Facebook đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam như thế nào?
(Dân trí) - Mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đang vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn: Quản lý nội dung thông tin; Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và Trách nhiệm thuế với Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện có gần 70% người dân Việt Nam dùng Internet, và khoảng 53 triệu người dùng Facebook. Trong đó chỉ riêng mạng xã hội Facebook từ một khái niệm còn rất xa vời vào những năm 2012, 2013, thì cho tới nay gần như không một ai không biết tới.
Mạng xã hội nổi bật với khả năng chia sẻ thông tin, kết nối nhanh chóng, đồng thời giúp người dùng truy cập một số lượng thông tin, dữ liệu khổng lồ. Tuy nhiên chỉ một bộ phận nhỏ với "năng lượng đen, xấu độc" đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội.
Tại Việt Nam trong năm 2018, việc "ném đá", nói xấu, bôi nhọ… trên mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối, dẫn tới hệ luỵ khôn lường. Bên cạnh đó, cũng có hàng nghìn clip, dòng thông báo trạng thái chứa thông tin xuyên tạc, phản cảm, sai sự thật,... hàng nghìn quảng cáo cho các hoạt động bất hợp pháp theo quy định pháp luật Việt Nam như cờ bạc online, mại dâm, buôn bán vũ khí, chất gây nghiện,...
Nguồn tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị này đã rà soát, phát hiện Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn: Quản lý nội dung thông tin; Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và Trách nhiệm thuế với Việt Nam.
Trong đó nghiêm trọng nhất là việc quản lý thông tin và cho phép quảng cáo bất hợp pháp, gây ảnh hưởng và mất cân bằng nghiêm trọng trong môi trường mạng. Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử thậm chí gián tiếp nhận định Facebook đang giết chết các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam.
Cụ thể:
Cho phép mua quảng cáo phát tán thông tin sai sự thật
Nhiều vụ việc mua quảng cáo, phát tán thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp đã xuất hiện trên Facebook trong một vài năm trở lại đây.
Facebook hiện nay cho phép người dùng mua quảng cáo trên nền tảng của mình để phát tán một thông điệp nào đó đến một nhóm đối tượng mà người đó hướng đến. Họ chính là người có thể dễ dàng làm điều này hơn bất kỳ công ty nào khác, với tập dữ liệu người dùng khổng lồ, hay còn gọi là Big Data, lên tới 2,5 tỷ người dùng trên toàn thế giới.
Nếu như một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân muốn nói xấu một doanh nghiệp khác, họ sẽ mua quảng cáo của Facebook để phát tán thông điệp đó một cách dễ dàng tới các nhóm đối tượng có thể gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thí dụ như nhóm đối tượng người dùng, nhóm bạn hàng quảng cáo, hay cơ quan quản lý nhà nước, những người có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, nhằm phát tán thông tin được sâu rộng.
Một trong những vụ việc từng để lại nhiều hoài nghi và bức xúc trong dư luận, đó là câu chuyện nhãn hàng Sting của Pepsi từng là nạn nhân của tin giả trên mạng xã hội, gây thiệt hại khá lớn cho uy tín sản phẩm cũng như thiệt hại về kinh doanh của công ty.
Theo chia sẻ từ một nguồn tin của Công ty Pepsi Việt Nam, vào tháng 7/2018, tài khoản Facebook có tên Nguyễn Công Minh đã chia sẻ thông tin về việc người này mỗi ngày uống 3 chai nước Sting trong một thời gian dài, và hậu quả là hiện nay anh ta đang bị suy thận nặng, status này suy diễn là hệ quả do sử dụng quá nhiều nước Sting.
Sau khi thông tin này được đăng lên thì nó đã lan tỏa chóng mặt trên Facebook. Chỉ trong vòng 6 ngày tin tức này đã nhận được 65.114 lượt chia sẻ trên Facebook và 93.600 lượt tiếp cận.
Công ty Luật đại diện cho Pepsi sau đó đã liên hệ với các cơ quan chức năng như Sở TT&TT TP.HCM, liên hệ với Facebook để đưa ra các bằng chứng khẳng định thông tin kia là sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng. Sau đó phải mất 7 ngày, Facebook mới gỡ thông tin giả mạo này xuống.
Pepsi từng liên tục trở thành nạn nhân của tin giả trên Facebook.
