Doanh nghiệp ICT Việt Nam cần phải "mở cõi" nếu muốn thành công

Nguyễn Nguyễn

(Dân trí) - Doanh nghiệp công nghệ Việt có nhiều lợi thế so với thị trường CNTT toàn cầu, nên cần phải mang tri thức, công nghệ Việt đi "mở cõi".

Doanh nghiệp ICT Việt Nam cần phải mở cõi nếu muốn thành công - 1

Hội nghị "Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới" kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ mang tri thức, công nghệ Việt đi "mở cõi" (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Sáng nay (23/2), tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị "Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam đi ra thế giới". Sự kiện quy tụ đại diện của những doanh nghiệp số hàng đầu tại Việt Nam như FPT, Viettel... với mong muốn cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thành công để đầu tư, làm ăn ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp ICT, Bộ TT&TT khẳng định thị trường công nghệ trên thế giới có rất nhiều cơ hội mà doanh nghiệp có thể nắm bắt. Trong khi đó, quy mô thị trường của Việt Nam quá nhỏ hẹp khi so sánh với quy mô nhân lực dịch vụ CNTT hiện nay cũng như trong tương lai.

Doanh nghiệp công nghệ Việt theo đó, không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu. Đây là lý do để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nếu muốn thành công, cần phải đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ Việt Nam đi "mở cõi".

Từ lâu, khẩu hiệu "đi cùng nhau" đã là một trong những định hướng được Bộ TT&TT khuyến khích đối với các doanh nghiệp công nghệ. Tại đó, doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ hơn, doanh nghiệp đi trước dẫn dắt doanh nghiệp đi sau. Bí quyết và chiến lược chinh phục thị trường thế giới của các doanh nghiệp tiên phong là những bài học quý giá, mở hướng cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước tự tin bước ra thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp ICT Việt Nam cần phải mở cõi nếu muốn thành công - 2

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT khích lệ các startup, công ty công nghệ số Việt (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cũng đồng tình với quan điểm trên, khi cho rằng dấu ấn Việt Nam đã được in trên bản đồ số toàn cầu, và các công ty ICT Việt nên cảm thấy tự hào. Trong đó, tiêu biểu là bước chân đầu tiên của FPT đến Ấn Độ cách đây hơn 2 thập kỷ.

Kể từ đó, FPT vẫn luôn khẳng định vị thế cánh chim đầu đàn - dẫn dắt ngành công nghệ thông tin Việt Nam trên con đường toàn cầu hóa để Việt Nam có một vị thế xứng đáng trên bản đồ công nghệ số toàn cầu. Tính đến nay, FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia, doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần.

"Hãy chu du thiên hạ. Các bạn phải đi ra nước ngoài. Nếu có thể, hãy ở sát với đối tác của bạn. Hãy học ngôn ngữ bản địa", ông Trương Gia Bình dành lời khuyên cho các startup, công ty công nghệ số Việt Nam.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) cũng cho biết Viettel đã lựa chọn để bắt đầu đi ra nước ngoài từ năm 2006. Đến nay, Viettel đã chinh phục được 10 thị trường với doanh thu dịch vụ đầu tư nước ngoài đạt gần 3 tỷ USD.

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm của Viettel, ông Thắng cho biết: Một là luôn tìm hiểu, nghiên cứu để hiểu sâu sắc về văn hóa, con người, hệ thống chính trị của các nước đầu tư; Hai là luôn thượng tôn pháp luật; Ba là phải có giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mang những thứ tốt nhất mình có ra nước ngoài cũng như phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh.

Doanh nghiệp ICT Việt Nam cần phải mở cõi nếu muốn thành công - 3

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ về kinh nghiệm đi ra nước ngoài của Viettel (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh chóng, ông Pavel Poskakukhin, đồng Chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số thuộc Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định với dân số trẻ và am hiểu công nghệ, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường châu Âu, đặc biệt là cung cấp giải pháp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, fintech…

Ông Ravi Vajpayee, đại diện phòng thương mại Ấn Độ tại Việt Nam (Incham), cũng đưa ra các khuyến nghị về nhu cầu và tiềm năng của thị trường công nghệ thông tin hiện nay. Theo ông, nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao là yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của doanh nghiệp khi tiến ra thị trường quốc tế.

Ông Kully Nelson, Phó Tham tán Thương mại, Tùy viên Kinh tế số, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, thì cho rằng thị trường công nghệ thông tin rộng lớn của Mỹ với số lượng lớn các "Big Tech", là cơ hội hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam hợp tác làm ăn.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ TT&TT cũng chính thức thành lập và ra mắt "Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài" nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra nước ngoài và phát triển hoạt động kinh doanh tại nước ngoài.