Giải mã bí mật đằng sau tốc độ 5G nhanh nhất Việt Nam của Viettel

Trường Thịnh Thu Hà

(Dân trí) - Với tốc độ truyền dữ liệu lên tới 4,7Gb/s, Viettel không chỉ một lần nữa tiên phong trong công nghệ 5G ở Việt Nam mà còn mở ra cánh cửa để đưa những ứng dụng của tương lai vào cuộc sống người Việt.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Ericsson và Tập đoàn Qualcomm Technologies, Inc. đã hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm và thiết lập thành công tốc độ truyền dữ liệu 5G đạt hơn 4,7Gb/giây. Đây là tốc độ cao nhất từ trước đến nay của mạng 5G tại Việt Nam. Điều gì đã dẫn tới tốc độ đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Chiến lược mạng lưới và Đổi mới công nghệ, Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Networks).

Giải mã bí mật đằng sau tốc độ 5G nhanh nhất Việt Nam của Viettel - 1

Việc thử nghiệm thành công mạng 5G với tốc độ 4,7Gb/s, nhanh nhất Việt Nam, cao hơn so với tốc độ thử nghiệm cao nhất trước đây như thế nào và tạo ra thay đổi gì?

Tốc độ thử nghiệm trước đây của Viettel và các nhà mạng thông thường vào khoảng 1,7 - 2Gb/s. Với tốc độ truyền dữ liệu 4,7Gb/s, thử nghiệm mới nhất lần này nhanh gấp từ 2 tới 3 lần so với các thử nghiệm trước đây. Nó đủ đáp ứng các nhu cầu tương lai của khách hàng, chẳng hạn như trong các lĩnh vực robot tự hành hay xe tự lái.

Các nhà mạng hàng đầu thế giới đều chia sẻ quan điểm rằng hành vi lưu lượng của người dùng 5G trong tương lai sẽ tăng hàng chục lần so với 4G. Công nghệ này cho phép các nhà mạng có giải pháp tốt để tăng dung lượng ở khu vực đông khách hàng như quảng trường, khu công nghiệp, sân vận động, các tuyến tàu điện ngầm….

Ngoài ra, giải pháp này cũng góp phần thay thế mạng cố định sử dụng cáp quang ở các vị trí không thể triển khai hoặc có chi phí triển khai lớn như các vùng sâu, vùng xa…

Quá trình hợp tác giữa Viettel với Ericsson và Qualcomm có khó khăn gì là điển hình và các bên đã vượt qua như thế nào?

Viettel đã bắt tay với 2 tập đoàn hàng đầu thế giới để thử nghiệm công nghệ 5G trên tần số milimeter wave (mmwave). Trong quá trình hợp tác, thách thức lớn nhất chúng tôi gặp phải nằm ở giai đoạn tích hợp hệ thống.

Để đạt tốc độ tương đương 95% tốc độ lý thuyết của công nghệ, việc tích hợp các hệ thống mạng vô tuyến, mạng lõi và các máy chủ kiểm thử rất phức tạp, nhất là khi chúng ta phải tối ưu tham số tại mạng truy nhập vô tuyến để đạt tốc độ cao nhất.

Đội ngũ kỹ sư Viettel, Ericsson và Qualcomm đã làm việc rất nỗ lực và nghiêm túc, thậm chí thức nhiều đêm để tối ưu tham số mới có thể đạt tốc độ 4,7Gb/s. Chúng tôi phải nghiên cứu, thử nghiệm liên tục trong phòng lab, căn chỉnh, đánh giá nhiều tính năng kỹ thuật khác nhau. Đây là các tính năng lần đầu được triển khai trên mạng lưới. Thậm chí, số nhà mạng triển khai công nghệ này trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Giải mã bí mật đằng sau tốc độ 5G nhanh nhất Việt Nam của Viettel - 2

Công nghệ 5G mmwave cần bao lâu để đi từ phòng thí nghiệm vào cuộc sống?

Thực tế, công nghệ này có thể đưa vào triển khai trong cuộc sống sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành việc quy hoạch tần số milimeter wave và cấp phép cho các nhà mạng triển khai.

