Flappy Bird - Quá trình từ xuất hiện đến khi trở thành “hiện tượng”

(Dân trí) - Xuất hiện trên kho ứng dụng App Store từ tháng 5 năm ngoái, tuy nhiên Flappy Bird chỉ được biết đến và trở nên nổi tiếng trong ít tuần gần đây. Cùng nhìn lại quá trình thăng trầm của trò chơi đang tạo nên những “cơn sốt” này.

Mặc dù “cha đẻ” Nguyễn Hà Đông đã quyết định khai từ trò chơi Flappy Bird do chính mình tạo ra tuy nhiên tên tuổi của Flappy Bird vẫn đang tạo nên những “cơn sốt” trong giới công nghệ và truyền thông, khi hàng loạt các trang web và tờ báo lớn vẫn liên tục đưa tin về trò chơi này.

Với sự vươn lên mạnh mẽ và bất ngờ nổi tiếng của Flappy Bird, hàng loạt các trang báo lớn đã đưa ra nghi vấn về việc Nguyễn Hà Đông sử dụng “mánh khóe” để tăng lượt download cũng như lượt đánh giá về trò chơi. Tuy nhiên, dựa vào 68.000 lượt bình luận trên iTunes trước khi Flappy Bird bị gỡ bỏ vào ngày 10/2 vừa qua, trang công nghệ Mashable khẳng định Hà Đông không sử dụng bất kỳ “mánh khóe” nào để qua mặt Apple, giúp tăng thứ hạng trên kho ứng dụng của App Store.

Chính điều này càng làm cho sự nổi tiếng của Flappy Bird trở nên đáng chú ý hơn, và việc Nguyễn Hà Đông quyết định gỡ bỏ trò chơi của mình trong khi vẫn đang tạo nên “cơn sốt” càng khiến nhiều người cảm thấy kinh ngạc và ngỡ ngàng hơn.

Cùng nhìn lại quá trình hình thành của Flappy Bird và tìm hiểu tại sao trò chơi này lại trở thành một hiện tượng như vậy.

Sự khởi đầu của Flappy Bird

Quay trở lại vào tháng 11/2012, vào thời điểm này, Hà Đông đã chia sẻ lên trang Twitter của mình một hình ảnh, cho biết anh đang bắt đầu xây dựng những dự án game mới. Nếu chú ý kỹ vào bức ảnh được Hà Đông đăng tải có thể thấy rõ hình ảnh của chú chim Flappy Bird, xuất hiện cùng với các nhân vật trong các game khác do Hà Đông xây dựng.

Hình ảnh được Hà Đông chia sẻ lên Twitter vào tháng 11/2012
Hình ảnh được Hà Đông chia sẻ lên Twitter vào tháng 11/2012

Đến tháng 4/2012, Hà Đông lần đầu tiên chia sẻ về dự án game có tên gọi Flap Flap dành cho nền tảng iOS.  Trò chơi với hình ảnh đồ họa mang phong cách cổ điển trước đây và Hà Đông cho biết anh chỉ mất 2 ngày để xây dựng trò chơi này. Đây chính là tiền thân của Flappy Bird ngày nay.

Hình ảnh về game Flap Flap, tiền thân của Flappy Bird
Hình ảnh về game Flap Flap, tiền thân của Flappy Bird

Một tháng sau, đến ngày 24/5/2013, Hà Đông chính thức đăng tải ứng dụng của mình lên kho ứng dụng App Store với tên gọi Flappy Bird. Hình ảnh của game không có nhiều thay đổi với hình ảnh của Flap Flap mà Hà Đông đã chia sẻ trước đó, ngoại trừ việc ứng dụng đã mang một tên mới.

Tĩnh lặng trước cơn bão

Trước khi trở thành một “hiện tượng”, Flappy Bird đã có một thời gian dài “chìm nghỉm”.

Sau khi ra mắt game Flappy Bird, Hà Đông dường như bỏ rơi cả tài khoản Twitter của mình lẫn game và Flappy Bird cũng không thực sự gây được ấn tượng. Theo số liệu thống kê trên App Store (trước khi trò chơi bị gỡ bỏ), tính từ 25/5 đến 31/10/2013, Flappy Bird chỉ có 13 lượt bình luận cũng như chỉ thu hút một lượt ít số lượng tải. Thực tế, Flappy Bird dường như “vô hình” trên kho ứng dụng App Store.

Vào tháng 9/2013, Hà Đông phát hành bản nâng cấp đầu tiên của Flappy Bird để khắc phục một vài lỗi cũng như thêm biểu tượng của ứng dụng dành cho nền tảng iOS 7. 

