ĐTDĐ hội tụ hay phân nhánh công nghệ số?

Việc tích hợp các tính năng nghe nhạc, máy ảnh và nhiều tiện ích khác trên công cụ liên lạc cầm tay phản ánh nhu cầu về một thiết bị bỏ túi “tất cả trong một” nhưng cũng đồng thời mở đường cho hàng loạt những dạng sản phẩm "lai" ra đời .

Theo thống kê của IDC, doanh số bán điện thoại thông minh toàn cầu năm 2004 đã vượt qua thiết bị kỹ thuật số cá nhân (PDA), trong khi đó lượng điện thoại camera bán ra cũng lấn lướt máy ảnh số chuyên dụng. Và cùng với việc điện thoại di động ngày một trở nên tinh xảo hơn, nhiều người bắt đầu tin rằng, không bao lâu nữa, nó sẽ “nuốt” gọn tất cả các thiết bị khác vào trong cái vỏ bé nhỏ của mình.

5 năm trước, điện thoại và PDA là những thiết bị riêng biệt: điện thoại thì không có lịch hoặc phần mềm e-mail, trong khi PDA thì không thể thực hiện cuộc gọi. Thế rồi 2 dòng thiết bị này bắt đầu hòa nhập trong những sản phẩm đầu tiên như Sony Ericsson P900 (loại điện thoại có các chức năng của PDA) và máy Treo (một loại PDA có tính năng điện thoại). Kết quả cuối cùng không phải là một thiết bị “lai” đơn nhất mà là một loạt những sản phẩm rất đa dạng với những đặc tính đan xen giữa 2 thứ này. Trong khi đó, điện thoại và PDA chuyên dụng vẫn song song tồn tại. Điều thường được mô tả là “cuộc chiến” sống còn giữa 2 loại thiết bị này thực ra lại giống như một cuộc “hôn nhân” mà kết quả là sự ra đời của một bầy con, đứa giống bố cái này đứa giống mẹ cái kia. Nếu thích một thiết bị có cả những tính năng của điện thoại và PDA thì hiện nay có vô số sự lựa chọn để người tiêu dùng lựa cho sát nhất với gu và nhu cầu của bản thân.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra với máy ảnh: một đầu thái cực là những chiếc điện thoại không camera, đầu kia là những chiếc camera không có tính năng gọi điện và ở giữa 2 đầu mút ấy cũng là một số lượng ngày càng tăng những sản phẩm lai tạp, mà phần đông về cơ bản vẫn là điện thoại nhưng được bổ sung thêm module chụp hình. Trong khi đó, những chiếc camera đầu tiên với khả năng kết nối không dây cũng đã bắt đầu xuất hiện. Ví dụ, hãng Kodak đã tung ra loại máy ảnh có tính năng Wi-Fi cài sẵn. Samsung thì phát triển loại máy ảnh có module điện thoại gắn sẵn. Tại thị trường Trung Quốc, NEC cũng đã phát hành một thiết bị tương tự.

Quá trình sinh sôi những sản phẩm “lai” từ 2 loại thiết bị chuyên dụng cũng đang bắt đầu diễn ra với điện thoại và máy nghe nhạc cá nhân. Nhiều sản phẩm mobile phone đã có chức năng nghe nhạc và hầu hết có thể lưu trữ số lượng bản nhạc khá lớn, nhất là khi được bổ sung thêm ổ cứng mini như loại điện thoại SPH-V5400 của Samsung. Ở Anh, hãng viễn thông O2 đang bán một loại máy nghe nhạc có khả năng tải bài hát từ những điện thoại ở xung quanh. Gần đây, Sony Ericsson cũng giới thiệu sản phẩm điện thoại nghe nhạc “Walkman” đầu tiên của họ với mã hiệu W800i. Trong khi đó, Apple ký thỏa thuận với Motorola để phát triển một loại điện thoại tương thích với phần mềm iTunes trên máy iPod. Cứ thế, vùng giao thoa giữa điện thoại di động và máy nghe nhạc là được xen đầy những sản phẩm mới, có một chút của cái này, một chút của cái kia.

Nhiều người cho rằng sẽ ngày càng có nhiều thiết bị điện tử mà trong đó điện thoại chỉ là bộ phận thứ yếu, giống như công cụ gửi/nhận e-mail BlackBerry hay máy chơi game N-Gage của Nokia - hai sản phẩm có thiết kế khá lạ mắt nếu xét đến mục đích gọi điện. Sony cũng đang phát triển một bộ phận điều hợp adaptor dưới dạng plug-in dùng cho máy chơi game di động PSP để cho phép sản phẩm này đóng vai trò điện thoại.

Tuy nhiên, dù tất cả những sản phẩm phái sinh như trên có phổ dụng tới đâu thì vẫn còn rất nhiều “đất” cho các thiết bị chuyên dụng duy trì ảnh hưởng. Một chiếc máy ảnh giá 400 USD sẽ luôn luôn cho chất lượng hình tốt hơn chiếc điện thoại camera cùng mức tiền, vì dẫu sao, tính năng chụp ảnh của nó chỉ là thứ yếu so với mục đích gọi điện. Tương tự như vậy, điện thoại hiện nay có thể lưu được rất nhiều bản nhạc nhưng vẫn không hẳn thay thế được hoàn toàn chiếc máy nghe nhạc cá nhân chuyên dụng của những người ưa thích âm thanh giải trí trên những chuyến đi dài. Sự thành công của iPod cũng là một minh chứng rõ ràng cho điều này.

Thêm nữa, ngoài khả năng hoạt động tốt và bền hơn do chuyên vào một vai trò, các thiết bị chuyên dụng cũng dễ sử dụng hơn so với những sản phẩm tích hợp nhiều thứ. Lại nói máy iPod chẳng hạn, chỉ làm mỗi việc là phát nhạc và nó đã làm công việc này một cách xuất sắc.

Tương lai của lĩnh vực thiết bị kỹ thuật số cá nhân sẽ khó thuộc về duy nhất những chiếc “siêu điện thoại tất cả trong một” - mặc dù chúng có thể sẽ hấp dẫn nhiều người - mà thuộc về một dải rất rộng, bao gồm đủ thứ sản phẩm, từ máy chuyên dụng cho đến những sản phẩm tích hợp vô số chức năng. Xu hướng chủ đạo có thể sẽ không phải là hội tụ hóa mà là đa dạng hóa.

Theo VnExpress