ĐTDĐ Việt Nam: 3G tiến bước... chập chững

Các ứng dụng truyền thông hữu ích như điện thoại truyền hình, định vị và tìm kiếm thông tin, truy cập Internet, truyền tải dữ liệu dung lượng lớn, nghe nhạc và xem video chất lượng cao... cùng nhiều ứng dụng dịch vụ viễn thông tiên tiến khác có thể thực hiện được trên mạng di động 3G. Nhưng ở Việt Nam 3G mới chỉ đang “bước” chập chững.

Thế giới đang có 2 hệ thống 3G được chuẩn hóa song song tồn tại, một dựa trên công nghệ CDMA còn gọi là CDMA 2000, chuẩn còn lại do dự án 3rd Generation Partnership Project (3GPP) thực hiện. 3GPP đang xem xét tiêu chuẩn UTRA - UMTS Terrestrial Radio Access TS.

 

Tiêu chuẩn này có 2 sơ đồ truy nhập vô tuyến. Một trong số đó được gọi là CDMA băng thông rộng (WCDMA). Căn cứ vào những thông tin nói trên thì Việt Nam đã gia nhập vào nhóm các nước đã triển khai dịch vụ ĐTDĐ thế hệ thứ 3 (3G), đó chính là dịch vụ ĐTDĐ CDMA của nhà khai thác mạng S-Fone.

 

Tuy nhiên, công nghệ CDMA2000 1X mà S-Fone triển khai cũng chỉ được coi là giai đoạn khởi đầu của một hệ thống 3G hoàn chỉnh, vì CDMA2000 có đến ba phiên bản: CDMA2000 1X, CDMA2000 1xEV-DO và CDMA2000 1xEV-DV. CDMA2000 1X dành cho thoại và dữ liệu, hoạt động trên kênh CDMA 1,25MHz chuẩn, cho phép truyền dữ liệu đạt 307Kbps. CDMA2000 1xEV-DO là phiên bản cao hơn, tối ưu cho những dịch vụ dữ liệu dung lượng lớn và tốc độ cao dựa trên công nghệ CDMA High Data Rate (tốc độ tối đa vượt 2Mbps).

 

CDMA2000 1xEV-DV thì đạt tốc độ truyền dữ liệu vượt 10Mbps. Nghĩa là để triển khai loạt các ứng dụng có dung lượng lớn, được coi là thế mạnh của 3G ngày nay thì CDMA 2000 1X của S-Fone chưa đủ tầm. Trong khi đó, vấn đề hiện nhiều người quan tâm là bao giờ người sử dụng công nghệ GSM (chiếm 95% số người dùng ĐTDĐ tại Việt Nam) có cơ hội sử dụng 3G?

 

Nhà sản xuất “chạy” trước

 

Một lần nữa các nhà sản xuất lại đi trước các nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ, khi lần lượt Nokia, Sony Eircsson đã bán ra thị trường Việt Nam vài model ĐTDĐ hỗ trợ công nghệ 3G như Nokia 6680, 6630; Sony Ericsson Z800i, K608i... Trong khi đó loạt sản phẩm 3G Nseries dù chưa được Nokia bán chính thức tại Việt Nam cũng đang thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng, nhất là những người ưa thích công nghệ.

 

Về cơ bản, đây chỉ là sự chứng minh của các hãng cho thị trường thấy họ đã có những sản phẩm cao cấp và tích hợp các công nghệ đón đầu, chứ các nhà sản xuất cũng thừa hiểu giá trị sử dụng công nghệ 3G tại Việt Nam chưa có vì các nhà khai thác mạng chưa triển khai ứng dụng 3G. Tất nhiên, trên thế giới không chỉ có Sony Ericsson hay Nokia mà còn có Samsung, Motorola, LG... thậm chí là cả Huewei (Trung Quốc) cũng góp mặt vào nhóm các nhà sản xuất ĐTDĐ 3G với sản phẩm U626.

 

Không chỉ có các hãng sản xuất ĐTDĐ mà ngay cả Qualcomm, nhà phát triển và phát minh hàng đầu của công nghệ CDMA cũng đã có nhiều kế hoạch khuếch trương 3G tại Việt Nam. Cuối tháng 7/2005, Qualcomm loan báo sẽ mở Trung Tâm Nghiên Cứu Công Nghệ 3G đầu tiên tại Việt Nam. Thời gian đầu, trung tâm sẽ tổ chức các khóa đào tạo về phát triển 3G, giới thiệu công nghệ CDMA, WCDMA và cách lập trình trên môi trường BREW (Binary Runtime Environment of Wireless) của Qualcomm.