Đến đầu tháng 11/2013, “phép màu” bất ngờ xảy ra với Flappy Bird khi game xếp vị trí thứ 1469 ở thể loại “Game gia đình” (nghĩa là phổ biến thứ 1469 trong danh mục “Game gia đình” trên App Store của Apple). Một vài ngày sau đó, lần đầu tiên tài khoản Twitter của Hà Đông có một bình luận liên quan đến trò chơi Flappy Bird của mình, từ một người chơi.

Ngày 14/11/2013, Flappy Bird bất ngờ vươn lên vị trí thứ 393 trong danh mục “Game gia đình” trên kho ứng dụng App Store và bắt đầu gây được sự chú ý, số lượng và lượng bình luận về trò chơi bắt đầu tăng cao. 

Bắt đầu được chú ý

Ngày 3/12/2013, Flappy Bird chính thức xuất hiện trên biểu đồ thứ hạng tổng thể của kho ứng dụng App Store, đứng vị trí 1308 về độ phổ biến tính riêng tại Mỹ, xếp vị trí thứ 74 trong danh mục “Game gia đình” và xếp thứ 395 về game tại Mỹ.

Cùng với sự tăng trưởng của Flappy Bird, Hà Đông bắt đầu quay trở lại sử dụng tài khoản Twitter để trả lời các câu hỏi và bình luận về trò chơi của mình. Ngày 11/12/2013, Hà Đông tiết lộ Flappy Bird sẽ sớm xuất hiện trên kho ứng dụng của Android. 

Ngày 13/12/2013, Flappy Bird lần đầu tiên lọt vào top 250 ứng dụng miễn phí tại Mỹ, thứ 80 trong danh mục game tại Mỹ và thứ 14 trong danh mục Game gia đình trên App Store.

Trở nên nổi tiếng

Phải đến đầu năm 2014, Flappy Bird mới trở nên nổi tiếng và trở thành một “hiện tượng” trên toàn cầu. Vào ngày 10/1/2014, Flappy Bird đạt được cột mốc quan trọng khi lọt vào top 10 ứng dụng phổ biến nhất tại Mỹ, xếp vị trí thứ 8 trong danh mục ứng dụng miễn phí tại Mỹ và xếp thứ 6 trong danh mục game miễn phí.

Nhiều nhà phát triển ứng dụng đến Flappy Bird và đặt ra câu hỏi cho Hà Đông trên Twitter của anh. Nhiều người đã thắc mắc muốn biết Hà Đông đã sử dụng cách thức nào để quảng bá cho Flappy Bird, tuy nhiên Hà Đông khẳng định anh không tiến hành quá trình quảng bá cho game. Vào thời gian này, Hà Đông cũng liên tục bày tỏ sự phấn khích của mình vì Flappy Bird liên tục tăng hạng và anh đã gửi lời cám ơn đến những người chơi và ủng hộ Flappy Bird.

Tính đến 13/1/2015, lượng tải Flappy Bird tăng chóng mặt, đạt mức tăng trưởng 136% sau mỗi ngày. Đến 17/1/2014, Flappy Bird chính thức trở thành ứng dụng miễn phí số 1 tại Mỹ trên kho ứng dụng App Store của Apple.

Biểu đồ tăng trưởng thứ hạng của Flappy Bird trên App Store
Biểu đồ tăng trưởng thứ hạng của Flappy Bird trên App Store

Với sự thành công ngoài mong đợi trên iOS, đến 22/1, Hà Đông chính thức cho ra mắt Flappy Bird phiên bản dành cho Android. Và chỉ trong một tuần, Flappy Bird nhanh chóng trở thành ứng dụng được download nhiều nhất trên kho ứng dụng Google Play.

Đến cuối tháng 1, truyền thông quốc tế mới bắt đầu chú ý đến Flappy Bird, một trò chơi có xuất xứ tại Việt Nam đang “làm mưa làm gió” trên thị trường người dùng quốc tế. Trang web Kotaku, một trong những trang web uy tín về game là trang web đầu tiên viết bài về Flappy Bird và sự thành công bất ngờ của trò chơi miễn phí này. 

Ngay sau đó, hàng loạt trang báo lớn và các trang công nghệ uy tín như The Huffington Post, Telegraph, Mashable, TheVerge… cũng đã bắt đầu đưa tin về “hiện tượng” Flappy Bird.

