Ham chơi Pokemon GO, người dùng Android có nguy cơ "dính" mã độc

(Dân trí) - Khi mà cơn sốt của trò chơi Pokemon GO vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, thì nhiều tờ báo nước ngoài đã cảnh bảo về nguy cơ lây nhiễm một loại mã độc có thể gây mất quyền điều khiển điện thoại khi người dùng tải về các tệp tin APK không rõ nguồn gốc.

Ham chơi Pokemon GO, người dùng Android có nguy cơ "dính" mã độc - 1

Với hình ảnh quen thuộc của những chú Pokemon vốn đã gắn liền với biết bao tuổi thơ, kết hợp cùng lối chơi sáng tạo, độc đáo của công nghệ AR (tăng cường thực tế ảo), Pokemon GO đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng game thủ trên toàn thế giới ngay khi chính thức ra mắt vào ngày 4/7 tại các khu vực Australia và New Zealand.

Mặc dù vậy, game thủ trên toàn thế giới đã nhanh chóng tìm ra cách vượt qua rào cản về địa lý, nhằm tham gia trò chơi và thu thập những con Pokemon mới bằng phương thức tải về các tệp tin APK đối với hệ điều hành Android. Tuy nhiên mới đây, nhiều tờ báo nước ngoài đã cảnh báo rằng người dùng có thể đối mặt với nguy cơ dính mã "cực độc" nếu tải về file cài đặt Pokemon GO không phải từ Google Play.

Cụ thể, trang Proofpoint cho biết loại mã độc này được gọi là DroidJack và từng được biết tới với cái tên SandroRAT - một công cụ cho phép tin tặc chiếm lấy toàn bộ quyền truy cập trên chiếc smartphone của bạn, cũng như có khả năng lấy đi một vài thông tin cá nhân lưu trữ bên trong máy.

Các DroidJack RAT từng xuất hiện nhiều lần trong quá khứ, và được đánh giá là một loại mã độc vô cùng nguy hiểm. Nhiều phiên bản biến thể của RAT còn có khả năng qua mặt những chương trình bảo mật như Symatec hay Kaspersky. Theo Proofpoint, các tệp tin APK có dính mã độc được tải lên vào ngày 7/7, tức chỉ 72 giờ sau khi trò chơi được chính thức ra mắt.

So sánh sự khác nhau giữa bản cài đặt chuẩn tải về từ Google Play và bản APK có chứa mã độc

Để tránh nhiễm phải mã độc, bạn đọc nên chú ý tránh tải về các tệp tin APK không rõ nguồn gốc. Lưu ý rằng cửa sổ cấp phép khi cài đặt trò chơi từ tệp tin APK chuẩn sẽ giống như bản cài trên Google Play, và không có các dòng yêu cầu như "điều khiển thiết bị", "truy cập tin nhắn" hay "chia sẻ thông tin hình ảnh".

Nếu như đã trót bỏ qua bước kiểm tra khi cài đặt Pokemon GO bằng tệp APK không chính thức, tốt nhất bạn nên gỡ bỏ trò chơi và chờ đợi bản cài đặt chính thức trên Google Play.

Việc các hacker lợi dụng "cơn sốt" Pokemon GO để phát tán mã độc là điều vô cùng dễ hiểu. Theo thống kê từ App Annie, Pokemon Go hiện đang là game mobile được tải nhiều nhất trên Google Play và App Store tại các quốc gia Úc, New Zealand và Mỹ. Bên cạnh đó, trò chơi còn chiếm lĩnh luôn vị trí đầu bảng trong xếp hạng doanh thu của App Store và Google Play.

Theo thống kê trong vòng 24 giờ kể từ khi Pokemon GO ra mắt, đã có hơn 200.000 lượt tìm kiếm trên Google Việt Nam, 192.000 tweet chứa hashtag #pokemon, và hơn 70.000 ảnh chụp từ trò chơi được chia sẻ trên mạng Instagram. Pokemon GO thậm chí còn xuất hiện trên bản tin của Đài Truyền Hình Quốc gia Việt Nam, và chắc chắn là sự kiện công nghệ đáng chú ý nhất tuần qua.

Nguyễn Nguyễn

Theo proofpoint

Ham chơi Pokemon GO, người dùng Android có nguy cơ "dính" mã độc - 3
Dòng sự kiện: Pokemon Go gây sốt