Di động Việt Nam: Thời của 6 giây +1

(Dân trí) - Phương thức tính cước di động theo block 6 giây + x đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, cách tính cước này đã bắt đầu được áp dụng. Đối với người sử dụng đây là một tin vui. Thị trường thông tin di động lại sôi lên hứa hẹn những cuộc cạnh tranh mới có lợi cho khách hàng.

GSM và CDMA: đều 6 giây +1

 

Từ đầu tháng 4, các nhà cung cấp dịch vụ như SPT, Viettel đã rậm rịch chuẩn bị những chiến lược kinh doanh mới, đặc biệt là về giá cước. Khi vừa có thông tin, VNPT trình Bộ Bưu chính Viễn thông phương án cước thông tin di động mới, ngay lập tức, các doanh nghiệp mới cũng trình Bộ BCVT phương án tính cước mới.

 

Mở màn cho cuộc chuyển đổi phương thức tính cước theo block 6 giây+1 là hãng S-Fone. Cụ thể, từ 14/4, tất cả các thuê bao S-Fone trả trước và trả sau hay sử dụng bất kỳ gói dịch vụ nào cũng đã được áp dụng cách tính cước này. Mức cước đối với 6 giây đầu tiên của từng gói cước không thay đổi. Kể từ giây thứ 7, cước phí cuộc gọi của các thuê bao S-Fone được tính từ 20 đến 45 đồng/giây tùy thuộc vào từng gói cước.

 

Chỉ nửa tháng sau đó, thay cho phương thức 6 giây + 6 trước đây, từ 1/5, Viettel cũng đã triển khai phương án tính cước block 6 giây + 1. Phương án này không chỉ được áp dụng cho dịch vụ di động mà còn với cả dịch vụ điện thoại cố định, đường dài trong nước và quốc tế. Cùng với thay đổi phương thức tính cước, Viettel cũng đã chuẩn bị luôn cả  phương án giảm cước cho dịch vụ 098.

 

Đang tích cực chuẩn bị những bước cuối cùng để có thể chính thức ra mắt, EVN Telecom cũng đã trình Bộ BCVT phương án tính cước của mình cũng với phương thức block 6 giây +1. Nhà cung cấp này còn dự kiến đưa ra mức cước cuộc gọi được xem là thấp nhất hiện nay, khoảng 1.000 đồng/phút. 

 

Vào thời điểm đó, hơn 6 triệu thuê bao di động của VNPT vẫn phấp phỏng chờ đợi.

 

Bị quy định bởi Quyết định 217/2003/QĐ-TTg của Chính phủ, thời gian qua, trong khi các doanh nghiệp khác chỉ cần báo cáo phương án là có thể chủ động thực hiện giảm cước hay thay đổi phương thức thì VNPT vẫn phải chờ quyết định của Bộ BCVT. Trong khi các doanh nghiệp khác đã áp dụng phương thức tính cước là 6 giây+1 thì VNPT vẫn đang phải áp dụng mức cước theo block 30 giây + 1.

 

Sau thời gian chờ đợi, VNPT cũng đã được thay đổi phương thức tính cước di động. Ngày 15/5, Bộ BCVT đã chính thức ban hành Quyết định số 16/2006/QĐ-BBCVT cho phép 2 mạng di động VinaPhone và MobiFone được tính cước theo phương thức 6+x và được áp dụng mức cước mới giảm so với mức cước cũ.

 

Theo đó, cước hòa mạng trả sau tối đa là 181.818 đồng/máy/lần, tối thiểu là 27.272 đồng/máy/lần; cước thông tin áp dụng cho thuê bao trả sau tối đa là 1.554 đồng/phút, tối thiểu là 1.227 đồng/phút. Đối với thuê bao trả trước, mức cước tối đa là 2.727 đồng/phút, tối thiểu là 2.000 đồng/phút (mức hiện tại: 1.182đ/30giây). Với thuê bao ngày, mức cước tối đa là 1.382 đồng/phút, tối thiểu là 1.909đồng/phút.

 

Cùng với việc ban hành mức cước mới, Bộ BCVT đã cho phép VNPT áp dụng phương thức tính cước theo đơn vị tính (block) đầu tiên không thấp hơn 6 giây và đơn vị tính tiếp theo không thấp hơn 1 giây.

 

City phone cũng 6 giây +1

 

Ngày 22/5/2006, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã có Quyết định số 58/QĐ-GCTT về việc ban hành cước dịch vụ điện thoại vô tuyến nội thị CityPhone.

 

Theo đó, phương thức tính cước mới đối với dịch vụ CityPhone di động là 6 giây +1, thay vì 6 giây + 6 như đang áp dụng. Cước thuê bao tháng của CityPhone cố định là 27.000 đồng/tháng/thuê bao; đối với CityPhone di động trả sau là 30.000 đồng/tháng/thuê bao. CityPhone di động trả trước là 909 đồng/ngày/máy.

 

Cước thông tin nội hạt là 36 đồng/block 6 giây đầu tiên và 6 đồng/block 1 giây tiếp theo. Đối với các cuộc gọi từ 23h đêm hôm trước đến 7h sáng hôm sau các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7, ngày chủ nhật và ngày lễ, cước thông tin gọi nội hạt là 25đồng/block 6 giây đầu và 4,17 đồng/block 1 giây tiếp theo (trước đây là 36 đồng/block 6 giây) cho.

Cước nhắn tin SMS nội mạng là 182 đồng/bản tin (trước là 200 đồng/bản tin) và nhắn sang các mạng di động khác là 273 đồng/bản tin (trước là 300đ/bản tin). Các mức cước trên chưa bao gồm VAT và được áp dụng từ 1/6 .

 

Như vậy, với những cách tính cước này, khách hàng ngày càng được lợi nhiều hơn. Với mức cước chênh nhau không đáng kể, các doanh nghiệp chỉ có thể cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ cùng các chiêu khuyến mãi. Thị trường thông tin di động, vì vậy, lại sôi lên những cuộc cạnh tranh mới có lợi cho khách hàng. 

Bảo Trung- Mạnh Hùng