Vào thời điểm này, Flappy Bird cũng bắt đầu tạo nên một “cơn sốt” trên Twitter, khi từ khóa “Flappy Bird” đạt mốc 500.000 lượt nhắc đến chỉ trong một ngày. Điều này cho thấy lượng người chơi đông đảo của Flappy Bird trên toàn cầu.

Ngày 1/2/2014, Flappy Bird trở thành game miễn phí số 1 trên App Store tại 53 quốc gia khác nhau. Thậm chí, ngay cả Apple cũng đã chú ý đến sự thành công của Flappy Bird và đã đăng tải một đoạn thông điệp về Flappy Bird trên trang Twitter chính thức của hãng.

“Chúng tôi được được 99 điểm. Số điểm kỷ lục của bạn là bao nhiêu”, Apple đăng tải trên trang Twitter của hãng vào ngày 6/2/2014.

Đoạn thông điệp về game Flappy Bird được Apple đăng tải lên Twitter chính thức của hãng
Đoạn thông điệp về game Flappy Bird được Apple đăng tải lên Twitter chính thức của hãng

Tâm điểm của sự chú ý

Chỉ trong 2 tháng đầu của năm 2014, Flappy Bird đạt hàng triệu lượt download mỗi ngày trên cả iOS lẫn Android. Sự thành công của Flappy Bird khiến Nguyễn Hà Đông trở thành “mục tiêu săn đuổi” của truyền thông quốc tế lẫn truyền thông tại Việt Nam.

Trong thời gian đầu, Hà Đông vẫn khá cởi mở chia sẻ về sự thành công của Flappy Bird. Giới truyền thông và không ít nhà phát triển ứng dụng muốn hỏi Hà Đông về sự thành công của Flappy Bird. Tuy nhiên, theo anh, sự thành công của trò chơi chủ yếu nhờ vào sự may mắn do anh không hề thực hiện hình thức nào để quảng bá cho trò chơi.

“Tôi không biết làm thế nào mà trò chơi của mình trở nên phổ biến. Phần lớn những người chơi là trẻ em đang đi học. Tôi muốn gửi lời cám ơn đến những người đã chơi và chia sẻ trò chơi này”, Đông cho biết trong bài trả lời phỏng vấn với trang công nghệ TechCrunch.

Tuy nhiên, không ít người thậm chí các trang web lớn đặt ra nghi vấn về việc Hà Đông gian lận trong việc tăng lượt tải và lượng đánh giá về trò chơi. Tuy nhiên, Hà Đông vẫn khá điềm đạm trong việc phản hồi những ý kiến mang tính tiêu cực này. 

Trả lời ý kiến của Carter Thomas, một nhà markerting ứng dụng về việc Hà Đông sử dụng các phần mềm tự động giúp tăng lượt tải và đánh giá của Flappy Bird, Hà Đông trên Twitter: “Tôi tôn trọng ý kiến của ông ấy. Thật tó khi đọc được các bình luận, kể cả bình luận của ông ấy”.

Sự quan tâm thái quá của giới truyền thông góp phần “giết chết” Flappy Bird
Sự quan tâm thái quá của giới truyền thông góp phần “giết chết” Flappy Bird

Tuy nhiên, sự quan tâm quá mức của giới truyền thông về sự thành công của Flappy Bird đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của Hà Đông. Đến đầu tháng 2, Hà Đông bắt đầu từ chối trả lời phỏng vấn của các tờ báo trong và ngoài nước.

“Truyền thông đã phản ứng thái quá về sự thành công trò chơi của tôi. Đó là điều mà tôi không bao giờ muốn. Xin hãy để tôi yên”, Hà Đông chia sẻ trên trang Twitter của mình vào ngày 4/2/2014.

Cái giá của sự thành công

Tên tuổi của Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông một lần nữa tạo nên những “đợt sóng” tranh luận khi trang công nghệ TheVerge chia sẻ thông tin cho biết doanh thu của Hà Đông từ Flappy Bird đạt 50.000USD mỗi ngày. Con số của TheVerge đưa ra đã lập tức gây nên những tranh luận nhiều chiều về Flapp Bird trên cộng đồng mạng trong và ngoài nước.

Hàng loạt người dùng Twitter đã bày tỏ sự ủng hộ lẫn chê bai Hà Đông qua trang Twitter của anh về khoảng thu nhập “khủng” mà TheVerge tiết lộ. Ban đầu Hà Đông vẫn trả lời các bình luận bằng sự hài hước, tuy nhiên, Hà Đông cho biết càng ngày anh càng nhận được nhiều lời bình luận thiếu khách quan, mỉa mai, chê bai, quấy rối, thậm chí nhiều bình luận… dọa giết, khiến Hà Đông cảm thấy mệt mỏi.

