Game và sự đòi hỏi kiểm soát của phụ huynh
(Dânt trí) - Các trò chơi hay dịch vụ giải trí phải cung cấp khả năng kiểm soát thời gian và nội dung chơi của con em mình cho các bậc phụ huynh (<i>parental control</i>) đang dần trở thành quy định bắt buộc tại nhiều nước.
Vụ giết người vì game gây bàng hoàng tại Thái Lan là lời cảnh tỉnh các cấp quản lý về các trò chơi bạo lực nguy hại. Nhưng chỉ siết chặt không đủ, mà còn cần phối hợp từ phụ huynh, trong đó phổ biến nhất là sử dụng công cụ kiểm soát đã có sẵn.
Khái niệm "cho phép phụ huynh kiểm soát" (parental control) là các chức năng cài sẵn trong dịch vụ truyền hình số, trên máy tính, trong trò chơi điện tử (video game), hoặc các phần mềm máy tính kết nối Internet, giúp các bậc cha mẹ theo sát và kiểm soát thời gian biểu của con em.
Theo đó, họ có thể chặn các kênh truyền hình có nội dung không phù hợp, giảm bớt mức bạo lực và sex trong trò chơi điện tử, ngăn ngừa truy cập các website xấu độc hại, hoặc thậm chí tự động cắt bỏ các đoạn chửi thề trong game và phim.
Bài viết này chỉ tập trung vào hệ thống đánh giá game và chức năng parental control trên các phương tiện giải trí chủ yếu: game trên PC, các máy chơi game chuyên dụng, và trò chơi nhập vai trực tuyến nhiều người chơi.
Tương tự như phim ảnh, trò chơi điện tử cũng có hệ thống đánh giá phân loại riêng của mình, mà nhiều bậc phụ huynh ít để ý khi mua trò chơi cho con em. Game được bán tại các cửa hàng game tại Việt Nam chủ yếu bằng tiếng Anh hoặc Nhật có nguồn từ Mĩ và Nhật Bản, hai quốc gia sử dụng hệ thống đánh giá ESRB và CERO.
Luật pháp hai quốc gia này qui định tất cả các sản phẩm được bán ra đều phải in logo đánh giá tại vị trí dễ thấy trên bìa đĩa, cũng như hiển thị trong game ngay trước khi chính thức chơi.
Theo đó các game đánh giá bằng ESRB có dán nhãn M (Mature- trưởng thành) và game theo CERO xếp loại D trở lên dành cho người trên 17 tuổi.
Những game rơi vào mức đánh giá này có thể có mức độ bạo lực rất cao: giết người tự do, máu vương vãi cùng các đoạn cơ thể bị cắt rời, ám chỉ tình dục, chửi thề v.v..
Đặc biệt, game gắn nhãn AO (Adult Only) chỉ dành cho người lớn trên 18 tuổi với các cảnh sex được phô diễn rất tự nhiên. Các máy chơi game phổ biến đều cấm bán loại game này.
Trái với sự "thờ ơ" khi mua game của nhiều bậc phụ huynh tại Việt Nam, đa số các cửa hàng bán game tại Mĩ đều yêu cầu xuất trình chứng minh nhân dân hoặc có người lớn đi cùng nếu muốn mua game dán nhãn M trở lên.
Thật dễ hiểu tại sao nhiều người phàn nàn game con em mua về "vượt quá mức độ bạo lực cho phép".
Ngoài hệ thống đánh giá nội dung trò chơi, bản thân các máy chơi game cũng có cài sẵn các phương tiện giúp các bậc phụ huynh giới hạn sự "nghiền game" của con em mình, ví dụ như trên máy chơi game Xbox 360 có sẵn chức năng giới hạn thời gian chơi game (Parental Timer). Chức năng này giúp các bậc phụ huynh giới hạn thời gian chơi game của con em trên máy Xbox 360 theo ngày hoặc theo tuần.
Các phương tiện hỗ trợ theo dõi - kiểm soát hoạt động của trẻ trên máy tính cũng cực kì phong phú. Ví dụ như như KGB Spy, không chỉ kiểm soát giờ sử dụng máy tính, mà còn có thể ghi lại các đoạn chat và lưu lại các website trẻ đã viếng thăm, giúp các bậc cha mẹ hiểu rõ thói quen của con em hơn. Chính Microsoft cũng nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này khi đưa chức năng parental control vào trong Windows Vista.
Những nhà cung cấp game trực tuyến có trách nhiệm luôn gắn kèm phần mềm kiểm soát hoạt động chơi game vào sản phẩm. Lấy ví dụ World of Warcraft, trò chơi nhập vai trực tuyến nhiều người chơi nhất thế giới có cơ chế parental control khá mạnh giúp các bậc phụ huynh lập thời gian biểu chơi game cho con em. Thời gian biểu này được lưu trực tiếp trên máy chủ, yêu cầu trẻ tuân thủ mọi lúc mọi nơi, dù đăng nhập vào game trên máy tính khác.
Như vậy, trái với suy nghĩ chung, các bậc phụ huynh không thiếu phương tiện theo sát hoạt động giải trí của con em. Rất tiếc, những chức năng này lại thường bị "phớt lờ", hoặc không được biết tới, dẫn đến sự "bất lực" rất đáng tiếc trước hành vi của trẻ.
Hoàng Hải