Bên cạnh công nghệ 5G mmwave này, chúng tôi cũng phát triển các công nghệ kết nối khác, chẳng hạn như 5G độc lập, tính toán tại biên cho khách hàng tại Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, các công ty phát triển ứng dụng, công ty khởi nghiệp, các nhóm nghiên cứu và trường đại học đã được Viettel giới thiệu công nghệ này. Họ tỏ ra rất hào hứng với việc phát triển các ứng dụng như xe tự lái, robot tự hành trên công nghệ 5G với tốc độ 4,7Gb/s này.

Giải mã bí mật đằng sau tốc độ 5G nhanh nhất Việt Nam của Viettel - 3

Ngoài thử nghiệm tốc độ mới của 5G, Viettel có kế hoạch tạo ra các dịch vụ mới gì để phục vụ người dùng Việt Nam?

Song song với việc chứng minh khả năng làm chủ công nghệ hiện đại, chúng tôi cũng đang phối hợp với các đối tác như Qualcomm, Intel hay các công ty khởi nghiệp nghiên cứu ứng dụng 5G tại Việt Nam để bắt đầu phát triển các dịch vụ đột phá trên hạ tầng mạng 5G. Đó là các dịch vụ như xe tự lái, robot tự hành trong nhà máy công nghiệp, camera giám sát sử dụng 5G, các dịch vụ giải trí như thực tế ảo, thực tế tăng cường, video 360 độ….

Trong phòng lab của Viettel có đầy đủ các thành phần hỗ trợ công ty phát triển ứng dụng, từ kit phát triển cho thiết bị đầu cuối, kết nối 5G, kết nối Internet vạn vật, nền tảng xử lý dữ liệu lớn, hạ tầng máy chủ và tính toán tại biên. Có thể nói, hiện tại, Viettel đã tạo ra môi trường đầy đủ và phong phú để hỗ trợ cho công ty khởi nghiệp và các nhóm nghiên cứu bên ngoài.

Giải mã bí mật đằng sau tốc độ 5G nhanh nhất Việt Nam của Viettel - 4

Các startup sẽ có lợi ích như thế nào trong việc sử dụng phòng lab của Viettel để nghiên cứu các giải pháp số của họ?

Phòng lab của Viettel vận hành theo mô hình mở. Các sản phẩm, ý tưởng từ các nhóm và đơn vị phát triển bên ngoài sẽ được hỗ trợ các nguồn lực, điều kiện vật chất và công cụ để hoàn thiện ý tưởng. Chỉ cần ý tưởng gửi tới Viettel được đánh giá là thú vị, chúng tôi sẽ hỗ trợ để biến thành nó thành sản phẩm thực sự.

Khi một nhóm hoặc công ty khởi nghiệp có ý tưởng xuất sắc, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ các bộ kit để phát triển các thiết bị đầu cuối. Đây là các bộ kit để lập trình ứng dụng như điều khiển robot công nghiệp, ứng dụng sử dụng vật thể bay (drone) để khảo sát các thông số nguồn nước, không khí hay vận chuyển hàng….

Các công ty lập trình ứng dụng trên bộ kit này. Trong khi đó, các kết nối 5G được cung cấp miễn phí để có thể kết nối vào mạng Viettel. Ngoài ra, chúng tôi còn hỗ trợ nền tảng xử lý dữ liệu lớn. Như các bạn đã biết, 5G và Internet vạn vật (IoT) sẽ cung cấp một lượng dữ liệu khổng lồ. Chúng tôi có nền tảng, module tự động để xử lý dữ liệu lớn cho các ứng dụng.

Cuối cùng là hạ tầng máy chủ, công nghệ thông tin để bắt đầu đưa ứng dụng vào thực tế với việc đáp ứng nhu cầu cho một số lượng khách hàng nhỏ. Ngoài ra, các tri thức về mạng lưới 5G, IoT sẽ được Viettel chia sẻ cho các nhóm phát triển ứng dụng nhằm đảm bảo các ứng dụng có thể tích hợp và hoạt động trên mạng Viettel một cách thuận lợi nhất.