1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Gặp tác giả của những ý tưởng làm đẹp cầu bắc qua sông Hàn

(Dân trí) - Đầu Rồng có thể chuyển động phun lửa chói sáng, phun nước theo điệu nhạc; thân cầu quay Sông Hàn sẽ sống động hơn với hệ thống phun nước đẹp mắt; chuỗi quán café dọc theo cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi…

Đó là những ý tưởng làm đẹp những cây cầu bắc ngang sông Hàn (Đà Nẵng) của nhà sáng chế Phan Đình Phương - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Khoa học Công nghệ An Sinh Xanh.

Nhà sáng chế Phan Đình Phương với ý tưởng làm mới những cây cầu Đà Nẵng
Nhà sáng chế Phan Đình Phương với ý tưởng làm mới những cây cầu Đà Nẵng

Nhà sáng chế Phan Đình Phương có lẽ không lạ với giới khoa học công nghệ Đà Nẵng. Từ những ý tưởng biến thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao trong thực tiễn như sáng kiến ướp tinh động vật, máy thu hồi khí xăng, xe thu gom vật liệu, quét rác, máy chữa cháy đa năng…

Ông Phương đã sở hữu hàng chục bằng sáng chế do Việt Nam và Hoa Kỳ cấp. Công ty CP KHCN An Sinh Xanh của ông Phương cũng là đơn vị được giao phụ trách hệ thống phun nước của Cầu Rồng (Đà Nẵng) hiện nay. Lần này, những ý tưởng độc đáo với mong muốn làm đẹp thêm những cây cầu bắc ngang sông Hàn (Đà Nẵng) chuẩn bị mang trình bày với lãnh đạo chính quyền TP Đà Nẵng của ông Phương tiếp tục gây chú ý.


Clip: Nhà sáng chế Phan Đình Phương nói về ý tưởng làm mới những cây cầu ở Đà Nẵng

Suốt cuộc trò chuyện hơn hai giờ đồng hồ, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi những ý tưởng và ý tưởng nối tiếp nhau theo những nhịp cầu bắc ngang sông Hàn của nhà sáng chế. Ông Phương không nói suông, mà mỗi ý tưởng của ông đều được mô phỏng bằng bản vẽ chi tiết của cộng sự là một cử nhân ngành kiến trúc.

“Tôi trình bày những ý tưởng và cộng sự thực hiện bản vẽ. Những bản vẽ phải đi khảo sát thực tế và chỉnh sửa không biết bao nhiêu lần mới hoàn thiện, trúng ý” - ông Phương nói về quá trình thực hiện những bản vẽ thiết kế làm mới cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi.

“Hàng ngày, nhất là vào mùa cao điểm du lịch ở Đà Nẵng, rất nhiều người dân và du khách tản bộ dọc theo bờ sông Hàn. Thế nhưng người ta cứ đi qua mà chưa thực sự dừng lại lâu ở một điểm nào. Nếu những cây cầu bắc ngang sông Hàn sống động hơn, “có hồn” hơn, tôi chắc là Đà Nẵng sẽ thêm hấp dẫn, người ta sẽ dừng lại thưởng thức vẻ đẹp của những cây cầu - điểm nhấn trong kiến trúc tổng thể toàn thành phố lâu hơn. Ví dụ như cầu quay sông Hàn hiện nay, nếu có thêm hệ thống phun nước tạo hình xoáy như chong chóng quay hai bên thành cầu, rồi đài phun nước giữa sông…, cây cầu “có hồn” hơn hẳn chớ” - ông Phương bắt đầu với ý tưởng làm đẹp cầu quay sông Hàn.

Bản vẽ ý tưởng thiết kế hệ thống phun nước dọc thân cầu quay Sông Hàn

Bản vẽ ý tưởng thiết kế hệ thống phun nước dọc thân cầu quay Sông Hàn
Bản vẽ ý tưởng thiết kế hệ thống phun nước dọc thân cầu quay Sông Hàn

Thiết kế ánh sáng về đêm cho cầu quay Sông Hàn
Thiết kế ánh sáng về đêm cho cầu quay Sông Hàn

Ông Phương đưa ra bản vẽ ý tưởng hệ thống phun nước dọc thành cầu quay Sông Hàn, hệ thống tận dụng những kết cấu cơ khí sẵn có và ứng dụng công nghệ vừa tiết kiệm vừa hiệu quả như đang ứng dụng thực tiễn với hệ thống phun nước hiện nay của Cầu Rồng. “Với sáng chế công nghệ lấy nước từ hệ thống nước sinh hoạt của TP tạo thành hơi, tăng thể tích lên 1.500 lần, lưu lượng 4000m3/phút và phun nước tạo hiệu ứng mưa xuân, chi phí cho một đêm 3 lần phun nước của Cầu Rồng hiện nay là 50 nghìn đồng. Thực hiện hơn 200 đêm rồi, hệ thống vẫn hoạt động trơn tru, chưa một lần trục trặc” - ông Phương nói khi chúng tôi bày tỏ ái ngại chi phí vận hành hệ thống phun nước cho cầu quay Sông Hàn nếu ý tưởng của ông thành hiện thực sẽ khá tốn kém.

