Giới spam tin nhắn ngán ngẩm mạng Viettel

Từ chỗ thu tiền cao hoặc hạ tỷ lệ thành công cam kết, đến nay các đầu nậu tin nhắn rác bắt đầu từ chối nhận hợp đồng phát tán trên mạng Viettel vì tỷ lệ thành công quá thấp.

Giới spam tin nhắn ngán ngẩm mạng Viettel - 1

Cuộc chiến trên “mặt trận” tin nhắn rác

Phát triển rầm rộ trong thời gian 5 năm qua, các hình thức tiếp thị quảng cáo trên điện thoại di động qua SMS biến tướng thành sự phiền toái lớn cho người dùng di động. Hàng loạt công cụ phục vụ cho việc phát tán tin nhắn rác được rao bán công khai, cho đến các sản phẩm phụ trợ như: phần mềm tự động quét số điện thoại, phần mềm gửi tin nhắn, dịch vụ cho “thuê” sim để gửi tin giá rẻ,… Tất cả tạo thành một nỗi ám ảnh cho âm thanh báo có tin nhắn trên điện thoại.

“Nửa đêm đang ngủ thì giật mình có chuông tin nhắn tới, tưởng có việc gì quan trọng lại hóa ra tin quảng cáo nhà đất”, anh Nguyễn Xuân Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) - giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, cho biết thời gian cao điểm anh có thể nhận tới gần 20 tin nhắn rác mỗi ngày. Nôm na thì cứ mở điện thoại ra thì tin nhắn rác với tin xác nhận của đối tác lẫn lộn với nhau, rất khó chịu.

Chỉ cần tìm kiếm Google một vài từ khóa về quảng cáo qua tin nhắn SMS, người dùng có thể thấy hàng nghìn đầu mối công khai dịch vụ phát tán tin nhắn rác. Số lượng, giá cả rẻ đến mức bất cứ cửa hàng nhỏ, hoặc cá nhân kinh doanh nào cũng có thể gửi tin đến hàng trăm nghìn thuê bao khác.

Cũng có nhiều website, chuyên gia, diễn đàn khuyến cáo khách hàng nên “tự cứu” mình bằng các phần mềm hoặc thủ thuật trên điện thoại thông minh. Tính năng chặn sự làm phiền của tin nhắn rác bằng các biện pháp như: Chặn theo đầu số và danh bạ; Chặn theo bộ lọc từ khóa; Cài ứng dụng tự động chặn spam... Tuy nhiên, chưa có một giải pháp nào hữu hiệu toàn diện.

Chẳng hạn, chặn đầu số theo danh bạ đôi khi sẽ bị bỏ lỡ những cuộc gọi ngoài danh bạ hoặc từ số điện thoại cố định cũng rất quan trọng đối với người dùng. Nếu sử dụng phần mềm chặn tin nhắn theo dải đầu số, theo các cụm từ “nhạy cảm” khi quảng cáo, khách hàng sẽ bị chặn cả những bạn bè dùng sim 11 số hoặc để lọt nếu người phát tán tin nhắn rác sử dụng sim 10 số để bắn tin “bẩn”. Cách thức này cũng không hề tiện lợi bởi đối tượng phát tán tin rác “lách” việc chặn spam bằng cách viết sai cú pháp tin nhắn, có thêm dấu cách ở giữa hoặc thiếu dấu...

Dấu hiệu tạm lùi khi nhà mạng vào cuộc

Từ cuối năm 2014, Bộ TT&TT có những chỉ đạo mạnh mẽ trong việc đẩy lùi nạn tin nhắn rác. Cụ thể, ngày 24/12/2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã ký ban hành Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Sau đó, Thông tư 25/2015/TT-BTTTT do Bộ TT&TT ban hành ngày 9/9/2015 đã có nhiều quy định giúp khắc phục tình trạng tin nhắn rác và tin nhắn/cuộc gọi lừa đảo gây bức xúc dư luận.

Cũng trong thời điểm này, Viettel “nhập cuộc” bằng cách trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng các bộ lọc tin nhắn rác trước khi gửi chúng đi.

“Biện pháp của chúng tôi là toàn bộ tin nhắn SMS sẽ được phân loại trước khi vào máy chủ gửi tin (SMSC). Việc phân loại này được thực hiện trên hàng trăm tiêu chí, bao gồm: mẫu kịch bản tin, tổng hợp nguồn phát tán, hành vi gửi tin của nhiều thuê bao, v.v… Đặc biệt, bộ lọc của hệ thống có thể tự động nâng cấp dựa trên những phản hồi của khách hàng nếu có trường hợp “lọt lưới”. Tức là càng triển khai, khách hàng càng ủng hộ thì hệ thống càng thông minh, và việc ngăn chặn tin rác càng hiệu quả”, thành viên của đội dự án phát triển giải pháp chặn tin nhắn rác của Viettel, chia sẻ.

Đại diện Viettel cho biết thêm, đơn vị này đã ngầm triển khai hệ thống từ tháng đầu quý IV/2015, và sau đó đã có những dấu hiệu tích cực. Đến cuối năm 2015, hầu hết các “đầu nậu” tin nhắn rác nâng giá phát tán nâng giá gửi tin nhắn rác vào mạng Viettel lên gấp 2 – 3 lần so với các mạng khác, trong khi chỉ cam kết tỷ lệ gửi được khoảng 60 – 80%. Tuy nhiên, đến đầu năm 2016 thì đến 9/10 đầu mối gửi tin được khảo sát trên địa bàn Hà Nội không còn nhận gửi tin rác trên mạng Viettel nữa vì tỷ lệ thành công quá thấp.

“Điều quan trọng là khi triển khai chặn từ mức hệ thống mạng, khách hàng đang sử dụng điện thoại cơ bản cũng được bảo vệ. Lượng người dùng điện thoại này vẫn rất lớn tại Việt Nam, nhưng lại không thể cài đặt được các phần mềm ngăn chặn nên là đối tượng chính của giới nhắn tin rác. Đến khi khó tiếp cận lượng người dùng điện thoại cơ bản thì tin nhắn rác giảm đi đáng kể”, đại diện Viettel phân tích.

Theo thống kê của Viettel, hệ thống Viettel-AntiSpam chặn được khoảng 20 triệu tin nhắn rác mỗi tháng. Số tin nhắn này cũng không đi qua hệ thống gửi tin và tính cước phí, tức là doanh nghiệp này cũng từ chối luôn hàng chục tỷ đồng doanh thu từ SMS. Tuy nhiên, đại diện của Viettel khẳng định: việc đem lại sự trải nghiệm tích cực của khách hàng quan trọng hơn, đồng thời cũng mong muốn khách hàng chung tay với Viettel cung cấp “tri thức” về tin nhắn rác. Theo đó, khi nhận được tin nhắn rác, khách hàng có thể gửi nội dung tin nhắn đến đầu số 9198 (miễn phí).

Hưng Hải