Đề án Tin học hóa quản lý hành chính đi về đâu?
Nhiều ý kiến đề nghị kết thúc đề án Tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005 (đề án 112) vì không đạt được những mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, mới đây ban điều hành đề án 112 đã tổng kết đánh giá đề án và đưa ra những biện pháp triển khai giai đoạn 2 (2006-2010).
Xung quanh câu chuyện này, phóng viên đã có cuộc gặp gỡ với tiến sĩ Mai Anh, ủy viên Ủy ban Khoa học - công nghệ & môi trường của Quốc hội.
Có khá nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về đề án 112. Ông đánh giá 112 thành công hay thất bại?
TS Mai Anh: Đánh giá 112 thành công hay thất bại cần phải dựa trên các tiêu chí cụ thể. Theo tôi, đánh giá hiệu quả đầu tư của 112 cần xem xét ở hai góc độ. Thứ nhất, các mục tiêu đặt ra của 112 có hợp lý, khả thi và có hiệu quả cho mục tiêu tin học hóa quản lý hành chính nhà nước (THHQLHC) hay không.
Thứ hai, đánh giá các kết quả đã thực hiện theo nội hàm của vấn đề THHQLHC hay theo các nội dung ghi trong văn bản đề án 112. Để nghiệm thu một đề tài nghiên cứu cần được thực hiện qua một hội đồng nghiệm thu. Để đánh giá đề án như 112 một cách khách quan cần phải thành lập hội đồng quốc gia hay qua một tổ chức độc lập thích hợp.
Theo ông, vì sao có những đánh giá khác nhau về 112 như hiện nay?
THHQLHC là một khái niệm rất rộng và rất chung chung, rất khó định ra tiêu chí cụ thể để đánh giá, đó là chưa kể về mục tiêu của việc THHQLHC. Mỗi người, mỗi cơ quan lại có thể có các ý kiến khác nhau về mục tiêu THHQLHC để làm gì. Do vậy, khi đánh giá cũng dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau: được và chưa được.
Để THHQLHC thì công nghệ thông tin (CNTT) chỉ là một công cụ kỹ thuật. Quan trọng nhất để THHQLHC, dù nhằm vào mục tiêu nào thì việc thay đổi qui trình công tác, hay nói một cách khác là việc cải cách hành chính và cải cách hành chính định hướng ứng dụng CNTT là yếu tố quyết định.
Chúng ta có chương trình cải cách hành chính quốc gia, song theo tôi, việc phối kết hợp giữa Ban điều hành 112 Chính phủ và Ban chỉ đạo cải cách hành chính quốc gia chưa mạnh. Bản thân công tác cải cách hành chính các năm qua cũng được dư luận đánh giá là chậm.
Do vậy, nếu nhìn vào một số việc 112 đã làm được thì có ý kiến đánh giá là tốt, song nếu nhìn vào cải cách hành chính và sự hòa quyện của nó trong đề án 112 thì rõ ràng có đánh giá là chưa tốt.
Mặt khác, cũng có người đánh giá cái được của 112 qua mức độ THHQLHC tại Văn phòng Chính phủ - đơn vị chủ trì 112 cấp quốc gia. Theo hướng này, nếu tại Văn phòng Chính phủ việc tin học hóa chưa mạnh thì Văn phòng Chính phủ không thể chỉ đạo cả nước làm tốt tin học hóa được.
Đề án 112 triển khai đồng thời tại tất cả các địa phương, các bộ, ngành. Nhưng các địa phương, các bộ, ngành có mức phát triển khác nhau về năng lực quản lý, nguồn nhân lực CNTT, năng lực ứng dụng CNTT... Nếu cả nước đều triển khai đương nhiên sẽ dẫn đến việc một số tỉnh, thành hay bộ, ngành có điều kiện sẽ làm tốt hơn, một số khác yếu hơn, từ đó dẫn đến các đánh giá và nhìn nhận khác nhau về kết quả của 112.
Có nhiều ý kiến cho rằng đề án 112 không thành công một phần do bộ máy triển khai đề án bất cập?
Từ nhiều năm qua chúng ta đã có một bất cập về mô hình ban chỉ đạo. Để triển khai một đề án lớn chúng ta thường thành lập ban chỉ đạo. Vấn đề càng quan trọng thì thành viên ban chỉ đạo là những người càng có chức vụ cao nhưng lại có ít thời gian tham gia chỉ đạo công việc. Giúp việc cho ban chỉ đạo là văn phòng ban chỉ đạo, song vì các thành viên của ban ít thời gian quá nên mọi việc đôi khi do văn phòng ban chỉ đạo giải quyết.
Thế là cả một vấn đề quan trọng lại phụ thuộc một số nhân viên hay chánh văn phòng ban chỉ đạo. Với mô hình này, trách nhiệm không thuộc về ai cả. Đề án 112 không có văn phòng ban chỉ đạo mà là ban thư ký giúp việc cho Ban điều hành 112 Chính phủ. Ban thư ký thực thi các công việc như văn phòng ban chỉ đạo nêu trên. Do vậy, đương nhiên có vấn đề về tổ chức.
Về bộ máy thực hiện, ta chưa có sự thống nhất chỉ đạo triển khai các dự án cấp quốc gia về CNTT. Cùng một lúc các địa phương, bộ, ngành chịu sự điều hành của hai bộ máy: Ban điều hành Chính phủ về 112 (một đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) và Ban điều hành quốc gia về CNTT (Ban 58) do một phó thủ tướng làm trưởng ban điều hành. Nội dung hoạt động của Ban 58 khá rộng, có thể coi là bao trùm nội dung của 112.
Song 112 tự coi là một đề án quốc gia độc lập, do Thủ tướng phê duyệt, chỉ đạo xuống tận các bộ, ngành, địa phương. Thành ra dẫn đến tình trạng cùng một lúc các địa phương phải xây dựng các dự án theo hướng của 58 và theo hướng của 112.
Đó là chưa kể gần đây các tỉnh, thành còn phải triển khai xây dựng qui hoạch về CNTT của địa phương mình theo hướng qui hoạch chung của quốc gia. Như vậy vấn đề tổ chức điều hành ở tầm vĩ mô cũng có vấn đề cần phải xem xét để đầu tư cho CNTT được hiệu quả.
Với những bất cập ông đã nêu trên nhưng đề án 112 vẫn tiếp tục được triển khai?
Theo tôi, Chính phủ cần đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm cái được và chưa được của 112 (qua các hội đồng hay tổ chức độc lập) vì 112 theo văn bản đã kết thúc vào năm 2005. Cần xây dựng dự án tiếp theo theo hướng triển khai dự án Chính phủ điện tử tại VN.
Dự án này sẽ đáp ứng được yêu cầu triển khai hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong nước, triển khai Luật giao dịch điện tử và cũng là thực hiện các cam kết của VN đối với hiệp định khung về ASEAN điện tử. Dự án Chính phủ điện tử cũng cần kế thừa cái được của 112 và rút kinh nghiệm để tránh cái không được của 112.
Theo ông, cơ quan nào sẽ là đầu mối để triển khai Chính phủ điện tử tại VN thời gian tới?
CNTT chỉ là phương tiện kỹ thuật, cải cách hành chính và cơ quan có quyền quyết định về cải cách hành chính là yếu tố quyết định cho việc triển khai thành công Chính phủ điện tử nói chung và THHQLHC nói riêng.
Do vậy, chỉ đạo triển khai Chính phủ điện tử thời gian tới phải là Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng. Cơ quan thường trực giúp việc có thể đặt tại Văn phòng Chính phủ hay Bộ Nội vụ, song cơ cấu tổ chức và nhân lực của cơ quan thường trực cần được nghiên cứu cân nhắc kỹ. Các bộ, ngành và địa phương chịu trách nhiệm về triển khai Chính phủ điện tử tại ngành và địa phương mình.
Theo Khiết Hưng
Tuổi trẻ