Hãng smartphone Gionee cài mã độc trên sản phẩm trước khi bán
(Dân trí) - Một hãng smartphone Trung Quốc đã cố tình cài đặt mã độc vào trong sản phẩm của mình trước khi bán ra thị trường để kiếm tiền quảng cáo bằng cách lợi dụng người dùng.
Một tòa án tại Trung Quốc vừa công bố bản cáo trạng nhằm vào hãng smartphone Gionee (trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc), theo đó, hãng smartphone này đã cố tình cài đặt mã độc vào hơn 20 triệu smartphone được xuất xưởng trong khoảng thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2019, trước khi bán ra thị trường cho người dùng.
Theo cáo trạng của tòa án, Shenzhen Zhipu Technology, một công ty phần mềm và thuộc sở hữu của Gionee, đã hợp tác với một công ty phần mềm khác là Beijing Baice Technology để cài đặt sẵn ứng dụng Story Lock Screen trên smartphone của Gionee. Đây thực chất là phần mềm độc hại (trojan) và hoạt động âm thầm trên smartphone mà người dùng không hề hay biết.
Sử dụng loại mã độc này, Gionee có thể kiếm được tiền bằng cách hiển thị những quảng cáo không mong muốn trên sản phẩm.
Kể từ tháng 4/2019, đã có 21,75 triệu smartphone mang thương hiệu Gionee cài đặt sẵn mã độc được bán ra thị trường, tính riêng trong tháng 10/2019, con số này đã là 26.519.921 sản phẩm. Gionee và các công ty có liên quan đã thu lợi được 4,26 triệu USD bằng hình thức cài mã độc này.
Theo truyền thông Trung Quốc, hiện tòa án vẫn chưa đưa bản án cuối cùng.
Gionee là thương hiệu smartphone giá rẻ khá nổi tiếng tại các quốc gia đang phát triển. Thương hiệu này cũng từng được phân phối tại thị trường Việt Nam, nhưng hiện tại đã biến mất hoàn toàn.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên các chuyên gia bảo mật phát hiện ra mã độc được cài đặt sẵn trên các thiết bị khác nhau của Trung Quốc ngay từ khi xuất xưởng. Trước đó nhiều thiết bị công nghệ, bao gồm smartphone, máy tính bảng, máy tính... có xuất xứ từ Trung Quốc cũng đã phát hiện thấy cài đặt sẵn các phần mềm độc hại và có khả năng gián điệp, trong đó có nhiều sản phẩm được bán tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia bảo mật lo ngại rằng việc cài đặt sẵn mã độc trên smartphone để thu thập và bán thông tin cá nhân của người dùng sẽ trở thành xu thế, đặc biệt với những sản phẩm có giá rẻ bất ngờ từ Trung Quốc. Việc bán thông tin người dùng sẽ giúp các hãng sản xuất này bù đắp lại chi phí sản xuất, khi mà càng nhiều người dùng lựa chọn sản phẩm giá rẻ của họ, các hãng sản xuất này sẽ có thêm nhiều thông tin thu thập được.