 

Các khóa học được thiết kế cho người đã có kinh nghiệm lập trình bằng ngôn ngữ C và C++ để thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi công nghệ 3G tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Đây cũng là một phần của dự án thúc đẩy sử dụng 3G tại châu Á mà Qualcomm giới thiệu vào năm ngoái. Chưa hết, giữa tháng 9 vừa qua, tại Hà Nội, Qualcomm đã tổ chức hội thảo và đào tạo về BREW, giới thiệu giải pháp tổng thể về dữ liệu và ứng dụng trên thiết bị di động của Qualcomm. BREW cũng chính là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các ứng dụng và nội dung của hầu hết các hoạt động 3G trên toàn thế giới.

 

Nhà khai thác dịch vụ... thử nghiệm

 

Những người bi quan đang cho rằng đến 2,5G (GPRS) mà Vinaphone và Mobifone còn chưa phát triển hoàn thiện được vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ thì đừng nói đến 3G. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng thời gian qua, cả hai nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ lớn nhất này đã tiến bước khi họ đều đã thử nghiệm các cuộc thoại 3G. Điều đó cho thấy cả Vinaphone và Mobifone đều đã quyết tâm. Vấn đề còn lại chỉ là việc họ sẽ đi hay chạy đến “đích” 3G thôi?

 

Khởi đầu là việc Mobifone phối hợp cùng Ericsson thực hiện thành công việc trình diễn các dịch vụ thông tin di động 3G vào đầu năm 2004. Nhiều ứng dụng thông tin di động 3G thú vị như điện thoại truyền hình, định vị toàn cầu và tìm kiếm thông tin, truy cập Internet, video chất lượng cao... đã được thực hiện trong môi trường mạng di động tốc độ cao.

 

Sau Mobifone, tại triển lãm Vietnam Telecomp 2004 diễn ra vào cuối năm, GPC đã kết hợp với Siemens “demo” những ứng dụng của công nghệ 3G. Ở thời điểm đó quan chức của công ty GPC, đơn vị chủ quản của thương hiệu Vinaphone cho biết, sẽ thực hiện các bước chuẩn bị để có thể thử nghiệm công nghệ 3G cho khách hàng sử dụng mạng Vinaphone vào đầu năm 2005. Và nếu không có gì thay đổi, từ những năm tiếp theo, VinaPhone sẽ chính thức triển khai dịch vụ công nghệ 3G.

 

Theo các chuyên gia trong ngành viễn thông, đường tới 3G của GSM là WCDMA. Nhưng trên con đường đó, các nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ phải trải qua giai đoạn 2,5 (2,5G). Thế hệ 2,5G bao gồm những gì? Đó là: dữ liệu chuyển mạch gói tốc độ cao (HSCSD), dịch vụ vô tuyến gói chung (GPRS - đã được Vinaphone và Mobifone triển khai hơn 1 năm nay), và Enhanced Data Rates for Global Evolution (EDGE). Sau khi triển khai GPRS, Vinaphone đang tiến hành thử nghiệm công nghệ EDGE tại 21 tỉnh, thành. Và lãnh đạo GPC cũng tiết lộ, thị trường mà Vinaphone nhắm đến trước hết là những đô thị mà người sử dụng có mức sống cao và có nhu cầu sử dụng các dịch vụ tiên tiến.

 

Nghe thì đơn giản nhưng thực tế, để triển khai 3G, một trong những khó khăn của các nhà khai thác mạng GSM là vấn đề ứng dụng. Ngoài ra, họ cũng đang phải tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Đầu tư hạ tầng có đáp ứng được nhu cầu của người dùng hay không?” Bởi triển khai 3G trên mạng điện thoại hiện hành sẽ theo hướng nâng cấp từ nền tảng cơ sở đã có. Song song với thử nghiệm còn phải xây dựng dự án đầu tư, phải có thời gian để hoàn tất thủ tục dự án... Một yếu tố nữa là khách hàng phải có máy đầu cuối thích hợp khi sử dụng công nghệ 3G trong dịch vụ thông tin di động,

 

Bên phía CDMA, ngoài S-Fone như đã nói ở trên, “ẩn số” lớn của ngành ĐTDĐ là Hanoi Telecom cũng đã nhiều lần nhắc tới việc họ sẽ sử dụng ngay công nghệ CDMA2000 1xEV-DO khi bắt đầu chính thức thương mại hoá các dịch vụ di động. Hẳn nhiên ai cũng biết CDMA2000 1xEV-DO đang gặt hái nhiều thành công trong việc triển khai các dịch vụ liên quan đến dữ liệu tại các nước đang sử dụng công nghệ này mà Hàn Quốc là một ví dụ điển hình.

 

Dù cái đích 3G có thể còn cách xa nhưng hiện cả nhà sản xuất lẫn nhà khai thác dịch vụ đều đã có những bước đi thích hợp để tiến tới 3G, vấn đề còn lại là bao giờ? Một trong những yếu tố quyết định điều này là nhu cầu và số lượng người dùng.

 

Theo Nhật Bình

PCWorld VN