Đầu Rồng theo ý tưởng của ông Phương có thể chuyển động phun lửa, phun mưa
Đầu Rồng theo ý tưởng của ông Phương có thể chuyển động phun lửa, phun mưa

Bản vẽ kết cấu mới của đầu rổng với pittong xoay đầu rồng
Bản vẽ kết cấu mới của đầu rổng với pittong xoay đầu rồng

Nhà sáng chế lại cho chúng tôi xem tiếp những bản vẽ ý tưởng làm mới Cầu Rồng. Theo đó, đầu rồng sẽ được thiết kế lại với một vật liệu rất nhẹ (nhẹ hơn nước) nhưng rất bền chắc và có thể dễ dàng chuyển động với một pit-tông. Ông Phương chia sẻ về một hệ thống phun lửa với với một nhiên liệu tạo hiệu ứng ánh sáng chói sáng, không khói, không ô nhiễm  mỗi trường. Và ý tưởng đầu rồng sẽ phun nước theo giai điệu của âm nhạc tùy từng dịp lễ Tết, ngày kỷ niệm… chứ không phải trăm đêm như một.

“Phải chứng kiến cảnh hàng trăm hàng ngàn người đứng kín một khoảng bờ sông ngóng đợi khoảnh khoắc đầu rồng phun lửa phun mưa ở Đà Nẵng mới thấy người ta hào hứng như thế nào với cái mới, cái độc đáo…” - ông Phương kể về những lần đứng giữa biển người chờ xem Cầu Rồng phun lửa, phun mưa

Với cầu Nguyễn Văn Trỗi - một trong những cây cầu gắn bó lâu đời nhất với lịch sử Đà Nẵng, nhà sáng chế Phan Đình Phương đưa ra phương án hình thành cầu đi bộ. Trong đó, phần tổng thể được giữ nguyên bản kết cấu với màu vàng đặc trưng, lưu giữ hình ảnh vốn có của cây cầu như giữ gìn một kỷ vật quý báu của Đà Nẵng. Đồng thời, tận dụng kết cấu thừa trước đây vốn là cầu đường sắt đã dở bỏ để hình thành chuỗi quán café dọc theo thân cầu, tạo thêm điểm dừng chân lý tưởng để nhìn toàn cảnh Đà Nẵng. Phía dưới sông, bố trí đài phun nhạc nước theo chuyển động của ánh sáng. Mặt cầu được bố trí thành công viên công viên có cây xanh, ghế nghỉ, mái che…

<span style=mso-bidi-font-size:
12.0pt;line-height:115%>

Bản vẽ ý tưởng làm mới cầu Nguyễn Văn Trỗi với định hướng hình thành cầu đi bộ
Bản vẽ ý tưởng làm mới cầu Nguyễn Văn Trỗi với định hướng hình thành cầu đi bộ

Bản vẽ ý tưởng làm mới cầu Nguyễn Văn Trỗi với định hướng hình thành cầu đi bộ
Ý tưởng thiết kế hệ thống phun hơi nước kết hợp với ánh sáng tự nhiên tạo hình cầu vồng dọc theo thân cầu

Hoặc theo phương án thứ hai, về cơ bản giống phương án 1, tuy nhiên, có thiết kế thêm phần khung thép và kính tạo thành một hình xoắn theo toàn bộ thân cầu. Khu vực sàn nâng hình tròn bố trí quán cà phê được thiết kế thêm phần khung sắt hình vòm có lợp kính tạo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng, mặt khác người sử dụng có thể ngắm cảnh khi trời mưa…Các khối hình cầu này cũng tạo thành một thể thống nhất với cầu Nguyễn Văn Trỗi, nếu nhìn từ xa vẫn không ảnh hưởng đến mỹ quan chung của cầu Trần Thị Lý vì chiều cao của các khối vòm vừa phải.

“Khi tôi chia sẻ ý tưởng làm mới cây cầu của mình với những người dân và du khách dừng chân trên cầu. Họ thích lắm!:- ông Phương chia sẻ. Một trong những ý tưởng đặc biệt hấp dẫn người nghe khi nhà sáng chế Phan Đình Phương nói đến là hệ thống phun hơi nước dọc thân cầu để kết hợp với ánh sáng tự nhiên vào buổi sáng sớm hay buổi chiều hình thành cầu vồng nhân tạo.

Những ý tưởng làm đẹp những cây cầu bắc ngang sông Hàn của ông chưa biết có thể thành hiện thực hay không song đó thực sự là những ý tưởng độc đáo, ấn tượng. “Có cách nào làm tốt hơn không? Nói không là chặn đứng sự sáng tạo”- Một trong những câu ghi chú nơi góc làm việc của nhà sáng chế Phan Đình Phương để lại ấn tượng với chúng tôi cùng với ấn tượng về những ý tưởng  làm đẹp những cây cầu bắc ngang sông Hàn của ông.

Khánh Hiền

(Ảnh bản vẽ do nhân vật cung cấp)