Đi học trên mạng xã hội

(Dân trí) - Cũng như hàng triệu học sinh mới bắt đầu một năm học mới, có 178 học sinh từ 49 quốc gia chọn cách “đi học” chỉ với động tác đơn giản: bật máy tính và từng bước tiến vào khuôn viên của ngôi trường “ảo” đầu tiên trên thế giới.

Đi học trên mạng xã hội - 1


Được gọi là University of the People (UoPeople - tạm dịch Trường đại học của mọi người), trường đại học online này là một tổ chức phi lợi nhuận. Trường được thành lập nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của một doanh nhân Israel, Shai Reshef, đồng thời là hiệu trưởng của trường. Shai Reshef cho biết, ông thành lập nên UoPeople là để giúp hàng trăm triệu người trên khắp thế giới có thể thực hiện giấc mơ học đại học chỉ với máy tính nối mạng Internet.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là làm thay đổi cuộc sống của mọi người”, ông Reshef nói.

Reshef hiện giữ chức chủ tịch của Cramster.com, một trang web học trực tuyến miễn phí, nơi sinh viên có thể giúp đỡ nhau làm bài tập.

Bắt đầu thực hiện ý tưởng từ năm 1989, lúc ấy, ông Reshef đang giữ chức chủ tịch Kidum Group, một công ty dịch vụ giáo dục đặt trụ sở tại Israel. Sau đó, năm 2005, Reshef đã bán Kidum Group cho Kaplan, một trong những tập đoàn giáo dục lớn nhất thế giới của Mỹ. Reshef còn điều hành một trường đại học trực tuyến liên kết với trường đại học Liverpool.

“Chúng tôi muốn trở thành sự lựa chọn cho những người không còn sự lựa chọn nào khác”, ông Reshef nhấn mạnh.

Bắt đầu tuyển sinh từ tháng 5/2009, trường UoPeople đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của mọi người. Đã có gần 2000 người đến từ 142 quốc gia trên thế giới đăng kí tham gia các khóa học. Ông Reshef còn khẳng định, trường đại học trực tuyến này sẽ cần hơn 15.000 sinh viên trong vòng 4 năm tới để được thừa nhận và sẽ cần 6 triệu USD để tiếp tục tài trợ cho dự án này, trong đó, ông Reshef sẽ tự bỏ tiền túi 1 triệu USD.

Để được nhập học, các sinh viên phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, nói được tiếng Anh và chỉ phải trả một khoản phí nhỏ khi nộp hồ sơ dự tuyển vào trường, khoảng 15 đến 50 USD. Trường quy định những học sinh đến từ các nước nghèo hơn sẽ đóng ít tiền hơn và ngược lại.

Ngoài ra, sinh viên còn phải đóng phí thi tuyển. Để hoàn thành khóa học và lấy bằng, sinh viên phải đóng khoảng 4000 USD cho 40 kì thi trong suốt khóa học.

Ban đầu trường đào tạo hai chuyên ngành là khoa học máy tính và quản trị kinh doanh. Chương trình đào tạo bao gồm 40 khóa học mà sinh viên sẽ phải mất từ 4 đến 6 năm để có thể hoàn thành.

Khóa sinh viên năm nhất trong năm học đầu tiên này bao gồm các học sinh từ 16 đến 61 tuổi. Indonesia là quốc gia có số học sinh theo học cao nhất, tiếp đến là Mỹ, Braxin và Nigeria.

Hiện nay, UoPeople đã chứng minh được trường có khả năng thu hút sinh viên theo học nhưng những thách thức tiếp theo mà trường phải đối mặt là liệu có giữ được lượng học sinh ghi danh học hay không.

“Đó là một mối bận tâm”, ông Reshef khẳng định. “Một trong những vấn đề chính của các trường đại học trực tuyến là khả năng duy trì”.

Việc học trực tuyến đã thực sự bùng nổ trong vài năm gần đây.

Năm 2007, có gần 4 triệu sinh viên tại Mỹ tham gia ít nhất một khóa học trực tuyến. Sloan Consortium, một hiệp hội phi lợi nhuận nhằm phát triển giáo dục đại học trên mạng, cho biết một thách thức mà các nhà giáo dục thường phải đối mặt là làm thế nào giữ chân được sinh viên tham gia vào các lớp học ảo.

Làm cho xã hội

Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, trường University of the People đã chuyển sang tận dụng một hoạt động đặc biệt mà hàng ngày hàng triệu người sử dụng Internet khó rời khỏi nó: mạng xã hội

Các nhân viên tình nguyện và đội ngũ giáo sư đã nghỉ hưu của trường UoPeople sẽ post các tài liệu và bài giảng trong một kho lưu trữ trực tuyến dành cho sinh viên để học có thể lấy và nghiên cứu.

Các tài liệu được cung cấp miễn phí từ các trường đại học khác thông qua những nền tảng như Open Courseware Consortium (Hiệp hội Học liệu mở). Đó là nơi để chia sẻ giáo trình, các bài giảng, bài thi và danh sách tài liệu cần đọc từ 1.800 lớp học tại MIT. Trường UoPeople còn sử dụng các tài liệu từ trường đại học danh tiếng Yale.

“Về cơ bản những gì chúng tôi làm là mang tất cả mọi thứ ra và gắn chúng lại với nhau”, ông Reshef nói.

Sau khi các sinh viên hoàn thành bài tập về nhà, bắt buộc họ phải liên kết trực tuyến với các bạn học cùng lớp để thảo luận về chương trình học trong tuần. Trừ khi một sinh viên cần sự giúp đỡ đặc biệt còn không các giáo viên sẽ chỉ giám sát các cuộc thảo luận chứ không dẫn dắt họ.

“Chúng tôi tin rằng mạng xã hội mà chúng tôi xây dựng quanh chương trình sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc để giữ chân được sinh viên cũng như những người khác trong chương trình của chúng tôi”.

“Chúng tôi đang lắp ghép những nền văn hóa hiện hành vào nền văn hóa học tập chung”.

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục trực tuyến còn băn khoăn với câu hỏi đặc biệt quan trọng xung quanh việc làm thế nào để trường UoPeople được chính thức thừa nhận.

Để được công nhận chính thức, một trường đại học phải chứng minh nó có thể đáp ứng một số quy định chuẩn về việc bảo đảm chất lượng, bao gồm cả bề rộng và chiều sâu của các khóa học cũng như kết quả kiểm tra sinh viên. Hiệu trưởng Reshef cho biết trường sẽ gửi đơn yêu cầu được công nhận chính thức đến một cơ quan Mỹ nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết của kế hoạch.

“Chúng tôi không hứa trước bất cứ điều gì”, ông Reshef nói với CNN.

John Bourne, giám đốc điều hành của Sloan Consortium tin rằng trường UoPeople có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề.

“Liệu bạn có thể công nhận một trường đại học mà ở đó sinh viên tự học từ tài liệu hay không? Có thể thế chứ”.

“Việc kiểm tra là có khả năng – những gì sinh viên có thể làm và sinh viên làm bài kiểm tra tốt như thế nào – có thể là một cách để UoPeople khẳng định sự thành công của họ trong mô hình này”.

“Nếu hoạt động và nhận được sự công nhận chính thức. Tôi vẫn nghĩ trường sẽ còn gặp khó khăn”.

Những cách mới để học

Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy trường UoPeople cũng có những lợi thế nhất định mà các trường đại học khác không có được.

Một nghiên cứu mới đây được tiến hành bởi Bộ giáo dục Hoa Kì chỉ ra rằng “ở mức trung bình, sinh viên tham gia học tập trực tuyến thể hiện tốt hơn so với những học sinh đến học tại những trường học thực sự”.

“Các phương pháp giáo dục hiện hành là dựa trên các bài giảng và đó là mô hình đã có tuổi đời hàng ngàn năm. Nó hoàn toàn không thích hợp với thế hệ mới”, Don Tapscott, tác giả của cuốn "Grown Up Digital: How the Net Generation is Changing Your World" cho biết.

“Nếu có những mô hình mới đem lại khả năng học tập tốt hơn so với mô hình hiện tại, thì mô hình cũ sẽ dần bị suy yếu”, Don Tapscott khẳng định.

“Mạng Internet là một phương thức mới của nền sản xuất. Chắc chắn Internet và giáo dục sẽ gặp nhau và tạo nên một trường đại học trực tuyến”.

Nhiều tổ chức khác cũng đang tiến hành thử nghiệm với các nền tảng Web2.0 như các mạng xã hội và blog để khai thác những con đường mà thế hệ trẻ đang tác động vào web.

Vào tháng 1, Nature Education (Trung tâm giáo dục thiên nhiên), một bộ phận của Nature Publishing Group đã trình làng Scitable.com, một website mạng xã hội được xem là “không gian tìm hiểu khoa học trực tuyến hiệp lực”. Các thành viên trên mạng này được tự do xuất bản các bài báo khoa học.

Giống như Facebook, người dùng Scitable cũng tạo hồ sơ cá nhân. Tuy nhiên, khác với Facebook, các thành viên của mạng này chia sẻ với nhau những thông tin về nghiên cứu di truyền thay vì trao đổi những bức ảnh về kì nghỉ.

Nature Education đã khởi động một dự án hướng đến việc dành sự quan tâm và thúc đẩy nhiệt huyết cho những sinh viên yêu thích khoa học, Vikram Savkar - giám đốc xuất bản của Nature Education cho biết.

“Một trong những điều chúng ta phải thừa nhận là tài liệu được cung cấp không đầy đủ cho thế hệ trẻ, những người đang lớn lên trong một thế giới mà thông tin luôn “bùng nổ””, ông Savkar nhấn mạnh.

“Chúng tôi đang tạo ra một lớp học toàn cầu về khoa học và cho phép mọi người cộng tác một cách tự do. Một trong những mục tiêu chủ chốt của chúng tôi với Scitable đó là cung cấp những nội dung và chuyên gia cộng đồng chất lượng cao để sinh viên bất kỳ nơi đâu trên thế giới cũng có thể ghé vào trang này”..

“Chia sẻ dữ liệu, chia sẻ ý tưởng và cùng đến một kết luận chung là trọng tâm của nghiên cứu khoa học. Đó là việc tận dụng kiến thức và khả năng lẫn nhau”.

Võ Hiền
Theo CNN