“Dế Tàu” - Cuộc chơi may rủi!
Khi quyết định mua một chiếc điện thoại “Tàu”, hãy xác định mình đang chơi một ván bài đầy tính may rủi.
Sức hút khó cưỡng lại...
Chỉ với 2.150.000 đồng, bạn đã có thể sở hữu một chiếc điện thoại “2 sim, màn hình cảm ứng TFT 260K màu, 2 camera 1.3 megapixel; quay phim ghi âm không giới hạn; nghe nhạc mp3, xem phim mp4; có sẵn 300 game; thẻ nhớ T-flash 265 Mb; pin chờ cực lâu 40 ngày" - những dòng quảng cáo cho N86 của GaoxinQ - một hãng điện thoại được giới thiệu là có xuất xứ từ Trung Quốc.
Có thể nói tính năng của điện thoại “Tàu” không khác gì các dòng điện thoại của các hãng điện thoại xịn, thậm chí còn nhiều hơn. Ví dụ, hiện nay, chỉ mới có hai dòng máy của Nokia xem được tivi là N77 và N92 (mỗi tháng mất 90 nghìn tiền cước) thì một năm trước điện thoại Trung Quốc đã có C99i - không mất một xu nào mà có thể xem mười mấy kênh, thậm chí bắt sóng rất khỏe.
“Bán điện thoại Tàu rất chạy, có những khách hàng chỉ chuyên dùng điện thoại Tàu, thay hết đời này đến đời khác, chứ nhất quyết không mua của các hãng điện thoại “xịn” - Anh Thành, chủ hàng điện thoại trên phố Huế cho biết.
Lý lẽ của họ rất hợp lý: “Mẫu mã, chức năng, kiểu dáng của điện thoại "Tàu" rất thời thượng, bắt mắt. Nếu như không để hai chiếc điện thoại chính hãng và của Trung Quốc ra so sánh thì không ai biết con “dế” của mình là dởm.
Bạn có thể xài một chiếc N90 với giá thành 10 triệu, trong khoảng 5 năm. Nhưng với 10 triệu, bạn cũng có thể sắm được 5 - 6 “dế” Trung Quốc và tha hồ thay đổi model, lại vô cùng hợp lý cho túi tiền”.
Và... thất vọng được báo trước
Theo lẽ thường, cái gì cũng có hai mặt của nó. Rẻ và nhiều tính năng thì đi kèm với nó là chất lượng cũng làng nhàng. Một chủ cửa hàng điện thoại “Tàu” có thâm niên “bật mí”: "Cùng là một máy nhưng mỗi lần nhập về lại đề một tên khác.
Ví dụ như N91 nhái (Nokia N Serie), hôm sau đã thành N92 hay N9i. Các tay buôn điện thoại thường sang Trung Quốc đặt hàng và có thể in lên bất cứ cái tên nào.
Hàng tàu nhái N99
Như vậy, khi bán ra có thể lấy lý do là đời mới hơn nên đắt tiền hơn. Dân buôn đánh hàng từ Trung Quốc về Việt Nam theo cả đường chính và nhập lậu. Vì hàng được sản xuất theo từng đợt đặt nên về sau không sản xuất model cũ nữa, hỏng hóc là coi như vứt máy, không sửa được.
Hai nhược điểm rõ rệt nhất mà ai dùng điện thoại “Tàu” cũng thấy là loa và pin rất kém. Loa kêu “oang oang” thật, nhưng chỉ sau một thời gian sử dụng, loa sẽ bị rè nhanh chóng, còn pin trung bình chỉ dùng được một ngày, hỏng pin cũng chỉ còn cách vứt máy hoặc bán rẻ vì không có pin thay thế.
Đã quyết định dùng là phải chấp nhận hên xui. Người hên thì dùng cả năm chưa có vấn đề gì nhưng ai xui thì ngay lập tức lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười: “Mình mua con Suntek S818 chưa đầy một tháng nhưng đã không thể chịu nổi. Nào là ảnh chụp lúc được lúc không, cổng USB không kết nối được với máy tính”.
Có máy dùng rất bền và chịu va đập rất tốt nhưng có cái lại không chịu nổi một va chạm hoặc sự cố nhỏ nào về nước. Ngọc - chủ nhân chiếc W800C – “chị em sinh đôi” với Sony Ericsson W800i, than vãn: “Mấy tháng đầu không có gì trục trặc nhưng dần dần nó càng lắm bệnh. Bàn phím cứng, bấm hơi nhanh một chút thì rất dễ đơ máy. Và bây giờ, nhiều lúc có người gọi điện đến là “shutdown” ngay lập tức, rất phiền phức”.
Một nhược điểm lớn nữa là mang tiếng có nhiều tính năng nhưng các dòng máy Trung Quốc không có hệ điều hành và bluetooth, khi truy nhập web không hỗ trợ âm thanh và hình ảnh. Bên cạnh đó, ở Việt Nam chưa có dòng điện thoại Trung Quốc nào được hỗ trợ GPRS và ứng dụng game cho máy.
Vì vậy lời khuyên cho những ai “ngấp nghé” ý định chơi “dế”" nhái: Một, hãy “nói không” với sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ. Hai, nếu kinh phí hạn hẹp mà vẫn muốn có một chiếc máy để “thử nghịch cho biết” thì phải chọn lựa và đòi chế độ bảo hành thật tốt.
Theo Sinh Viên Việt Nam