Dự đoán điện thoại di động của tương lai

(Dân trí) - Điện thoại di động, từ một “cục gạch” trở thành “siêu mỏng” và trào lưu của những model cao cấp với kiểu dáng “nặng tay” cùng những tính năng mạnh lại đang “lên ngôi”. Các nhà công nghệ di động đã có những dự đoán về tương lai của thiết bị liên lạc đang rất phổ biến này.

Đột phá kiểu dáng, tính năng

 

“Trong tương lai, điện thoại di động (ĐTDĐ) có thể trở thành một thiết bị cầm tay (handheld) chứ không đơn thuần là máy giao tiếp”, Rikko Sakaguchi, Phó giám đốc bộ phận sản phẩm và kế hoạch ứng dụng của Sony Ericsson, dự đoán.

 

Chang Ma, Phó giám đốc marketing bộ phận di động của hãng điện tử LG Electronics, cũng đồng tình: “Tôi cho rằng hình dáng của điện thoại sẽ không có nhiều thay đổi, tuy nhiên, kích thước, kiểu dáng sẽ là những cải tiến lớn nhất của ĐTDĐ”. Ngoài ra, giới công nghệ còn dự đoán rằng, một số tính năng, như âm nhạc hay truyền hình sẽ “khởi sắc” trên thiết bị liên lạc trong tương lai. “ĐTDĐ thế hệ mới sẽ là những model hướng tới những nhu cầu mà người dùng muốn có”, Ralph Eric Kunz, Phó giám đốc phòng multimedia của Nokia, nói.

 

Tuy nhiên, có một người cho rằng, trong tương lai, người dùng sẽ không còn dùng ĐTDĐ như là một phương tiện để tương tác với các dịch vụ khác nữa, mà “dế” có thể trở thành một điểm truy cập không dây “ẩn” trong túi quần hoặc túi xách tay, giúp kết nối Bluetooth với những thiết bị như, các máy cầm tay, bàn phím, màn hình, loa treo tường, đầu máy chơi game, hay những thiết bị muốn truy cập Internet. Hãng điện tử Nhật Bản Sanyo đang đi theo hướng phát triển này.

 

Âm nhạc, camera, TV có thể vẫn là những tính năng quan trọng nhất mặc dù không ai chắc chắc là công nghệ nào sẽ xuất hiện tiếp theo. “Rất khó để có thể khẳng định tính năng nào là quan trọng đối với con người theo từng thời điểm”, Ed Colligan, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất thiết bị cầm tay Palm, nhấn mạnh.

 

Mike Short, nhà điều hành của hãng O2 (Anh) tin rằng các lĩnh vực, như y tế, giáo dục và giao thông sẽ làm phong phú tính năng trên ĐTDĐ.

 

Trong khi đó, Dave Tansley, đối tác viễn thông của hãng Deloitte, lo ngại: “Quá nhiều model xuất hiện cũng như hàng loạt tính năng mới sẽ khiến người dùng rối bời vì không biết nên chọn loại nào và sử dụng tính năng nào. Một số tính năng mới rất phức tạp nhưng lại rất ít thiết thực. Người dùng sẽ gặp khó khăn khi muốn khi muốn thực hiện các chức năng chính, như gọi điện hay nhắn tin”.

 

Trào lưu tích hợp

 

Sự tích hợp giữa ĐTDĐ và các thiết bị văn phòng hay gia đình chắc chắn sẽ “lên ngôi”. Tuy nhiên, sự hội tụ này có thể sẽ đe dọa đến tương lai của các hãng sản xuất ĐTDĐ. “Sẽ rất nguy hiểm khi kỷ nguyên hội tụ bùng nổ. Khi đó, máy nghe nhạc MP3 hay TV sẽ được trang bị tính năng thoại (phone). Song, điều này rất khó tránh khỏi”, đại diện của LG nhấn mạnh.

 

Các nhà phân tích dự đoán, sắp tới, người dùng sẽ lựa chọn những cái gọi là “trải nghiệm” chứ không “nặng lòng” với những tính năng hay dịch vụ. Theo ông Kunz, sẽ có rất nhiều điện thoại tập trung vào tính “khám phá”, giúp tìm kiếm web hay các dịch vụ định vị. ĐTDĐ loại này thường có màn hình lớn và giao diện người dùng sẽ được thay đổi đáng kể, như được bổ sung thêm box tìm kiếm ở phía trên màn hình.

 

ĐTDĐ sẽ trở thành thiết bị giao tiếp web. Người dùng sẽ bị tác động bởi những gì đang diễn ra trên Internet, cho dù họ không biết cách nó hoạt động như thế nào, ông Sakaguchi kể: “Một cậu bé 8 tuổi thắc mắc tại sao những tấm ảnh mà cậu chụp từ điện thoại di động không hiện luôn trên website cá nhân của cậu. Các nhân viên kỹ thuật trả lời cho cậu rằng đó là do công nghệ chưa thể thực hiện được”.

 

Tuy nhiên, ĐTDĐ trong tương lai sẽ gặp rất nhiều khó khăn, như tuổi thọ pin. Một số chuyên gia ví von, ĐTDĐ sẽ giống như bộ quần áo, thay mới hàng ngày sẽ tốt hơn, đẹp hơn.

 

Cho dù ĐTDĐ sẽ thay đổi như thế nào đi nữa thì điều mà người dùng mong muốn là sẽ duy trì “sức mạnh” mà nó vốn có.

 

Hương Nguyên

Tổng hợp