Hàng chục năm sau tôi mới thấu hiểu...

(Dân trí) - Đầu tháng 6 này, Chủ tịch Microsoft Bill Gates đã quay lại Đại học Harvard để phát biểu tại lễ tốt nghiệp của các sinh viên và nhận bằng Tiến sỹ danh dự Harvard. Tại đây, có khoảng 30.000 người đã trực tiếp theo dõi sự kiện này. <i>Dân trí</i> xin giới thiệu phần chính bài phát biểu ấy.

Thưa toàn thể quý vị!

Tôi đã từng đợi giây phút này 30 năm qua, giây phút mà tôi có thể nói với cha mình rằng: “Cha ạ, con đã hứa với cha rằng rồi con sẽ quay lại trường và nhận bằng mà!”

Vâng, tôi muốn cảm ơn Harvard trong khoảnh khắc vinh dự này. Tôi sẽ “chuyển việc” trong năm tới, và thật tuyệt là cuối cùng tôi cũng có một tấm bằng cho bản sơ yếu lí lịch của mình.

Tôi hoan nghênh những sinh viên tốt nghiệp hôm nay trong việc chuyên tâm học hành để có được tấm bằng. Về phần mình, tôi thật hạnh phúc khi có người nói tôi là “Người thành công nhất trong số những kẻ rời bỏ Harvard”. Chắc vì thế mà tôi là đại diện cho họ trong buổi lễ này.

Harvard đúng là một trải nghiệm tuyệt vời với tôi. Cuộc sống hàn lâm quyến rũ. Tôi thường ngồi vào  nhiều tiết học ở các lớp khác hẳn với ngành học của tôi. Và cuộc sống kí túc thì “hay” một cách khủng khiếp. Tôi ở khu Currier House. Lúc nào cũng có nhiều người đến phòng tôi bàn luận đủ thứ suốt đêm, bởi vì mọi người biết rằng tôi đã chẳng phải lo dậy đi học vào sáng hôm sau.

Điều ấn tượng nhất ở Harvard là vào tháng giêng năm 1975, khi tôi gọi từ kí túc tới một công ty ở Albuquerque (công ty này chế tạo những máy tính cá nhân đầu tiên trên thế giới.) Tôi đề xuất bán cho họ phần mềm. Tôi lo rằng họ nhận ra mình chỉ là một cậu sinh viên ký túc và từ chối tôi. May quá khi họ đã trả lời rằng họ chưa chuẩn bị kịp, hãy gặp lại sau một tháng nữa. Thú thực là lúc đó tôi liều thôi, chứ đã viết được dòng lệnh nào đâu. Nhưng ngay sau đó, tôi cày cuốc ngày đêm trong dự án nhỏ xíu đó, đánh dấu kết thúc chặng đường học hành và bắt đầu kỉ nguyên mới tại Microsoft.

Điều mà tôi ghi nhận đặc biệt ở Harvard là việc đắm mình trong niềm phấn khích và trí tuệ dồi dào. Nơi đây tràn trề thử thách và rất rất hấp dẫn tôi. Tuy tôi bỏ đi sớm, nhưng những năm tháng đáng nhớ tại đây, với các bạn bè thân hữu, những ý tưởng đa dạng, đã giúp tôi trưởng thành lên nhiều.

Nhưng, hãy nhìn lại một cách nghiêm túc thì, có một điều mà tôi rất lấy làm tiếc.

Tôi rời Harvard mà không có sự ý thức thực sự về những sự bất bình đẳng kinh khủng trên thế giới này - những sự cách biệt lớn về chăm sóc y tế và sở hữu tài sản, cũng như cơ hội giải thoát hàng triệu người đang sống trong tuyệt vọng.

Tôi học nhiều ở Harvard về những ý tưởng mới trong kinh tế học, chính trị và những tiến bộ vượt bậc trong khoa học   

Nhưng sự tiến bộ vĩ đại nhất của loài người không phải trong những khám phá ấy, mà trong việc tìm tòi các cách để giảm bớt sự bất bình đẳng.

Tôi rời khỏi nơi đây trong khi biết rất ít về hàng triệu đứa trẻ không có cơ hội học hành đến nơi đến chốn ngay tại nước Mỹ này. Tôi cũng chẳng biết gì về hàng triệu sinh linh tại những nước đang phát triển, họ đang sống trong nghèo khổ tới mức không còn từ nào để diễn tả nổi.

Hàng chục năm sau tôi mới thấu hiểu điều đó.