“Tôi thực sự xin lỗi. Tôi đã trở nên quá tải. Một người không thể xử lý tất cả mọi chuyện”, Hà Đông chia sẻ sự mệt mỏi của mình trên Twitter vào ngày 7/2/2014.

Đoạn thông điệp này của Hà Đông thay vì nhận được sự chia sẻ lại nhận được nhiều sự chê bai và chế giễu, điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng của Hà Đông. Cũng trong ngày  7/2/2014, Hà Đông chia sẻ anh sẽ sớm cho ra mắt Flappy Bird phiên bản trên Windows Phone, tuy nhiên đáng tiếc, người dùng Windows Phone đến nay vẫn chưa có cơ hội trải nghiệm Flappy Bird và nhiều khả năng sẽ không còn cơ hội trải nghiệm game này, mặc dù hiện tại đã có một số “game nhái” của Flappy Bird dành cho Windows Phone.

Sự kết thúc

Ngày 3/2, Hà Đông phát hành bản nâng cấp của game Flappy Bird dành cho iOS nhưng đến ngày 8/2 bản nâng cấp này mới được chấp thuận và xuất hiện trên App Store. Bản nâng cấp có một vài sự thay đổi về đồ họa trong game và giúp game dễ chơi hơn chút ít. 

Chỉ ít giờ sau khi phát hành bản nâng cấp của Flappy Bird được xuất hiện trên iOS, Hà Đông bất ngờ bày tỏ sự bức xúc với Flappy Bird trên Twitter của mình.

“Tôi có thể gọi Flappy Bird là thành công của mình. Tuy nhiên nó cũng đã phá hủy cuộc sống đơn giản của tôi. Bây giờ tôi ghét nó”, Hà Đông chia sẻ trên Twitter.

Rồi sau đó không lâu, Hà Đông tiếp tục khiến nhiều người bất ngờ khi tuyên bố trên Twitter anh sẽ xóa bỏ Flappy Bird trong vài giờ tới.

“Tôi xin lỗi người chơi Flappy Bird, 22 giờ tiếp theo kể từ bây giờ, tôi sẽ gỡ bỏ Flappy Bird. Tôi không thể chịu điều này thêm nữa”, Hà Đông viết trên Twitter.

Quyết định khai tử Flappy Bird khiến nhiều người tiếc nuối
Quyết định khai tử Flappy Bird khiến nhiều người tiếc nuối

Cùng với chia sẻ này, Hà Đông cũng khẳng định quyết định gỡ bỏ Flappy Bird không liên quan đến các vấn đề pháp lý, đồng thời khẳng định sẽ không bán Flappy Bird cho bất kỳ ai và anh vẫn sẽ tiếp tục phát triển game trong thời gian tới.

Và quả nhiên đến ngày 10/2 vừa qua (theo giờ Việt Nam), Hà Đông đã thực hiện tuyên bố của mình khi đồng loạt xóa bỏ Flappy Bird trên kho ứng dụng App Store và Google Play. Sau quyết định mang tính bất ngờ của Hà Đông, truyền thông trong và ngoài nước đã bày tỏ sự tiếc nuối khi Flappy Bird vẫn đang tạo nên những “cơn sốt” và vẫn đang rất được yêu thích trên toàn cầu.

Mới đây, Hà Đông đã lần đầu tiên chia sẻ về lý do đưa ra quyết định xóa bỏ Flappy Bird của mình. Theo anh, việc Flappy Bird trở nên một trò chơi “gây nghiện” thay vì trò chơi giải trí đơn thuần đã khiến anh quyết định gỡ bỏ trò chơi này.

Đến ngày hôm nay, đã một tháng kể từ thời điểm Flappy Bird lọt vào top 10 ứng dụng phổ biến nhất trên Apple Store. Tính đến thời điểm Flappy Bird bị xóa bỏ, trò chơi này đã có ít nhất 50 triệu lượt download và gần 16 triệu lượt bình luận trên Twitter.

Flappy Bird là ví dụ minh họa cho sự thành công nhờ vào mạng xã hội và truyền thông, nhưng cũng chính sự quan tâm thái quá của giới truyền thông đã góp phần “giết chết” trò chơi này.

Hy vọng với tên tuổi và những gì mà Hà Đông đã làm được với Flappy Bird, anh vẫn sẽ tiếp tục cho ra mắt những trò chơi mới tạo được tiếng vang ở trong và ngoài nước trong thời gian sắp tới.

Phạm Thế Quang Huy
Tổng hợp