Đứng trước nguy cơ bị “tiêu diệt”, Vietnamobile kêu cứu
(Dân trí) - Sau 12 năm tham gia vào thị trường viễn thông Việt Nam nhưng khó khăn vẫn chồng chất với nhà mạng Vietnamobile khi mới chỉ nắm giữ được 3,6% thị phần. Đứng trước nguy cơ bị “tiêu diệt”, nhà mạng này đã viết đơn kêu cứu lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thị trường viễn thông di động Việt Nam đang có sự hoạt động của 5 doanh nghiệp với quy mô khác nhau: Viettel, Mobifone, Vinaphone, Gtel và Vietnamobile. Trong đó, thị phần của Viettel là 50,6%, Vinaphone là 24,8%, MobiFone là 20,6%, Vietnamobile là 3,6% và Gtel là 0,4%.
Đến thời điểm hiện tại, Vietnamobile đã phủ sóng lên tới 91,3% dân số (2G), 81,3% dân số (3G) và đã phủ sóng 4G tại 37 tỉnh, thành phố. Tổng số trạm 3G tính đến thời điểm hiện tại là 7,345 trạm.
Nhà mạng này cho biết, để có được những kết quả trên, mạng Vietnamobile đã được đầu tư đạt gần 1,196 tỷ USD, tương đương 27.866 tỷ đồng. Điều này minh chứng cho niềm tin, nỗ lực và sự kỳ vọng của doanh nghiệp và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Trong đơn gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, bà Fong Chong Mei Elizabete, TGĐ Vietnamobile, cho biết nhà mạng này ngày càng đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt trước những chính sách bất công bằng và sự độc quyền trong cạnh tranh không cân bằng từ các nhà mạng đại diện cho khối doanh nghiệp nhà nước.
TGĐ Vietnamobile nêu ý kiến đề xuất chính sách công bằng trong việc phân bổ nguồn lực tần số vì các doanh nghiệp Nhà nước về viễn thông đang nắm giữ trên 95% quỹ tài nguyên tần số quốc gia.
Theo đó, nhà mạng này xin được phân bổ thêm băng tần 850 MHz cho Vietnamobile để tạo sự cạnh tranh cho thị trường thông tin di động Việt Nam. Nhà mạng này cũng xin có chính sách hợp lý, thỏa đáng trong đấu thầu tần số 2600 MHZ để các doanh nghiệp viễn thông di động nhỏ như Vietnamobile và Gtel có cơ hội được sử dụng băng tần này. Bà Fong Chong cũng đề xuất được thương lượng việc sử dụng chung băng tần 1800 Mhz và 2100 MHz với các nhà mạng hiện có để tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên tần số của quốc gia.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, bà Fong Chong cũng nêu rõ những bất cập trong quản lý thị trường viễn thông, trong đó có việc có nhà mạng được hưởng nhiều ưu đãi bằng các chính sách bảo hộ không công bằng.
Quan điểm của Vietnamobile là những quy định của cơ quản quản lý cần theo sát thực tế của thị trường, mà cụ thể là thị phần thực tế của doanh nghiệp. Theo đó, các khung pháp lý bao gồm các quy định về quản lý nhà nước như quy định về giá cước, cước kết nối, hoạt động khuyến mại…và toàn bộ các quy định liên quan khác áp dụng với doanh nghiệp viễn thông di động cần được xây dựng, tổ chức theo sát thực tế doanh nghiệp.
Văn bản gửi Thủ tướng của Vietnamobile cũng đề cập đến việc cần làm rõ mối liên hệ giữa giá cước trung bình và giá thành. Việc bán thấp hơn giá thành chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường theo quy định của Luật Cạnh tranh.
Nhà mạng này cũng bày tỏ lo ngại khi ba nhà mạng Viettel, Mobifone và Vinaphone đã thỏa thuận rằng các doanh nghiệp viễn thông di động trên thị trường không được bán thấp hơn 50.000 VNĐ/ tháng cho mỗi gói cước viễn thông di động. Các doanh nghiệp có thị phần nhỏ chỉ được phép bán thấp hơn 5% (tức là 45.000VNĐ/ tháng) cho gói cước viễn thông di động của mình. “Chúng tôi cho rằng việc các doanh nghiệp lớn tự bàn bạc và thỏa thuận với nhau, áp đặt mức giá bán tối thiểu để cưỡng bức nhằm tiêu diệt các doanh nghiệp nhỏ là không phù hợp với quy định của Luật Cạnh tranh (vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh về việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh), làm méo mó thị trường”, Tổng Giám đốc Vietnamobile viết.
Nhà mạng này cho rằng cần cho phép doanh nghiệp viễn thông được chủ động xây dựng gói cước viễn thông phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh; Phân loại tỷ lệ bán thấp hơn cho từng đối tượng doanh nghiệp viễn thông có thị phần khác nhau (doanh nghiệp có thị phần nhỏ thì được phép bán các gói cước viễn thông di động với mức cước thấp hơn tương ứng với thị phần).
Khôi Linh