Doanh thu Công nghiệp ICT năm 2019 ước đạt 110 tỷ USD, giữ vững top 10 xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

(Dân trí) - 2019 tiếp tục đánh dấu một năm tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp ICT, trong đó riêng xuất khẩu đạt 91,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018, chiếm 81,5 % tổng doanh thu.

Doanh thu Công nghiệp ICT năm 2019 ước đạt 110 tỷ USD, giữ vững top 10 xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - 1

Bộ trưởng BộThông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, về chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm các sản phẩm Việt Nam, theo đúng định hướng “make in Việt Nam”. 

“Make in Việt Nam” trong năm vừa qua cũng được các doanh nghiệp hàng đầu cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, coi sản phẩm Việt Nam như một sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ. 

“Thương mại hoá thiết bị 5G tại Việt Nam vào năm 2020 của Viettel và Vingroup là tự hào Việt Nam, giúp Việt Nam trở thành nước thứ 5 trên thế giới sản xuất được các thiết bị 5G, qua đó là niềm khích lệ, động viên lớn lao dành cho các doanh nghiệp Việt Nam để nghiên cứu và sản xuất thiết bị công nghệ cao”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. “Chúng ta chỉ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam nếu đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ”. 

Theo báo cáo tổng kết năm 2019 và định hướng năm 2020 của Bộ TT&TT, Lĩnh vực Công nghiệp ICT có doanh thu ước tính đạt 110 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018, giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, nộp ngân sách nhà nước trên 53 nghìn tỷ đồng. 

Trong đó, các mặt hàng công nghiệp ICT đặc biệt là điện thoại và máy tính trong lĩnh vực phần cứng, điện tử vẫn giữ vững trong danh sách top 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2019, đưa ngành công nghiệp phần cứng, điện tử của Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD. 

Đối với ngành công nghiệp nội dung số, hiện doanh thu ngành công nghiệp nội dung số chiếm một phần rất nhỏ trong doanh thu ngành CNTT (chiếm 0,76% doanh thu ngành CNTT),  trong đó chủ yếu xuất phát từ thị trường xuất khẩu (chiếm doanh thu xuất khẩu chiếm 93%). Hiện doanh nghiệp nội dung số Việt Nam chưa khai thác được thị trường nội địa thị trường này đang bị chiếm lĩnh bởi các doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới lớn như Google, Facebook... 

Trong năm vừa qua, Bộ cũng đã tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, tạo một định hướng phát triển mới sáng tạo, chủ động của ngành Công nghiệp ICT. Tại Diễn đàn này, Bộ TT&TT đã chính thức tuyên bố chiến lược “Make in Viet Nam - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất”. 

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, Bộ đang có các định hướng để thúc đẩy doanh thu ngành ICT tăng từ 2-3 lần trong thời gian tới. Trong đó, nhiệm vụ đặt ra là phát triển 5 hạng mục, gồm: Tìm kiếm thông tin, mạng xã hội, trình duyệt web, hệ điều hành và phần mềm phòng chống mã độc.

Trên cơ sở đó, trong năm 2020, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu sản xuất chipset 5G, cùng một số sản phẩm công nghệ cao khác, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp nội dung số 2020-2025, thí điểm sandbox trong lĩnh vực nội dung số. 

Về mặt chính sách, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia và Chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Từ đó, Bộ TT&TT sẽ xây dựng các chỉ số đánh giá chuyển đổi số, kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0 để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy hiệu quả.

Nguyễn Nguyễn