Giờ đây các bạn biết nhiều hơn chúng tôi thời ấy về những sự bất bình đẳng đang xảy ra khắp nơi trên thế giới. Trong những năm tháng tại đây, ở một thời điểm công nghệ bùng nổ thế này, tôi hy vọng các bạn có nhiều cơ hội để nghĩ về cách để giải tỏa những bất bình đẳng ấy.

Hãy thử hình dung, bạn có vài giờ một tuần và vài đô la một tháng để làm việc thiện nào đó - và bạn muốn cống hiến một cách hiệu quả nhất – bạn sẽ làm gì, ở đâu?

Melinda và tôi cũng chung thách thức ấy : Làm cách nào chúng tôi có thể giúp nhiều người nhất với nguồn lực mà chúng tôi có.

Trong quá trình tìm hiểu, Melinda và tôi thấy rằng hàng triệu trẻ em đang chết mỗi năm ở những nước nghèo bởi những bệnh mà từ lâu đã bị vô hiệu hóa tại Mỹ:  Bệnh sởi, bệnh sốt rét, viêm phổi, bệnh viêm gan B. Một căn bệnh mà tôi chưa bao giờ thậm chí được nghe thấy tên: “Rotavirus”, đang giết chết nửa triệu trẻ em mỗi năm- trong số ấy không em nào ở Mỹ.

Chúng tôi sốc nặng. Giá mà hàng triệu em ấy được cứu sống, như vậy thì đáng ra thế giới phải ưu tiên để khám phá và mang thuốc thang tới cứu các em. Nhưng không, điều đó đã không diễn ra .

Nếu bạn tin rằng mỗi sinh mệnh có giá trị như nhau, thì thật hổ thẹn khi thấy rằng trong cuộc sống dường như một số người có “mạng sống” cao giá hơn, đáng cứu hơn những người khác. Điều ấy thôi thúc chúng tôi chú tâm đặc biệt vào việc thiện nguyện.

Chúng tôi băn khoăn : "Thế giới này sao lại để những đứa trẻ tội nghiệp ấy chết?”

Câu trả lời đơn giản, và thô ráp. Thị trường “vô cảm” trước cái chết của các em, một số chính phủ không để tâm tới. Vì thế các em chết bởi bố mẹ các em không có sức mạnh trên thị trường và chẳng có tiếng nói nào trong xã hội.

Nhưng bạn và tôi có cả hai!         

Chúng ta có thể tạo động lực cho thị trường mang lại nhiều lợi ích hơn cho người nghèo, nếu chúng ta có thể phát triển thể chế thị trường sáng tạo hơn. Chúng ta cũng có thể đề nghị các chính phủ trên khắp thế giới dùng  tiền thuế của người dân vào những việc giá trị hơn nhằm giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo ấy.

Nhiệm vụ này luôn rộng mở và chưa bao giờ kết thúc. Nhưng mỗi nỗ lực có ý thức để trả lời thách thức này đều góp phần làm thay đổi thế giới.

Tôi lạc quan khi nghĩ rằng chúng ta có thể làm điều này.  Nhưng một số kẻ hoài nghi nói "Sự bất bình đẳng là tất nhiên, luôn song hành với đời sống con người, đến nỗi mọi người chẳng thiết quan tâm đến chuyện này nữa.” Tôi cực lực phản đối họ.

Tất cả chúng ta ở đây trên sân trường này, đã thấy những bi kịch giằng xé tim ta, và chưa làm gì cả- không phải bởi vì chúng ta đã không quan tâm, mà bởi chúng ta chẳng biết phải làm thế nào. Nếu biết điều ấy, chúng ta có thể hành động.

Ngay cả khi với Internet và các bản tin thời sự cập nhật 24/24, nhân loại vẫn bị “nhiễu” thông tin. Khi một máy bay rơi, những viên chức ngay lập tức tổ chức họp báo. Họ hứa điều tra, xác định nguyên nhân, và ngăn ngừa những sự cố tương tự trong tương lai.

Nhưng nếu những viên chức ấy chính trực, họ sẽ phát biểu trước ống kính thế này: " Trong tổng số người chết trên thế giới ngày hôm nay bởi những nguyên nhân đáng tiếc có thể tránh được, nửa phần trăm ở trên chuyến bay này. Chúng tôi quyết tâm làm mọi điều có thể để giải quyết những vấn đề ảnh hưởng tới sự sống của một nửa một phần trăm ấy.".

Vấn đề lớn hơn không là sự cố máy bay, mà ở chỗ triệu triệu cái chết khác đang diễn ra trong khi chúng ta hoàn toàn có thể ra tay phòng tránh được.