Trước đó, vào tháng 6/2016, nhãn hàng Sting cũng đã từng bị chỉ trích khi xuất hiện thông tin giả mạo từ trang tivinewstoday6.com, tung tin từ Tuyên Quang, có 15 em học sinh cấp 3 đã uống nước Sting trong giờ ra chơi, sau đó nôn ói khắp trường, 2 em bị bất tỉnh tại chỗ, nhà trường phải gọi xe cứu thương đi bệnh viện. 13 em cũng có biểu hiện tương tự và cũng phải đưa vào bệnh viện. 2 em học sinh đã tử vong do Sting có nhiều chất độc…
Sau khi xác minh, Pepsi phát hiện thấy hình ảnh bệnh viện, bệnh nhân đang nằm viện được lấy từ một trang web ở Pakistan, hình ảnh đám ma 2 em tử vong cũng là giả mạo. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Tuyên Quang cũng đã kiểm tra tất cả các bệnh viện trong tỉnh đều nhận được phản hồi là tất cả các bệnh viện trong tỉnh không tiếp nhận hay cấp cứu bất cứ trường hợp nào ngộ độc vì uống nước Sting.
Vào thời điểm đó, Pepsi đã phải rất vất vả để liên hệ với Facebook cung cấp các thông tin để Facebook gỡ bỏ tin sai sự thật, nhưng phải mất đến 7-10 ngày mới gỡ được thông tin giả mạo.
"Việc xử lý gỡ bỏ thông tin giả mạo của Facebook rất chậm khiến cho thông tin bị lan tỏa nhanh chóng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới thương hiệu và hình ảnh của nhãn hàng", đại diện Pepsi cho biết.
Cho phép rao bán quảng cáo sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, không tuân thủ luật pháp Việt Nam
Trong thời gian qua, từng có nhiều bài báo phản ánh tình trạng game cờ bạc, quảng cáo mại dâm, mua bán vũ khí, chất gây nghiện, và các món hàng cấm,.... xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới pháp luật Việt Nam.
Quảng cáo game cờ bạc, mại dâm. Miễn là cứ đóng tiền, gửi tiền vào tài khoản Facebook và đặt ra các yêu cầu rằng quảng cáo này sẽ xuất hiện với đối tượng nào, thì sẽ ngay lập tức được hiển thị lên ở nhóm khách hàng đó. Đây chính là cách Facebook hoạt động và kiếm lợi nhuận từ các quảng cáo.
Quảng cáo bất hợp pháp "nhan nhản" trên mạng xã hội.
Quảng cáo mại dâm không quá khó để tìm kiếm trên Facebook.
Theo nhận định của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), Facebook hoàn toàn có khả năng ngăn chặn các hoạt động này từ "trứng nước" thông qua việc phát hiện các từ khóa xuất hiện. Đây là điều hoàn toàn nằm trong khả năng của họ, nhưng đã không làm vì muốn kiếm khoản lợi nhuận khổng lồ từ các hoạt động này.
Từ đây, có thể nói rằng Facebook đã không tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, thu lợi bất chính từ việc cho phép game cờ bạc quảng cáo tràn lan. Không những vậy, mặc dù doanh thu từ quảng cáo ước tính của Facebook đạt 235 triệu USD, cùng với Google chiếm 66,7% thị phần quảng cáo tại Việt Nam trong năm 2018, song ông lớn này vẫn "dửng dưng" với nghĩa vụ đóng thuế.
Facebook cũng không tuân thủ các quy định khi đặt các máy chủ tại VN bằng các hợp đồng ký với các ISP không có điều khoản cam kết tuân thu các quy định pháp luật Việt Nam.
Một mặt, Facebook cũng không cung cấp thông tin các tài khoản lừa đảo, vi phạm pháp luật Việt Nam để phục vụ điều tra của cơ quan an ninh. Nếu như bị yêu cầu gỡ bỏ các nội dung xấu độc, lừa đảo,... Facebook cũng cần rất lâu để thực hiện yêu cầu này.
"Việc họ thu tiền của chúng ta là thật, họ đang vi phạm các quy định của chúng ta, gây hại cho cộng đồng của chúng ta là thật. Facebook đang gián tiếp giết chết các doanh nghiệp nội dung số, vì trong khi một bên phải chịu rất nhiều các quy định của pháp luật hiện hành đối với các doanh nghiệp trong nước, thì một đằng thì không chịu bất cứ điều gì".
Để chấn chỉnh, cơ quan quản lý dự kiến sẽ có nhiều hướng xử lý đối với những vi phạm của Facebook tại Việt Nam, trong đó bao gồm tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm, đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật, đồng thời yêu cầu bổ sung các cam kết tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam trong Thỏa thuận giữa các Nhà cung cấp dịch vụ và Facebook.
Nguyễn Nguyễn