Dùng máy in 3D, cậu bé 12 tuổi có phát kiến độc đáo trong mùa Covid-19

(Dân trí) - Rất nhiều y bác sỹ và lực lượng tuyến đầu phòng chống Covid-19 sẽ giảm tải được gánh nặng công việc nhờ vào phụ kiện vô cùng nhỏ gọn này.

Dùng máy in 3D, cậu bé 12 tuổi có phát kiến độc đáo trong mùa Covid-19 - 1

Phụ kiện độc đáo được Quinn Callander, một cậu bé 12 tuổi sản xuất hàng loạt bằng máy in 3D.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chiếc khẩu trang giống như tấm lá chắn bảo vệ, giúp mọi người từ già, trẻ, lớn bé, từ kỹ sư, công nhân, cho tới bác sỹ bảo vệ bản thân và cộng đồng trước virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, một nhược điểm của khẩu trang đó là khi đeo lâu sẽ rất khó chịu do phần dây buộc của nó thít vào vành tai, tạo ra những vết hằn và khiến máu khó lưu thông. Đối với lực lượng tuyến đầu, y bác sỹ khám chữa bệnh, họ có thể bị khẩu trang làm xước da, hay thậm chí cứa đứt rãnh tai khi phải đeo cả suốt ngày.

Trong bối cảnh đó, Quinn Callander, một cậu bé 12 tuổi sống ở Canada đã nghĩ ra một ý tưởng đơn giản, nhưng vô cùng độc đáo, có thể giúp các bác sĩ ở bệnh viện địa phương thoát khỏi sự đau đớn khi phải đeo khẩu trang cả ngày.

Dùng máy in 3D, cậu bé 12 tuổi có phát kiến độc đáo trong mùa Covid-19 - 2

Quinn Callander và phát kiến của mình.

Giải pháp của Callander là một phụ kiện bằng nhựa dẻo, có những móc nhỏ tựa hình xương cá. Sản phẩm được Callander sản xuất khá đơn giản chỉ bằng bản vẽ thiết kế và một máy in 3D đồ chơi tại nhà.

Nhờ phụ kiện này, nơi chịu lực tác động sẽ được chuyển từ vành tai lên phần đầu gáy, giúp vành tai của người dùng khỏi bị tổn thương bởi lực kéo mà chiếc khẩu trang mang lại.

Bên cạnh đó, người dùng với kích thước đầu khác nhau có thể tùy chỉnh độ bó của khẩu trang, giúp thoải mái hơn khi đeo thiết bị này.

Dùng máy in 3D, cậu bé 12 tuổi có phát kiến độc đáo trong mùa Covid-19 - 3

Cảm giác đeo dễ chịu có ý nghĩa rất lớn trong công tác bảo vệ chính chúng ta khỏi Covid-19. Một số nghiên cứu đã chứng minh các khẩu trang N95 mặc dù có khả năng bảo vệ tốt, nhưng lại làm nhân viên y tế khi đeo lâu có cảm giác khó chịu do phần dây làm dẹt, rất dễ bị cứa vào vành tai.

Điều này khiến họ cần chỉnh lại khẩu trang nhiều lần, và mỗi lần như thế lại có thêm nguy cơ bị hở, khiến virus xâm nhập.

Được biết với chiếc máy in 3D của mình, một mình Callander hiện đã sản xuất được hơn 1.700 chiếc quai đeo khẩu trang này để cung cấp cho các bệnh viện tại nơi cậu sinh sống. Cậu bé còn chia sẻ miễn phí mẫu thiết kế của nó trên trang web Thingiverse để các công ty sản xuất học theo.

Không khó để sản xuất, chi phí thấp đi kèm độ hiệu quả cao chắc chắn sẽ khiến phụ kiện này trở nên phổ biến và được ứng dụng hàng loạt tại các bệnh viện tuyến đầu, khu vực cách ly, nơi rất nhiều người đang cần chúng.

 Nguyễn Nguyễn