Gián điệp Trung Quốc cài chip siêu nhỏ để theo dõi hoạt động Amazon, Apple...
(Dân trí) - Hàng loạt hãng công nghệ Mỹ, trong đó có Amazon và Apple, đã trở thành mục tiêu theo dõi của cơ quan gián điệp Trung Quốc thông qua một con chip siêu nhỏ được cài lên hệ thống máy chủ được sử dụng bởi các hãng công nghệ này.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời nguồn tin từ những nhân viên tình báo đã về hưu hoặc vẫn đang đương nhiệm, cho biết hệ thống máy chủ trong các trung tâm dữ liệu của 30 công ty khác nhau tại Mỹ, nổi bật trong đó có Amazon và Apple, đã bị chính phủ Trung Quốc giám sát thông qua một con chip siêu nhỏ, đã được âm thầm cài vào các máy chủ này thông qua quá trình lắp ráp bởi các công ty Trung Quốc.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết những con chip này có kích thước không lớn hơn một hạt gạo, nhưng có khả năng phá hoại phần cứng mà chúng được cài vào, thu thập dữ liệu và chèn thêm những đoạn mã mới, tương tự như các loại phần mềm gián điệp. Mục đích của những con chip này là thu thập các bí mật thương mại, tài sản trí tuệ từ các công ty của Mỹ và gửi về Trung Quốc.
Theo Bloomberg, những con chip gián điệp này đã được Apple và Amazon phát hiện từ năm 2015 thông qua những cuộc điều tra nội bộ. Apple và Amazon sau đó đã âm thầm gỡ bỏ những máy chủ bị gắn chip gián điệp ra khỏi trung tâm dữ liệu của mình trước khi thông báo sự việc với nhà chức trách Mỹ. Chính phủ Mỹ sau đó đã tiến hành một cuộc điều tra tuyệt mật về những con chip gián điệp.
Nguồn tin của Bloomberg cũng cho biết những con chip gián điệp được gắn lên hệ thống máy chủ thông qua các nhà máy lắp ráp sản phẩm của Super Micro Computer (còn được biết đến với tên gọi Supermicro) tại Trung Quốc. Supermicro có trụ sở tại Mỹ, là một trong những nhà cung cấp bo mạch chính cho máy chủ lớn nhất thế giới. Cũng như phần lớn các hãng công nghệ khác, quá trình sản xuất các bo mạch chính của Supermicro được thực hiện bởi các đối tác Trung Quốc.
Các bo mạch chính của Supermicro được sử dụng rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới, từ các hệ thống máy chủ đến những sản phẩm đặc biệt như máy chụp phim MRI, các hệ thống vũ khí...
“Có thể xem Supermicro như là Microsoft của thế giới phần cứng”, nguồn tin của Bloomberg so sánh để cho thấy sự phổ biến của bo mạch chủ do Supermicro cung cấp. “Tấn công vào bo mạch chủ của Supermicro cũng như tấn công vào Windows. Đó là tấn công cả toàn thế giới”.
Bloomberg cho biết các chip gián điệp của Trung Quốc được cài đặt trên hệ thống máy chủ của ít nhất 30 công ty Mỹ, bên cạnh Apple và Amazon còn có các công ty là nhà thầu đối tác của quân đội Mỹ và cả một ngân hàng lớn tại Mỹ.
Apple và Amazon phủ nhận thông tin của Bloomberg
Sau thông tin được Bloomberg đăng tải, các bên có liên quan đã đồng loạt phủ nhận việc máy chủ của mình bị gắn chip theo dõi.
“Chúng tôi vô cùng thất vọng vì thông tin liên quan đến chúng tôi. Các nguồn tin của Bloomberg có thể đã sai hoặc không chính xác. Chúng tôi đoán rằng họ đã nhầm lẫn câu chuyện của họ với một sự cố được báo cáo vào năm 2016, khi đó chúng tôi đã phát hiện ra một trình điều khiển bị nhiễm mã độc trên máy chủ của Super Micro trong phòng thí nghiệm của mình. Sự cố được xác định là ngẫu nhiên và không phải là một cuộc tấn công nhằm vào Apple”, đại diện của Apple cho biết.
Đại diện của Amazon cũng đã phủ nhận thông tin của Bloomberg và khẳng định rằng hãng chưa bao giờ tìm thấy chip gián điệp nào được cài đặt trên máy chủ của mình do Super Micro cung cấp.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng phủ nhận liên quan đến việc cài chip gián điệp lên máy chủ để theo dõi các công ty của Mỹ.
Nhiều thiết bị phần cứng có nguồn gốc từ Trung Quốc trong thời gian qua đã bị đặt nghi vấn cài đặt sẵn các thiết bị theo dõi tại Mỹ. Chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm đối với các thiết bị di động của Huawei và ZTE vì lo ngại này.
T.Thủy
Theo Bloomberg/CNBC/The Verge