Giới hạn tin nhắn: Nhà mạng lo giảm doanh thu

(Dân trí) - Quy định về giới hạn tin nhắn khiến nhà mạng lo ngại giảm doanh thu. Các thuê bao di động tiếp tục phản ánh tình trạng ngày đêm bị tin nhắn rác tấn công.


Quảng cáo spam SMS liên mạng giá rẻ của đầu nậu. (Ảnh: TT)
Quảng cáo spam SMS liên mạng giá rẻ của "đầu nậu". (Ảnh: TT)

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang tham vấn các nhà mạng về quy định số lượng tin nhắn cần giới hạn và thời gian thực hiện gửi các tin nhắn đó. Cụ thể, hạn mức tin nhắn là số lượng tin nhắn được phép gửi đi từ thuê bao di động đến một hoặc nhiều thuê bao khác trong một khoảng thời gian.

Các hạn mức có thể được quy định áp dụng riêng biệt hoặc kết hợp. Trường hợp áp dụng kết hợp nhiều hạn mức, thuê bao chỉ cần nhắn tin vượt một hạn mức trở lên thì được coi là đã vi phạm. Bộ TT&TT cho biết, hạn mức tin nhắn có thể được điều chỉnh theo từng thời kỳ để phù hợp với thực tế.

Như vậy, các thuê bao có nhu cầu nhắn tin vượt hạn mức phải thực hiện đăng ký với doanh nghiệp viễn thông di động. Chủ thuê bao phải chịu trách nhiệm đối với hành vi phát tán tin nhắn rác từ số thuê bao của mình. Phía nhà mạng sẽ không được thu bất kỳ loại cước phí phát sinh nào đối với chủ thuê bao thực hiện đăng ký dịch vụ nhắn tin vượt hạn mức và sử dụng dịch vụ sau đó. Hiện trên thị trường đang nở rộ dịch vụ phát tán tin nhắn rác với quy mô lớn. Các đối tượng có nhu cầu phát tin nhắn rác có thể thuê dịch vụ này một cách dễ dàng và phát tán lên tới hàng nghìn tin nhắn trong 1 phút. 

Theo báo cáo Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nguyên nhân do công tác quản lý thông tin thuê bao di động, quản lý các điểm đăng ký thông tin thuê bao di động chưa được các mạng di động quản lý chặt chẽ. Tình trạng mua bán tràn lan SIM đã kích hoạt, không tuân thủ đúng quy định về khai báo thông tin thuê bao, nhưng không được các mạng di động quản lý chặt chẽ.

Quy định kiểm kiểm soát số lượng tin nhắn được Bộ TT&TT đưa ra nhằm hạn chế vấn nạn tin nhắn rác đang hoành hành và gây bức xúc cho xã hội. Nhiều phản hồi từ các nhà mạng về quy định này được đưa ra: Về chủ trương của Bộ, các mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile…đều đồng tình với quan điểm của Bộ, phải tăng cường giải pháp nhằm thắt chặt quản lý tin nhắn rác.

Tuy nhiên, quản lý ở mức độ đến đâu, nhóm đối tượng nào đang là vấn đề khiến các nhà mạng lo ngại. Bởi nếu siết quá chặt khách hàng phản ứng và chuyển sang sử dụng dịch vụ tin nhắn miễn phí OTT. Kéo theo đó, nhà mạng sẽ mất doanh thu không nhỏ. Đại diện Viettel cho rằng, không nên đặt hạn mức với khách hàng bình thường, bởi đặc thù của nhà mạng này là có nhóm khách hàng đối tượng học sinh, sinh viên rất lớn. Trong khi đó, nhu cầu nhắn tin số lượng lớn của nhóm này ở mức cao, nếu theo quy định, phải đăng ký hạn mức sẽ rất phiền hà và doanh thu dự báo sẽ giảm.

“Chỉ với 2500 đồng, thuê bao là học sinh, sinh viên được sử dụng tới 200 tin nhắn mỗi ngày. Do đó, việc mỗi ngày nhắn tới 100-200 tin nhắn là bình thường. Nếu áp dụng hạn mức tin nhắn sẽ có tác động lớn đến đối tượng này” - đại diện Viettel cho hay.

Để giải quyết tình hình Viettel nhận định đối tượng tin nhắn rác hiện nay chủ yếu là mua bán bất động sản, bán SIM số… Để đẩy mạnh hiệu quả ngăn chặn tin nhắn rác, khoảng hết tháng 6/2015, nhà mạng này sẽ đưa vào sử dụng hệ thống VMSC có thể chủ động ngăn chặn tin nhắn rác theo từ khóa, đáp ứng 10 triệu thuê bao.

MobiFone cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, nhà mạng này đã chặn 170.000 thuê bao đại diện. Còn VinaPhone cho hay, mạng này đã chặn 200.000 thuê bao trong cùng kỳ. 

Báo cáo các nhà mạng đưa ra là vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, kể từ đầu năm 2015 đến nay, nạn tin nhắn rác vẫn tiếp tục hoành hành mà không có dấu hiệu giảm. 

Phạm Thanh 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm