột nhập thành công vào công nghệ chống sao chép AACS của cả hai đĩa HD DVD và Blu-ray.

 

Năm 2007:

 

Ngày 7/1: Muốn chấm dứt cuộc chiến, LG ra mắt đầu đĩa kép, hỗ trợ cả hai định dạng. Trong khi đó, Warner Bros cũng trình làng một loại đĩa tương thích với cả HD DVD và Blu-ray.

 

Ngày 17/4: Doanh số đầu HD DVD tại Bắc Mỹ đạt cộc mốc 100.000.

 

Ngày 1/8: Microsoft giảm giá đầu HD DVD dành cho Xbox 360 từ 199 USD xuống còn 179 USD và miễn phí thêm 5 phim.

 

Ngày 20/8: Paramount và Dreamworks Animation từ bỏ Blu-ray để ủng hộ HD DVD.

 

Ngày 13/9: Sony tuyên bố sử dụng định dạng Blu-ray trong tất cả đầu ghi video độ nét cao tại thị trường Nhật Bản.

 

Tháng 11: Đầu HD DVD của Toshiba giảm 100 USD trong mùa mua sắm cuối năm.

 

Ngày 11/11: Sony bán đầu Blu-ray giá rẻ dành cho PlayStation 3.

 

Năm 2008:

 

Ngày 4/1: Warner Bros sẽ tuyên bố ngừng sản xuất phim trên đĩa HD DVD và quay sang ủng hộ Blu-ray.

 

Ngày 6/1: Akio Ozaka, GĐ chi nhánh Toshiba tại Mỹ, khẳng định tại CES: “Chúng tôi đảm bảo HD DVD sẽ là định dạng tốt nhất, phù hợp nhất với nhu cầu của người dùng”.

 

Ngày 14/1: Toshiba giảm giá đầu HD DVD, xuống còn 150 USD.

 

Ngày 11/2: NetFlix và BestBuy lên tiếng từ bỏ HD DVD.

 

Ngày 15/2: Hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart cũng sẽ “chia tay” HD DVD vào tháng 6 tới.

 

Ngày 16/2: Hãng truyền hình Nhật Bản NHK cho biết Toshiba sẽ ngừng sản xuất đầu đĩa HD DVD. Các hãng truyền thông khác khẳng định Toshiba đã quyết định “giương cờ trắng đầu hàng”.

 

N.H.

Theo PCWorld, Wiki