Chúng ta không được đọc nhiều về những cái chết này. Phương tiện truyền thông bao giờ cũng tôn vinh cái MỚI - và hàng triệu cái chết đói khát kia chẳng có gì mới mẻ cả. Vì thế nó ở những vị trí quá khiêm tốn, ít có tác dụng đánh động lương tâm mọi người.

Nhưng nếu khi lương tâm bạn được đánh thức, hãy vượt qua mọi trở ngại để tìm ra giải pháp. Và khi có giải pháp thì hãy hành động; không một sự quan tâm chia sẻ nào là phí phạm cả.

Bệnh AIDS là một ví dụ. Mục tiêu, tất nhiên, là chặn đứng căn bệnh này. Vì thế các chính phủ, các công ty thuốc và các Quỹ đang cấp vốn nghiên cứu vacxin phòng chống. Nhưng công việc của họ có khả năng mất hàng thập niên, vì vậy trong khi chờ đợi, chúng ta phải hành động, phải xắn tay ngay để giúp con người tránh những hiểm họa trước khi nó tới. Thế kỷ 20 chúng ta đã chiến thắng sốt rét và bệnh lao, và chúng ta tiếp tục không ngừng suy nghĩ và hành động để đối phó với các nạn dịch mới hiện nay.

Và, sau khi tìm ra giải pháp và hành động, bạn hãy chia sẻ những thành công và cả thất bại của bạn để giúp người khác có thể rút kinh nghiệm được từ những nỗ lực ấy.

Những thành viên của Gia đình Harvard thân mến: Ở đây, trong sân trường này đang hiện hữu “bộ sưu tập” lớn  những trí thức tài năng đẳng cấp thế giới.

Nhưng để làm gì?

Không ai phủ nhận rằng các giáo viên, các cựu sinh viên, các sinh viên đang theo học và tất cả những người liên quan ở đây, đã làm nhiều cách để dùng những sức mạnh trí tuệ ấy vào việc cải thiện cuộc sống của con người trên toàn thế giới.

Nhưng chúng ta có thể làm nhiều hơn nữa không? Harvard có thể cống hiến hơn nữa  trí tuệ của mình để cải thiện cuộc sống của những người mà thậm chí chưa bao giờ chúng ta từng thấy mặt?         

Cho phép tôi có một yêu cầu tới các trưởng khoa và giáo sư- những lãnh đạo trí thức Harvard: Trong khi bạn tuyển giảng viên mới, xét trao giải thưởng, rà soát hồ sơ sinh viên cũng như chấm duyệt bằng cấp và chương trình đào tạo, vui lòng hãy tự hỏi chính mình:

Những bộ óc tuyệt vời nhất của chúng ta có được dành cho giải quyết những vấn đề lớn nhất của nhân loại không? Harvard có nên khích lệ các giảng viên khoa góp phần xóa bỏ những bất bình đẳng tồi tệ nhất thế giới hay không? Sinh viên Harvard có được học sâu về tình trạng đói, nghèo, thiếu nước sạch trên toàn cầu, hay được biết về hàng triệu trẻ em chết bởi những bệnh chúng ta có thể điều trị?         

Những kẻ nhiều “đặc ân” nhất thế giới có nên học về cuộc sống của những người ít “đặc ân” nhất thế giới hay không?

Đây là không phải câu hỏi hùng biện- bạn hãy trả lời tùy cách nghĩ của mình.

Mẹ tôi, người đã vui mừng khôn xiết ngày tôi đỗ vào đây, luôn dặn tôi phải làm nhiều việc thiện cho những người khác. Thậm chí cả khi mẹ tôi lâm trọng bệnh, bà vẫn viết thư cho vợ tôi bày tỏ tâm sự “Cho đi càng nhiều càng nhận được nhiều kì vọng”.

Thật vậy, khi bạn thấy rằng những gì chúng ta có ở đây có thể cho đi - là tài năng, là đặc ân và cơ hội- vậy thì cả thế giới có quyền để kỳ vọng không giới hạn những nỗ lực từ chúng ta.

Tôi hy vọng những bạn sinh viên tốt nghiệp hôm nay sẽ trở lại sân trường Harvard này 30 năm sau để chia sẻ những gì bạn đã làm với tài năng và nhiệt huyết của mình. Tôi hy vọng mỗi người ngồi đây sẽ tự thôi thúc bản thân không chỉ vươn tới những thành tựu tuyệt đỉnh trong nghề nghiệp, mà còn là ở việc bạn đã góp phần giảm bớt bất bình đẳng trên thế giới thế nào, bạn giúp đỡ những người thiệt thòi hơn bạn thế nào, trong khi họ cũng là những sinh mệnh đáng trân trọng như chính bạn.

Chúc mọi điều may mắn!

Kim Kim