Gần một nửa số sản phẩm của Google chỉ là "thử nghiệm"?
(Dân trí) - Google nổi tiếng với việc giữ sản phẩm trong trạng thái thử nghiệm lâu quá mức cần thiết, và giờ đây "thói quen" đó đã "lây lan" cho gần một nửa số dịch vụ gã khổng lồ này cung cấp.
Google vốn có truyền thống giữ mác "thử nghiệm" (beta) cho sản phẩm của mình lâu hơn hẳn các hãng khác. Nhưng bất cứ ai bỏ chút thời gian tìm hiểu cũng đều "giật mình" với... 49 sản phẩm trong tình trạng "thử nghiệm", tương đương 45% toàn bộ những gì Google cung cấp! 49 sản phẩm này không bao gồm Google Labs, vốn là "sân chơi" cho các sản phẩm mới nhất. Nếu tính cả Google Labs, Google có tới 57% số sản phẩm/dịch vụ vẫn nằm mang mác "thử nghiệm".
Dễ hiểu tình trạng "thử nghiệm" của một số sản phẩm, như Knol (tương tự Wikipedia), Google Alert (cung cấp tin tức về Google qua email), Custom Search (tìm kiếm trên website bằng search engine của Google), và tất nhiên cả trình duyệt web Chrome. Nhưng nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu biết những dịch vụ sau đây, dù rất nổi tiếng và được nhiều người sử dụng, vẫn .. chỉ là sản phẩm thử nghiệm: Gmail (thư điện tử), Google Docs (phần mềm văn phòng), Orkut (mạng xã hội), Google Finance (thông tin tài chính). Chúng đã quá quen thuộc, đến mức không ai để ý tới chữ "beta" nho nhỏ gắn kèm mỗi logo nữa.
Logo các sản phẩm nổi bật nhất của Google đều kèm theo chữ "beta"
"Thử nghiệm" (beta), theo từ điển Webster có nghĩa "một sản phẩm mẫu gần hoàn thiện". Nhưng Google có vẻ đang "tự định nghĩa" chữ "thử nghiệm" theo khái niệm của riêng mình. Gmail đã xuất hiện từ tháng Tư năm 2004, từ một dịch vụ chỉ đăng kí qua thư mời đến đăng kí rộng rãi; Orkut "trình làng" lần đầu tiên vào tháng 1/2004. Cả Gmail lẫn Orkut đều đã có mặt 4 năm nay, không chỉ đầy đủ mà còn có những tính năng vượt trội so với đối thủ - nhưng chúng vẫn chỉ là "sản phẩm thử nghiệm". Đáng chú ý nhất có lẽ là cả Gmail lẫn Google Docs đều cung cấp dịch vụ có trả phí thông qua Google Apps. Ngoài Google, không một hãng nào khác chào bán sản phẩm ngay trong giai đoạn "thử nghiệm", vốn được hiểu là chỉ "gần hoàn thiện" này.
Giải thích cho việc Google là trường hợp "độc nhất vô nhị" giữ đến gần nửa số sản phẩm/dịch vụ mình cótrong trạng thái thử nghiệm, thậm chí với cả sản phẩm đã sinh lời, một phát ngôn viên Google cho biết: "Các sản phẩm tiêu dùng buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn nội bộ rất cao trước khi chấm dứt giai đoạn thử nghiệm. Đội ngũ thực hiện sẽ phải nỗ lực cải thiện sản phẩm, mang tới trải nghiệm tuyệt vời hơn nữa cho người dùng. Chúng tôi tin rằng chữ "thử nghiệm" có ý nghĩa khác khi áp dụng cho các dịch vụ Web, khi người dùng luôn mong đợi sản phẩm được cải tiến liên tục. Trên Web, bạn không cần phải đợi phiên bản mới ra mắt theo đúng hẹn. Sản phẩm sẽ được cập nhật ngay khi có thể. Thay vì mô hình phần mềm đóng gói của thế kỉ trước, ngày nay chúng ta có các sản phẩm được cập nhật, cải tiến đều đặn, bổ sung chức năng mới liên tục trong một thế giới điện toán mây"
Quả thật, các ứng dụng web có thể được cập nhật cực kì dễ dàng và đều đặn do toàn bộ phần mềm và phần cứng đều nằm trên máy chủ web chứ không phải ở phía người dùng. Nhưng giữ sản phẩm trong trạng thái "thử nghiệm" quá lâu có thể tạo cảm giác "không đảm bảo", khiến người dùng ngần ngại hoặc thậm chí bị đối thủ kinh doanh lợi dụng. Sau 4 năm thử nghiệm, có lẽ đã đến lúc Gmail bỏ chữ beta ra khỏi logo của mình.
Hoàng Hải
Theo pingdom, webware